Nhật ký tháng 4
Đại tá Nguyễn Huy Hướng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đàn đã có 40 năm sống trọn với đời quân ngũ. Khi có lời mời của Ban Giám hiệu Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn) để nói chuyện nhân kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, ông thấy bồn chồn.
Ngày về trường, người cựu binh già khoác trên mình bộ quân phục cũ quen thuộc. Tư trang mang theo là những câu chuyện gắn với cuộc đời binh lính mà ông và các đồng đội đã đi qua với rất nhiều những ký ức không thể nào quên...
“Ngày hòa bình” là chủ đề của chương trình ngoại khóa do Trường THCS Kim Liên tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước 30/4; coi đây là hoạt động hết sức thiết thực và bổ ích chứa đựng nhiều tâm huyết của thầy và trò.
Tâm điểm của chương trình là buổi nói chuyện dài hơn 60 phút của Đại tá Nguyễn Huy Hướng kể về 56 ngày đêm ông cùng đồng đội trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Học sinh của trường được ông chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình, là con trai duy nhất trong gia đình, khi còn là một sinh viên Trường Đại học Hàng Hải đã tự nguyện viết đơn nhập ngũ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Sau đó, kinh qua rất nhiều trận địa, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch biên giới Tây Nam, được điều động tăng cường sang Lào và đã 3 lần bị thương nhưng chưa bao giờ ông nao núng tinh thần người lính.
Câu chuyện của ông cũng giúp cho học sinh của Trường THCS Kim Liên hiểu hơn về một giai đoạn dẫu khó khăn nhưng rất đỗi anh hùng của dân tộc. Trong đó, để có được chiến thắng cuối cùng có sự đóng góp không nhỏ của rất nhiều người con ưu tú của huyện Nam Đàn.
Chuỗi hoạt động của “Ngày hòa bình” còn có nhiều nội dung thiết thực khác như chiếu phim về lịch sử, triển lãm sách và tranh, ảnh tư liệu về ngày 30/4. Trước đó, Trường THCS Kim Liên cũng là một trong những ngôi trường đi đầu của huyện Nam Đàn trong việc tổ chức các hoạt động về nguồn, tuyên truyền giáo dục cách mạng. Trong đó, ấn tượng nhất chính là việc nhà trường tiên phong xây dựng Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên trường học.
Chúng tôi xây dựng cột mốc Trường Sa 3 năm thì cũng chừng ấy thời gian học sinh của trường đã được học lịch sử và biết đến lịch sử đất nước bằng chính những bài học trực quan sinh động... Ở trường, hiện có 16 lớp và mỗi lớp đều mang tên các hòn đảo ở Trường Sa như Chi đội đảo Nam Yết, Chi đội đảo Sinh Tồn, Chi đội đảo Sơn Ca, Chi đội đảo Song Tử Tây...
Học sinh Lưu Thị Phương Anh - lớp 7A, cho biết: Trước đây khi học Lịch sử chúng em thường ngại vì nhiều số liệu, khô khan. Nhưng nhờ các hoạt động ngoại khóa như chương trình “Ngày hòa bình”, nhờ có nhiều đổi mới của nhà trường trong cách giáo dục lịch sử nên em thực sự thấy hứng thú với môn học này.
Với thế hệ trẻ chúng em, học lịch sử còn giúp chúng em hiểu hơn quá khứ hào hứng của đất nước và tự hào với những thành quả mà cha ông đã dày công xây dựng.
Yêu hòa bình và học cách biết ơn
Chiến tranh là gì và cảm nhận thế nào về hòa bình là câu hỏi mà cô giáo Chu Minh Anh Thơ đã đặt ra cho những học sinh của mình trong bài kiểm tra 15 phút môn Ngữ Văn. Đề thi mở, lại dành cho những học sinh chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh) nên ngỡ rằng sẽ không “góp nhặt” được nhiều.
Nhưng rồi, chính cô giáo Chu Minh Anh Thơ cũng đã bất ngờ về các học trò của mình: Tôi chọn đề tài này đúng vào dịp kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam với mong muốn đây là cơ hội để các em bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình về đất nước và ý nghĩa cuộc chiến đấu của dân tộc. Tôi cũng rất mừng khi đọc bài của các em và tin rằng, thế hệ trẻ ngày nay không thờ ơ với lịch sử, với quá khứ”.
Với đề kiểm tra này, học sinh Nguyễn Việt Anh - lớp 10 A5 cũng nói rằng, em thực sự thấy hào hứng khi lần đầu tiên được thể hiện quan niệm của mình. Việt An cũng đã đặt một câu hỏi rất hay ngay đầu bài viết: “Có bao giờ bạn tự hỏi chiến tranh là gì mà toàn thế giới phải chung tay chống lại sự hiện diện của nó?”.
Trả lời cho câu hỏi này, có rất nhiều đáp án khác nhau nhưng hậu quả thì chỉ có một khi chiến tranh “cướp đi hạnh phúc, cướp đi người thân, cướp đi tất cả những gì quý giá nhất của triệu triệu người”.
“Tôi hiểu chiến tranh và do đó hơn hết tôi yêu hòa bình”.
Hòa bình được cảm nhận rõ hơn mỗi dịp kỷ niệm 30/4, “ngày mà hàng triệu con tim Việt Nam nô nức hòa chung một nhịp đập, lá cờ Tổ quốc tung bay”. Ngày hôm ấy, dẫu người già, hay trẻ, người đã từng trải qua khốc liệt của cuộc chiến hay may mắn được sống trong hòa bình sẽ phải “học cách thấu hiểu” để thấy hơn giá trị của tự do và trân quý, biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc...
Dịp kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên toàn tỉnh, rất nhiều những hoạt động tri ân cũng đã được học sinh tổ chức. Đợt sinh hoạt “về nguồn” này cũng là dịp ý nghĩa để thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến đấu anh dũng và hào hùng của dân tộc, khơi gợi tình yêu Tổ quốc và để các em ý thức, thấy được trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước...