(Baonghean) - Khủng hoảng là điều không ai mong muốn, nó phá vỡ sự cân bằng và trật tự ổn định của xã hội, chính trị, kinh tế. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng cũng có thể tạo ra áp lực để đạt được những đột phá mới dẫn chúng ta đi xa hơn xuất phát điểm ban đầu. Dĩ nhiên đó là một canh bạc định mệnh giữa được và mất. Một trò chơi mạo hiểm trên dây…
Brazil: Khi niềm tin bị đánh mất
Thứ Năm ngày 12/5, nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil - bà Dilma Rousseff chính thức rời nhiệm sở sau khi có kết quả bỏ phiếu của Nghị viện. 55/81 Nghị sỹ đã bỏ phiếu thông qua việc tạm dừng nhiệm kỳ của bà Rousseff trong vòng 6 tháng. Tổng thống lâm thời thay thế bà Rousseff là ông Michel Temer.
Dĩ nhiên, nhiệm kỳ của bà Rousseff không thực sự chấm dứt sớm như vậy - 2 năm và 7 tháng trước kỳ hạn. Hy vọng trở lại chiếc ghế Tổng thống của bà không hoàn toàn là con số 0 khi mà nguyên nhân dẫn đến tình huống này không thực sự là một tội danh. Bà Rousseff bị lên án vì đã che giấu mức độ nghiêm trọng của tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước trong kỳ vận động tranh cử hồi năm 2014 để giành được sự ủng hộ của cử tri. Một thủ thuật khá quen thuộc trong giới chính trị gia phương Tây…
Có lẽ sự việc đã không đi đến bước đường tồi tệ như thế này nếu kinh tế Brazil không lao dốc không phanh. Đây cũng được cho là giọt nước tràn ly đối với một hệ thống chính trị bất ổn vì tham nhũng và chia sẻ quyền lực giữa đôi bên tả - hữu. Sự ra đi của bà Rousseff khép lại 13 năm nắm quyền của cánh tả trung tâm - Đảng lao động do Cựu Tổng thống Lula da Silva lãnh đạo. Trong 13 năm đó, Đảng lao động của ông Lula da Silva đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước, nhất là những tầng lớp người Brazil bần hàn nhất. Tuy nhiên, từng đó vẫn là không đủ để vực đất nước đầu tàu của khu vực Mỹ Latinh này ra khỏi cơn khủng hoảng chính trị - kinh tế.
Thị trường nguyên liệu thô rớt giá, chỉ số tiêu dùng “chết máy”, các nhà đầu tư mất niềm tin và không muốn rót vốn vào Brazil, hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp một cách đồng bộ…Đó là bức tranh về cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong suốt thế kỷ qua đối với Brazil. Có thể nói đây là yếu tố mang tính quyết định khiến bà Rousseff “ngã ngựa” giữa nhiệm kỳ. Và đó cũng là thách thức lớn đang chờ đợi người kế nhiệm lâm thời của bà - ông Michel Temer.
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Michel Temer là một lựa chọn “cực chẳng đã” bởi cái ghế Tổng thống không thể bị bỏ trống. Bản thân ông này cũng vướng phải những bê bối liên quan đến tài chính. Đơn cử như việc bị cáo buộc vượt quá ngưỡng chi tiêu dành cho các chiến dịch bầu cử năm 2014. Công tố viên của Toà án bầu cử Brazil còn nhận định: Ông Michel Temer sẽ trở thành Tổng thống “ficha suja” đầu tiên trong lịch sử nước này. “Ficha suja” là một thuật ngữ để chỉ những khách hàng nợ xấu.
Thêm vào đó, ông Michel Temer từng là “đồng đội” của bà Dilma Rousseff nên chắc chắn không tránh khỏi liên quan đến những bê bối liên quan đến tài chính của nữ cựu Tổng thống, trong đó có cả vụ án tham nhũng tai tiếng của Tập đoàn xăng dầu công Petrobas. Nếu bà Dilma Rousseff bị luận tội liên quan đến những vụ việc trên, ông Michel Temer cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Điều này là cực kỳ bất lợi cho vị Tổng thống lâm thời.
Nước cờ bất thường của Apple
Thứ Sáu ngày 13/5 vừa qua, Apple tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD cho Didi Chuxing - đối thủ cạnh tranh với Uber tại Trung Quốc. Điều này gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi Apple có truyền thống tự phát triển các sản phẩm, chiến lược và không mấy hứng thú với các dự án khởi nghiệp. Vậy, điều gì đã khiến Apple thay đổi?
Về phía Didi, được đánh giá là “ngôi sao đang lên” tại Trung Quốc. Chỉ trong vòng 1 năm, giá trị của dự án này đã tăng lên 10 tỷ USD, với 300 triệu khách hàng, 14 triệu tài xế hoạt động khắp Trung Quốc. Mỗi ngày Didi thực hiện trung bình 11 triệu lượt chở khách. Dịch vụ của Didi cũng rất đa dạng và có liên kết với những ông lớn như Tập đoàn dịch vụ Internet Tencent hay trang thương mại điện tử Alibaba.
Đối với Apple, đây sẽ là thương vụ phát triển bên ngoài lớn thứ 2 kể từ sau vụ mua lại nhà sản xuất tai nghe Beats vào năm 2014. Tim Cook - Giám đốc điều hành của Apple cho biết trong một thông cáo: “Chúng tôi rất ấn tượng bởi những gì mà các nhà sáng lập Didi và đội ngũ điều hành xuất sắc của họ đã làm”. Điều đáng chú ý là bản thân Apple lâu nay đã “lấn sân” vào lĩnh vực phương tiện vận chuyển. Họ có một đội ngũ 1.000 nhân viên hoạt động trong dự án thiết kế một chiếc ô tô tự vận hành mà yếu tố hạt nhân mang tính quyết định là phần mềm điều hành - “nghề ruột” của Apple.
Phương tiện tự vận hành cũng là mục tiêu của Uber, General Motors hay Lyft. Một số thậm chí còn lên kế hoạch dự kiến chạy thử nghiệm dàn phương tiện tự động vào cuối năm nay. Như vậy, trên thị trường này, Apple khá bất lợi khi vừa “chậm chân” hơn trong phát triển công nghệ, vừa không sở hữu nền tảng sẵn có để vận hành như thị trường, khách hàng, dịch vụ…Có thể đây là lý do khiến Apple quyết định đầu tư vào Didi.
Rõ ràng, Didi có thể mở ra nhiều cánh cửa khả quan cho Apple. Không chỉ là bước đệm để lấn sân sang lĩnh vực phương tiện - dịch vụ vận chuyển và bắt kịp những đối thủ đi trước, đây còn là cơ hội để Apple kết nối tốt hơn với thị trường Trung Quốc rộng lớn. Trong quý I năm 2016, doanh số bán điện thoại của Apple đã giảm 26% - lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2007 đến nay. Những trở ngại ở thị trường Trung Quốc là một nguyên nhân không hề nhỏ.
Đã đến lúc người ta hoài nghi về vị trí độc tôn của Apple trong lĩnh vực thiết bị di động nói riêng và thế giới công nghệ nói chung. Tất nhiên, khi đạt đến vị trí dẫn đầu, bài toán chiến lược giữa ổn định và đột phá là không hề đơn giản. Giới mộ điệu và cả những đối thủ của Apple đều đang nóng lòng chờ xem ông lớn này sẽ có cuộc chuyển mình như thế nào, hay huyền thoại về Trái Táo giờ đây chỉ còn là dĩ vãng?
Thục Anh