(Baonghean) - Tuần qua, nhiều quốc gia trên thế giới vấp phải những thế bí trong đối nội lẫn đối ngoại và phải dồn không ít công sức để “khơi thông” các điểm nghẽn ấy. Trong khi ở Nam Mỹ, Brazil xoay xở gỡ rối tài chính trước thềm Thế vận hội Rio, thì ở Nam Á nút thắt quan hệ Afghanistan-Pakistan vẫn như tơ vò…
Brazil: Rio ‘kẹt tiền’ trước Thế vận hội
Khi chỉ còn đếm ngược chưa đầy 50 ngày nữa là đến lễ khai mạc Thế vận hội Olympic, Thống đốc Rio de Janeiro, Brazil đã ban bố tình trạng khẩn cấp tài chính và cầu viện sự hỗ trợ của liên bang để tránh “sự sụp đổ hoàn toàn trong quản lý an ninh, y tế, giáo dục, vận tải và môi trường”.
Guardian nhận định lời nài nỉ xin hỗ trợ tài chính trên là sự hổ thẹn đối với chủ nhà Thế vận hội đầu tiên của Nam Mỹ, làm dài thêm danh sách những phiền muộn vốn đã bao gồm việc luận tội Tổng thống, suy thoái sâu nhất trong nhiều thập niên, bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử, dịch Zika bùng phát và làn sóng đình công, chiếm các tòa nhà chính quyền.
Nền kinh tế Brazil dự báo sẽ giảm khoảng 4% trong năm nay, hậu quả của nhiều yếu tố như giá hàng hóa thấp, cầu giảm từ nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc, chính trường tê liệt và chiến dịch điều tra tham nhũng Lava Jato đã buộc đình chỉ nhiều hợp đồng xây dựng hay dẫn tới việc hàng chục quan chức cấp cao bị bắt giữ. Rio là cái tên hứng nhiều tổn thương nhất, bởi đây lại là nơi đóng trụ sở của công ty dầu lửa quốc doanh Petrobras - ông lớn tâm điểm của cuộc điều tra.
Doanh thu từ thuế giảm, chính quyền bang buộc phải siết chặt hầu bao cho y tế, cảnh sát và giáo dục. Khoản tiền lương chi trả cho giáo viên và bác sỹ bị trì hoãn hết lần này đến lần khác, khiến lực lượng này bí bách và phải tìm đến biện pháp đình công phản đối, chiếm các trường học và bệnh viện tại địa phương.
Quyền Thống đốc Francisco Dornelles trong công báo chính thức đã gọi tình hình hiện nay là “tai ương tài chính” có thể cản trở “hoàn tất nghĩa vụ với Thế vận hội Olympic và Paralympic Rio 2016”. Thế nhưng, tuyên bố này lại được đánh giá là phần nào ẩn chứa thủ thuật chính trị. Bởi khi ban bố tình trạng khẩn cấp về tài chính, chính quyền có thể vay mượn các quỹ mà không cần thông qua sự phê duyệt của cơ quan lập pháp cấp bang. Tổng thống tạm quyền Michel Temer dường như đã chấp thuận dốc hầu bao từ các quỹ liên bang để bù vào những thiếu thốn của Rio, hòng đảm bảo Thế vận hội vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.
Dù vậy, vẫn phải chờ để biết liệu những biện pháp trên có mang lại nhiều tác động tích cực không. Hiện nay, hầu hết các dự án Olympic đều nhận tài trợ từ các công ty tư nhân hoặc thành phố Rio - vốn có vị thế tài chính vững hơn bang Rio của Brazil. Ngoại trừ đường đua xe đạp, các tòa nhà thi đấu chính đều đã hoàn thiện hoặc sắp sửa hoàn thiện, song bang Rio vẫn đang phải phụ trách mở rộng tuyến tàu điện ngầm MetrôRio chậm tiến độ và có lẽ chỉ kịp đưa vào sử dụng ít ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội, phục vụ đưa đón khách tới làng vận động viên và công viên Olympic tại Barra de Tijuca.
Những vấn đề trên chưa phải là tất cả, cần lưu ý rằng với nửa triệu du khách dự kiến đổ về Thế vận hội, mối quan tâm lớn hơn là ngân sách dành cho an ninh công cộng đã bị cắt giảm. Đây là vấn đề không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nhiều cảnh báo được đưa ra về khả năng những kẻ khủng bố có thể nhắm vào sự kiện lớn này. Phải bảo vệ tốt tính mạng của người dân, khán giả trong những ngày tới, bất chấp tài chính eo hẹp có lẽ là bài toán không dễ giải dành cho xứ sở của những lễ hội sôi động Brazil.
Afghanistan-Pakistan: Nút thắt khó gỡ
Tuần qua cũng chứng kiến điểm mấu chốt trong mối quan hệ nhùng nhằng không mấy tiến triển giữa 2 quốc gia láng giềng ở Nam Á, khi đại sứ của Afghanistan tại Pakistan đe dọa sẽ từ chức nếu không xuất hiện dấu hiệu tích cực trong quan hệ song phương này.
Các kênh truyền thông thế giới đều dành sự chú ý đáng kể đến những bình luận của Đại sứ Omar Zakhilwal trên tài khoản mạng xã hội Facebook hôm 16/6, khi ông khẳng định “tôi chẳng có lý do gì để tiếp tục công việc hiện nay”, trừ khi Pakistan ngừng thi công các đồn bốt mới tại khu vực cửa khẩu nhộn nhịp nhất giữa 2 quốc gia. Trang tin CNN đã liên hệ qua điện thoại với nhà ngoại giao để làm rõ hơn tuyên bố trên, và nhận được câu trả lời lấp lửng rằng Đại sứ “không nói gì thêm ngoài những nội dung đã có”. Tuy nhiên, phải công nhận phát ngôn của ông đã đánh trúng tâm lý tò mò của những người quan tâm đến diễn biến quan hệ hữu nghị nhiều biến động, thăng trầm giữa 2 quốc gia Nam Á trên.
Trước đó, hôm 12/6, những căng thẳng vốn âm ỉ cháy lâu nay giữa 2 láng giềng bùng lên dữ dội trong màn bạo lực đẫm máu tại cửa khẩu Torkham. Theo chính phủ 2 nước, ít nhất 1 sỹ quan cảnh sát tại cửa khẩu của Afghanistan và 1 thiếu tá lục quân Pakistan thiệt mạng trong cuộc giao tranh kéo dài 2 ngày. Ít nhất 23 người khác cũng bị thương trong các cuộc đụng độ có sử dụng súng máy hạng nặng. Kể từ sau vụ việc, cửa khẩu Torkham vẫn đóng. Hàng dài xe tải nối đuôi nhau xếp hàng chờ đợi ở cả 2 phía của Hầm Khyber, đường hầm qua núi nổi tiếng là tuyến trung chuyển nối 2 quốc gia.
Nhiều người cho rằng tia lửa khởi phát vòng căng thẳng mới nhất có dính dáng đến việc Pakistan đang cho xây dựng trạm nghỉ mới tại khu vực biên giới. Trong một tuyên bố phát đi đầu tuần này, Ngoại trưởng Pakistan lập luận: “Chẳng thể nào kiểm tra hết giấy tờ của hàng nghìn người qua lại cửa khẩu nếu không có đủ cơ sở hạ tầng rộng rãi. Nhà chờ tại Torkham đang được xây dựng hoàn toàn bên trong vùng lãnh thổ của Pakistan”.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, từ góc độ của đối phương, tức Đại sứ Afghanistan tại Islamabad, họ lại khăng khăng cho rằng xây dựng công trình gì ở khu vực biên giới cũng cần thông qua sự thống nhất của cả 2 chính phủ. Bên này muốn công trình đang thi công phải ngừng lại ngay lập tức, chờ các đàm phán song phương được tiến hành trước rồi mới tiếp tục định đoạt xây tiếp hay không.
Thực ra, ai cũng hiểu rằng sợi dây quan hệ giữa 2 nước đã bị kéo căng suốt thời gian dài chứ không phải chuyện một sáng, một chiều. Chính quyền Afghanistan từ lâu luôn cáo buộc Pakistan cung cấp chỗ trú ẩn cho các tay súng của lực lượng Taliban. Còn về phần mình, Pakistan cũng cho rằng họ là nạn nhân, khi Taliban nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công bạo lực tại nước này. Nhìn chung, có thể thấy mối quan hệ Afghanistan-Pakistan vốn không “sóng yên, biển lặng” nay lại đứng trước bờ vực lung lay không vững. Có lẽ chỉ cần một sơ sẩy nhỏ trong phát ngôn, trong hành động cũng sẽ tiềm ẩn hậu quả ít ai mong muốn giữa những người hàng xóm chung vách.
Thu Giang