(Baonghean) - Nguyên tắc là hình thức đảm bảo cho sự ổn định của xã hội. Nếu không có nguyên tắc, mối quan hệ giữa con người với con người chắc chắn sẽ kết thúc bằng xung đột bởi bản năng của mỗi cá nhân là cạnh tranh để bảo tồn bản thân. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà hệ thống quy chuẩn, nguyên tắc, luật pháp có thể được đánh giá là đạt đến mức hoàn thiện. Tuy nhiên, rất nghịch lý: chính đó lại cũng là nguồn gốc của những xung đột trong xã hội này.
 
Xung quanh hồ sơ tra tấn của CIA
 
Thứ Ba, ngày 9/12, Hạ viện Mỹ công bố bản báo cáo, tiết lộ sự thật về các biện pháp hỏi cung phạm pháp mà Cơ quan tình báo Mỹ CIA đã qua mặt Nhà Trắng và Hạ viện để thực hiện. 
 
Trong đó, Hạ viện Mỹ đã chỉ trích nặng nề các hình thức tra tấn của CIA trong bối cảnh cuộc "chiến tranh chống khủng bố" kể từ sau sự kiện 11/9/2001. Cuộc điều tra đưa đến 20 kết luận và bản tường trình dài khoảng 500 trang và được công khai bởi Ủy ban thông tin Hạ viện. Tất nhiên là những thông tin nhạy cảm nhất không hiện diện trong văn bản này - mà chỉ cho biết các phương pháp tra khảo tăng cường của CIA "không hiệu quả" và "tồi tệ hơn nhiều" so với những gì mà cơ quan tình báo này thừa nhận từ trước đến nay. 
 
images1101749_tran_nuoc_cia_fqwb.jpgKỹ thuật tra tấn "trấn nước" mà CIA sử dụng để tra tấn tù nhân (ảnh: Okimoto)
 
Cụ thể, CIA đã áp dụng các biện pháp tra tấn tàn bạo lên 39 tù nhân trong nhiều năm trời - nhiều biện pháp trong số đó không được luật pháp Mỹ cho phép. Các phạm nhân bị ném vào tường, cởi bỏ quần áo, bị thả vào những bồn tắm đóng băng, bị ngăn không cho ngủ trong quãng thời gian đôi khi lên đến 180 giờ đồng hồ. Tài liệu này còn mô tả cụ thể hơn về trường hợp của Abou Zoubeida - một phạm nhân bị tra tấn dưới hình thức mô phỏng người bị ngạt nước, đã "sùi bọt mép" sau nhiều lần liên tiếp chịu đựng hình phạt trên. Chủ tịch Ủy ban thông tin Hạ viện - bà Dianne Feinstein tuyên bố tại buổi trình bày báo cáo của mình: "Có thời điểm các biện pháp tra khảo tăng cường của CIA cho phép thu thập được những thông tin liên quan đến các mối đe dọa tức thì, ví dụ như thông tin về những "quả bom nổ chậm" giả định - điều mà nhiều người dùng làm lý do biện hộ cho việc thực thi các biện pháp tra tấn tàn bạo". 
 
Kết luận cuộc điều tra, Hạ viện cáo buộc CIA đã "lừa dối" không chỉ dư luận mà còn cả Nghị viện và Nhà Trắng về hiệu quả của chương trình, khi mà cơ quan này khẳng định rằng những biện pháp tra khảo nói trên đã cho phép "cứu sống nhiều sinh mạng". Một điểm khác trong bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng "CIA đã nỗ lực tìm mọi cách trốn tránh hoặc cản trở công tác kiểm soát theo dõi của Nghị viện". Tổng thống Obama không thể không lên tiếng trước tiết lộ động trời không mấy có lợi cho Mỹ - kể cả trong và ngoài nước. Vài phút sau khi bản báo cáo được tung ra, ông khẳng định những biện pháp tra tấn nói trên "đi trái lại" hệ giá trị của nước Mỹ và "làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế". Trên thực tế, đây không phải là một lời bình luận suông bởi quả thực khi nhận nhiệm vụ đứng đầu Nhà Trắng vào tháng 1/2009, ông đã chính thức ra quyết định chấm dứt chương trình tra khảo tăng cường và hứa rằng sẽ làm tất cả để đảm bảo những biện pháp này sẽ không bao giờ được sử dụng trở lại. 
 
Người đứng đầu CIA - John Brennan thừa nhận cơ quan này đã sai lầm khi sử dụng hình thức tra tấn như một phương pháp tra khảo, nhưng đồng thời cũng phản bác lại quan điểm của Hạ viện cho rằng phương thức này vô hiệu quả. Theo ông này, một cuộc điều tra nội bộ do CIA thực hiện đã cho thấy rõ các phiên tra khảo tăng cường đối với các nghi phạm khủng bố đã "cho phép thu thập được những thông tin cho phép ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố, bắt được thủ phạm và cứu sống nhiều sinh mạng".
 
Trên thực tế, tra khảo bằng hình thức tra tấn không phải là một "phát minh" mới. Chưa bao giờ được công nhận và chấp nhận, nhưng tất cả đều hiểu rằng đó là những góc khuất chân thực của mối quan hệ xung đột giữa người với người. Điều đáng nói ở đây là vấn đề lợi ích có thể được xem như một lý do biện hộ nhằm "giảm nhẹ tội trạng" - đây có lẽ mới chính là lý do gây ra tranh cãi tại Mỹ (thậm chí là châu Âu khi mà một số quốc gia châu Âu được cho là đã đồng lõa với CIA trong việc này). Tất nhiên, đó cũng là những việc đã qua, còn vấn đề đáng lo ngại sắp tới - vẫn xoay quanh lợi ích - là liệu công khai những thông tin nói trên có đẩy an ninh nước Mỹ vào vòng nguy hiểm, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này của chính trường thế giới. Lại một lần nữa, Tổng thống Obama và phe Cộng hòa bất đồng quan điểm!
 
Nga không thích "tôm Belarus"
 
Trong tuần qua, Hải quan Belarus đã thiết lập trở lại công tác kiểm tra tại biên giới giáp Nga - một phản ứng đáp trả lại những cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận đối với hàng hóa nhập vào lãnh thổ nước này. Động thái này chẳng khác nào thách thức liên minh thuế quan Á - Âu mà Nga vốn cực kỳ xem trọng. 
 
Tổng thống Nga và Tổng thống Belarus tại Minsk.
 
Năm 2010, hàng rào thuế quan giữa Belarus và Nga chính thức được gỡ bỏ, trong khuôn khổ khối liên minh thuế quan Á - Âu gồm có Nga, Belarus và Kazakhstan. Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu như khủng hoảng Ukraina không khiến cho mối quan hệ Nga - Âu xấu đi, mà hệ quả là những lệnh cấm vận được ban hành từ cả hai bên. Theo đó, các mặt hàng thực phẩm châu Âu bị cấm nhập khẩu vào Nga. Tuy nhiên, Belarus và Kazakhstan không thuộc diện đối tượng áp dụng lệnh cấm vận. Kết quả là các mặt hàng vẫn lưu thông giữa hai nước này, thông qua trung gian là Nga. Và điều dễ đoán trước là những kiện hàng đôi khi "thất lạc" lại đâu đó trên đất nước rộng lớn này. 
 
Tại sao Nga lại bức xúc như vậy? Bởi thật nực cười khi mà thịt lợn của Đức lại được dán nhãn Brazil hay tôm Belarus để nhập vào Nga - trong khi Belarus thậm chí còn chẳng giáp biển. Điều này đã trở thành chuyện tiếu lâm thường ngày của cư dân mạng Nga - kém khôi hài hơn đối với những nhân vật của Điện Kremlin. Mặc dù vẫn chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tình trạng trung chuyển hàng hóa trái phép này đang ngày càng gia tăng và phản ứng của Nga khiến Belarus phật ý. Tổng thống Alexandre Loukachenko tuyên bố:"Nếu tình hình giữa 2 nước không bình thường hóa trở lại nhanh chóng, chúng tôi buộc phải hành động".
 
Và Belarus đã thực sự làm như vậy, mặc dù trong một thông cáo ngày 9/12, hải quan nước này tuyên bố chỉ "thực hiện công việc của mình đối với những mặt hàng trung chuyển, trong sự tuân thủ tuyệt đối các quy định của liên minh thuế quan và luật pháp sở tại". Đồng thời hải quan nước này cũng cho biết, qua kiểm tra đã "phát hiện nhiều người vận chuyển thiếu giấy phép" - điều đáng ra phải làm Nga hài lòng... hoặc là không? Thứ Tư, ngày 10/12, Nga thông qua việc Armenia gia nhập vào Liên minh thuế quan - sẽ trở thành Liên minh Á - Âu kể từ ngày 1/1/2015. Việc Belarus lên tiếng phản ứng lại Nga - trong bối cảnh nhạy cảm như hiện nay - hẳn sẽ không mấy dễ chịu với đất nước bạch dương.
 
Hồng Kông đã "hạ dù"
 
Thứ Năm, ngày 11/12, Tòa án Hồng Kông ra quyết định di dời và dỡ bỏ những chướng ngại vật mà người biểu tình dựng lên trên đường phố. Thứ Sáu, ngày 12/12, các tuyến đường cao tốc chính của Hồng Kông được thông suốt trở lại. 
 
Người biểu tình Hong Kong đêm 10/12. Ảnh: AP
 
Cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành bắt giữ hơn 200 người biểu tình, đánh dấu sự kết thúc của cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng thấy kể từ khi Hồng Kông được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997 sau 150 năm quản lý. Mục đích của phong trào này là kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền dân chủ và bầu cử của người Hồng Kông thay vì "sàng lọc, lựa chọn" hay nói cách khác là "giới hạn, sắp đặt" những ứng cử viên cho vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp của khu đặc quyền kinh tế này. Các nhà chức trách và truyền thông Trung Quốc bày tỏ sự hân hoan trước "thất bại" của phe biểu tình, nhấn mạnh rằng cuối cùng, chính quyền đã không nhượng bộ và áp chế được những yêu sách nói trên. Trong khi đó, những người biểu tình tuyên bố "sẽ trở lại dưới các hình thức khác" và rằng "đây không phải là dấu chấm hết của phong trào Occupy Central. Sự thức tỉnh trong ý thức chính trị của giới trẻ là điều không thể thay đổi và sẽ là linh hồn của cuộc chiến". 
 
Tuy nhiên, điều mà cộng đồng quốc tế nghi ngại là liệu phe biểu tình có thực sự đủ khả năng tiếp tục theo đuổi cuộc chiến của mình, khi mà họ không thực sự đạt được một sự nhượng bộ nào từ chính quyền Bắc Kinh. Thậm chí, bức hạ màn của cuộc cách mạng rùm beng này còn có phần nghiêng về phía Bắc Kinh, bởi đây sẽ là tuyên bố đanh thép nhất của chính quyền này về lập trường cứng rắn của mình trong chính sách cai trị nội địa. Đồng thời, nếu như từng có giả thiết cho rằng cách mạng dù là sản phẩm của tư tưởng ngoại bang thì lúc này, Trung Quốc cũng đã "gửi một thông điệp rõ ràng để các thế lực thù địch ngoài nước rằng: Đối với các vấn đề nguyên tắc, chính quyền trung ương sẽ không bao giờ nhượng bộ" - trích một bài báo đăng trên tờ China Daily. 
 
Trái với sự hân hoan của truyền thông Trung Quốc, ông trùm truyền thông Hồng Kông Jimmy Lai lại chỉ trích chính quyền Bắc Kinh và từ chức Tổng Biên tập tờ Apple Daily vào thứ Sáu, ngày 12/12. Điều khá ngạc nhiên là truyền thông nước ngoài không thể hiện sự đồng tình với phe biểu tình nhân danh phong trào dân chủ. Tờ Global Times viết "Chúng tôi kịch liệt phản đối ý tưởng cải cách xã hội bằng bạo lực trên đường phố", đồng thời hoan nghênh sự kiện Hồng Kông đã đi vào trạng thái kiểm soát ổn định để "bảo vệ các nguyên tắc của pháp luật". Điều đáng nói ở đây là, lý do khơi dậy cuộc cách mạng dù xuất phát từ yêu cầu tôn trọng nguyên tắc của nền dân chủ - lý do để dập tắt phong trào này cũng lại là để bảo vệ nguyên tắc. Xem ra "Gậy ông lại đập lưng ông"?
 
Thục Anh