“QUAY LƯNG” LẠI VỚI NGƯỜI MỸ
“Tôi đã chỉ thị cho các đại diện của mình ngừng đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử. Ngay sau khi tôi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ thông qua Dự luật kích thích kinh tế cho những người Mỹ chăm chỉ và doanh nghiệp nhỏ” - Tổng thống Trump viết trên Twitter khi mới rời khỏi bệnh việnchữa trị Covid-19.
Tổng thống Trump viện dẫn, các yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Dân chủ Nancy Pelosi đối với chính quyền tiểu bang và địa phương là lý do chính để rút khỏi đàm phán. Bà Pelosi đã yêu cầu nâng trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và các khoản tín dụng thuế được hoàn lại cho những người lao động nghèo, cùng với các điều khoản khác.
Về phía mình, bà Pelosi đã bác bỏ bình luận của ông Trump, và cho rằng ông sẽ thua trong cuộc bầu cử tới và Quốc hội sẽ thông qua biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.
“Tổng thống đang quay lưng lại với người dân”.
Trước quyết định này, không chỉ các nghị sĩ đảng Dân chủ, mà ngay cả đảng Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump, và đề nghị cần gói cứu trợ lớn hơn nữa để giúp hàng triệu người bị mất việc làm trong cuộc khủng hoảng Covid-19, mà trong đó, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins đã gọi quyết định kết thúc cuộc đàm phán của Tổng thống Trump là “một sai lầm lớn”. Còn ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden - đối thủ của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tháng 11, đã viết trên Twitter: “Tổng thống đang quay lưng lại với người dân”.
Sự thay đổi bất ngờ này có thể là một đòn giáng mạnh vào triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Trump. Hành động này nghĩa là ông Trump và các đảng viên Cộng hòa phải tìm cơ hội tái đắc cử mà không viện trợ cho cử tri, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là khoảng 8%. Hơn thế, nhà lãnh đạo Mỹ đang phải thực hiện cách ly trong Nhà Trắng sau khi mắc Covid-19. Một loạt các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông đứng sau đối thủ Joe Biden với khoảng cách khá lớn.
Dòng tweet của Tổng thống Trump cũng đã khiến Phố Wall chấn động, khiến cổ phiếu giảm tới 2%, và làm suy giảm những chỉ số mà ông luôn tự hào, minh chứng thành công của ông Trump đối với nền kinh tế. Chỉ số Dow Jones mất hơn 500 điểm trong vài phút, sau đó kết thúc ngày với mức giảm 375 điểm. Ngành hàng không, vốn mong chờ gói cứu trợ mới, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi chỉ số S&P 500 ngành hàng không giảm khoảng 3,1%, xóa sạch khoản lời khiêm tốn vừa kiếm được đầu ngày.
Nhiều chuyên gia đều cho rằng, gói cứu trợ lần 2 xuất hiện trước cuối năm 2020 rất cần thiết để kinh tế phục hồi bền vững. Chuyên gia phân tích Mark Zandi của Moody’s cho biết: “Những gì các nhà lập pháp làm và không làm trong những ngày tới sẽ đem lại ảnh hưởng to lớn với việc phục hồi, trong khi tâm lý chung lại đang rất dễ tổn thương”. Hơn thế, bệnh tình của Tổng thống Trump cùng những hiềm khích chính trị trong mùa tranh cử sẽ khiến nhiều người không thể chịu nổi. Người dân có thể mất niềm tin vào phục hồi kinh tế, thu hẹp chi tiêu, đầu tư và tuyển dụng.
TÌM VỊ TRÍ TRONG TRẬT TỰ THẾ GIỚI
Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, lập trường kiên quyết là ưu tiên chiến lược và điều tối quan trọng nhằm củng cố linh hoạt chiến lược quân sự của ông ở nước ngoài, và duy trì sự ủng hộ trong nước. Tổng thống Erdogan đã mô tả sự ủng hộ của Ankara đối với Azerbaijan là một phần trong nhiệm vụ trọng tâm của Thổ Nhĩ Kỳ cho “vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới”.
Các nhà phân tích chính trị nhận định, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng gửi lời đe dọa ngầm tới Armenia và một thông điệp thận trọng đối với Nga - quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia, thể hiện sự tự tin của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc chiến bằng máy bay không người lái ở Syria, Libya và Iraq.
Nga, Mỹ và Pháp đã dẫn đầu kêu gọi ngừng bắn ở Nagorno - Karabakh, nhưng Tổng thống Erdogan cho rằng, họ đã bỏ qua cuộc khủng hoảng trong 3 thập kỷ qua và không nên lãnh đạo hoạt động gây dựng hòa bình. Lập trường của ông Erdogan đã làm trầm trọng thêm cuộc khẩu chiến với Pháp - quốc gia có dân số bao gồm nhiều người gốc Armenia.
Tuy nhiên, những thành công về quân sự và sự linh hoạt của lực lượng quân sự ở các khu vực trên thế giới đã giúp đảng AK cầm quyền của ông giữ được lợi thế trong các cuộc thăm dò dư luận trong nước, bất chấp sự sụt giảm tiền tệ khiến nền kinh tế sa sút trầm trọng do đại dịch.
Quan hệ giữa Moskva và Ankara cũng ở giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết. Sự ủng hộ nhiệt tình của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho chiến dịch của Azerbaijan đã đặt quan hệ giữa nước này với Nga vào một phép thử.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân thiết của Azerbaijan, còn Nga có hiệp ước quốc phòng hỗ trợ Armenia và có căn cứ quân sự tại nước này. Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận của Tổng thống Erdogan có thể giúp ông có tiếng nói quan trọng tại khu vực. Việc Ankara phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan, vốn đã tăng 23% trong nửa đầu năm 2020, cũng là một động lực để có vị thế vững chắc ở Nagorno - Karabakh.
“Tổng thống Erdogan đang thử thách sự kiên nhẫn của Tổng thống Putin".
Nhưng nếu hành động quá mức, Ankara dễ đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ Nga - quốc gia sở hữu tiềm năng quân sự vững mạnh, có thể tấn công các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều mặt. Alexander Dynkin, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Học viện khoa học Nga đánh giá: “Tổng thống Erdogan đang thử thách sự kiên nhẫn của Tổng thống Putin. Ông ấy khiến Putin ngày càng khó chịu hơn”.
Đại dịch cũng như suy thoái kinh tế dường như không phải là trở ngại cho chi tiêu quốc phòng của Ankara. Một quan chức cho biết: “Nó không thích hợp nhưng chúng tôi bắt buộc phải thực hiện. Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh với Mỹ và Nga trong lĩnh vực này. Do đó không thể suy nghĩ hay hành động nhỏ”. Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tiêu quốc phòng tăng 16% trong năm nay, lên 7 tỷ USD, tương đương 5% tổng ngân sách, và ngân sách quốc phòng đã tăng gần 90% trong một thập kỷ. Các chiến dịch xuyên biên giới do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở miền bắc Syria, Iraq và Libya là ưu tiên của Tổng thống Erdogan.
Việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện trong khu vực đã để lại những khoảng trống mà Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang tìm cách lấp đầy. Tuy nhiên, việc hợp tác chặt chẽ với Moskva trong nhiều lĩnh vực cũng đồng nghĩa với những lo ngại về việc có thể rơi vào cuộc xung đột với Nga.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng, bất chấp những dấu hiệu phương Tây tưởng rằng Ankara đang từ bỏ Mỹ và các đồng minh NATO để hợp tác với Moskva. Theo một quan chức cấp cao tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ không hề từ bỏ NATO để xích lại gần Nga, mà là một nhân tố “đơn phương độc mã” đương đầu với sức ép của Nga trong khu vực.