Phục hồi đáng kinh ngạc
Nếu như 6 tháng trước, Ấn Độ rơi vào khủng hoảng Covid-19 trầm trọng, thì nay các ca mắc mới hàng ngày đã giảm mạnh, từ mức cao nhất là hơn 90.000 ca nhiễm vào tháng 9/2020, nay chỉ còn hơn 10.000 ca một ngày. Đặc biệt, vào ngày 9/2 vừa qua, sau gần 9 tháng, lần đầu tiên thủ đô New Delhi thông báo không có ca tử vong do Covid-19. Điều bất ngờ là các kết quả này có được mà không cần đến những biện pháp quyết liệt như phong tỏa, vốn được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Vậy khả năng phục hồi của Ấn Độxuất phát từ đâu? Các nhà phân tích cho rằng, không phải do tiêm chủng. Ấn Độ đã bắt đầu chương trình tiêm chủng với mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người đến tháng 8/2021, song vẫn còn chậm so với các quốc gia giàu có.
Theo trang tổng hợp dữ liệu Our World In Data của Đại học Oxford, cho đến nay, tỷ lệ tiêm phòng ở quốc gia này chỉ đạt 1/100, tức 1 liều vaccine trên 100 người. Tỷ lệ này quá thấp so với 27/100 người ở Vương quốc Anh, và 19/100 người ở Mỹ. Do đó, các chuyên gia dự đoán rằng, yếu tố đứng đằng sau sự giảm sâu các ca mắc mới ở Ấn Độ có thể như tỷ lệ dân số trẻ cao, hoặc khả năng gia tăng miễn dịch ở các khu vực thành thị.
Nhân khẩu học, địa lý và điều kiện sống có thể là một yếu tố góp phần làm giảm ca mắc mới. Theo Shahid Jameel, nhà virus học và Giám đốc Trường Sinh học Trivedi, Đại học Ashoka, dân số trẻ hơn có nghĩa là phần lớn các ca nhiễm không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, không được xét nghiệm và không xuất hiện trong báo cáo, và tỷ lệ tử vong thấp hơn. Còn Raman Gangakhedkar, cựu khoa học gia về dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm tại ICMR cho rằng, địa lý cũng đóng một vai trò quan trọng.
“Điều quan trọng là khoảng 70% người Ấn Độ sống ở các vùng nông thôn, nơi có hệ thống thông gió tốt hơn. Người sống ở khu vực nông thôn không sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt hoặc xe lửa, mạng lưới nhỏ hơn. Do đó, có ít rủi ro hơn so với dân cư ở thành thị”.
Các chuyên gia còn nhận định, nguyên nhân khiến sự suy giảm số lượng ca mắc ở Ấn Độ có thể là sự gia tăng số lượng người phát triển kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, bởi “đã có rất nhiều người bị phơi nhiễm với virus và vì thế họ phát triển khả năng miễn dịch”. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về Covid-19 và khả năng miễn dịch của con người đối với dịch bệnh này. Một nghiên cứu của Mỹ công bố trên tạp chí Science hồi tháng 2/2021 cho thấy, sau khi nhiễm virus và phát triển kháng thể, “bệnh nhân có thể được bảo vệ khỏi sự tái nhiễm trong ít nhất 8 tháng”.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Ấn Độ đã báo cáo hơn 11 triệu ca mắc và 156.000 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các cuộc khảo sát huyết thanh học trên toàn quốc cho thấy, số người xuất hiện kháng thể với virus gia tăng mạnh mẽ ở nhiều khu vực của Ấn Độ.
Khảo sát mới nhất do ICMR thực hiện cho thấy, tỷ lệ xuất hiện kháng thể với virus chiếm gần 22% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, cao gấp 3 lần so với tháng 8-9/2020 với tỷ lệ 6-7%. Đây là sự gia tăng lớn, và các thành phố lớn tại Ấn Độ có thể chứng kiến sự sụt giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ấn Độ sắp đạt khả năng miễn dịch cộng đồng. Khả năng miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi số người mắc bệnh đạt đến ngưỡng cần thiết và trở nên miễn dịch với virus, hoặc được tiêm phòng trước đó. Cho đến nay, 11 triệu trường hợp nhiễm bệnh tại Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng dân số hơn 1,4 tỷ người của nước này.
Sự sụt giảm số ca nhiễm Covid-19 là tín hiệu đáng mừng, nhưng các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ không nên quá hài lòng và cần thận trọng hơn. Các chuyên gia cũng lo ngại số lượng trường hợp được báo cáo thấp có thể gây ra cảm giác “an toàn giả” trước khi cuộc khủng hoảng kết thúc hoàn toàn. Do đó, còn quá sớm để nới lỏng các hạn chế và biện pháp bảo vệ, đặc biệt là trước mối đe dọa từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện tại nhiều quốc gia.
EU chia rẽ sâu sắc
Quyết định trừng phạt Nga của EU được đưa ra nhanh chóng sau chuyến đi căng thẳng tại Moskva của nhà ngoại giao EU Josep Borrell hồi đầu tháng này. Kết cục của lệnh trừng phạt lần này là: cấm đi lại trong phạm vi châu Âu và đóng băng tài sản của một số quan chức (4 người) có liên quan tới Tổng thống Putin và việc bắt giữ, xét xử, bỏ tù Alexei Navalny. Quyết định này cần được Ủy ban châu Âu phê duyệt vào đầu tháng 3, và chắc chắn sẽ được thông qua.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho rằng, Nga đang “hướng tới một nhà nước độc tài và rời xa châu Âu”. Do đó, EU cần gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Nga. Các ngoại trưởng EU đã nhất trí hành động trước những phản ứng của Nga không quan tâm đến hợp tác với EU. Thay vào đó, Nga “có vẻ quan tâm đến đối đầu”. Đây sẽ là lần đầu tiên EU sử dụng một cơ chế mới để tạo điều kiện cho các biện pháp trừng phạt chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền. Cơ chế này cho phép 27 quốc gia thành viên trừng phạt những người được coi là chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền, thông qua việc đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Động thái của EU diễn ra sau chuyến thăm tới Moskva của Borrell vào hồi đầu tháng này, đã vấp phải nhiều chỉ trích và được đánh giá là thất bại. Theo đó nhà ngoại giao EU đã không đạt được bước tiến nào trong vấn đề Navalny, thậm chí Nga đã trục xuất các nhà ngoại giao của 3 nước EU gồm Đức, Ba Lan và Thụy Điển vì tham gia cuộc biểu tình trái phép phản đối chính quyền bắt giữ, xét xử, phạt tù Alexei Navalny.
Tờ Euronews nhận định, có thể EU muốn cứu vãn thể diện, sau chuyến đi thảm bại của ông Josep Borrell. Mặc dù có nhiều lời kêu gọi mạnh mẽ, đặc biệt là từ Nghị viện châu Âu về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhiều đối với Nga, song nội bộ EU đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Berlin sẽ xem xét lại vềcác biện pháp trừng phạtchống lại Nga, bởi Đức “phải tìm cách duy trì đối thoại với Moskva, cần Nga để giải quyết nhiều xung đột quốc tế”. Tương tự, Pháp và một số nước có vai trò lớn kêu gọi tiếp cận có mục tiêu hơn, mang tính chính trị, bỏ qua các biện pháp kinh tế. Trong khi đó, Ba Lan và một số nước Baltic lại muốn “một trận chơi lớn” bao gồm trừng phạt kinh tế, dừng xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2.
Các lệnh trừng phạt hơn chục năm qua của EU nhằm tô vẽ hình ảnh Nga là quốc gia mất dân chủ, vi phạm nhân quyền, là mối đe dọa của phương Tây, từ đó gây áp lực, cô lập và làm suy yếu Nga. Tuy nhiên, đặt yêu sách, gây áp lực đòi thả Alexei Navalny là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Dường như EU đang xâm phạm vào “lằn ranh đỏ”. Nga bác bỏ mọi cáo buộc và phản ứng cứng rắn bởi không thể nhượng bộ.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra lời cảnh báo: Nga sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU, nếu tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt vào các lĩnh vực gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm. Nga không muốn cô lập mình với thế giới, nhưng Nga cần chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Có câu “bạn muốn có hòa bình, bạn phải chuẩn bị cho chiến tranh”.