(Baonghean) - Theo báo cáo mới nhất do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, các quốc gia trên khắp thế giới đang “mạnh tay” tiêu tiền nhiều hơn bao giờ hết để mua sắm, trang bị các loại vũ khí. Có vẻ như ở nhiều nơi, mặt trận ngoại giao sắp sửa phải lùi lại, nhường “đất” cho các cuộc chạy đua vũ trang…

images1884524_bna_58fe119a0126e.jpgCó vẻ như ở nhiều nơi, mặt trận ngoại giao sắp sửa phải lùi lại, nhường “đất” cho các cuộc chạy đua vũ trang…

Vai trò quân sự ngày càng tăng

Lần đầu tiên kể từ năm 2011, chi tiêu cho quốc phòng trên toàn cầu đã có xu hướng tăng. Theo Báo cáo chi tiêu quân sự thế giới được SIPRI công khai mới đây, chỉ tính riêng trong năm 2016, các quốc gia đã chi tổng cộng khoảng 1,68 nghìn tỷ USD để mua sắm các loại vũ khí quân dụng, tăng 0,4% so với năm 2015.

Các cường quốc quân sự hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc và Nga dĩ nhiên “vung tay” chi nhiều hơn so với các quốc gia khác. Cá biệt một số trường hợp có truyền thống dành phần ngân sách “khủng” cho quốc phòng chẳng hạn như Saudi Arabia, song lại có chiều hướng giảm trong năm 2016. Dù vậy, điều này lại không xuất phát từ góc độ chính trị, mà thay vào đó lại liên quan tới các vấn đề về kinh tế, bắt nguồn từ việc giá dầu lửa sụt giảm thời gian qua.

Bài bình luận đăng trên tờ DW của Đức dẫn lời nhà khoa học chính trị Marius Bales thuộc Trung tâm biến đổi quốc tế Bonn (BICC) nhận định những con số theo chiều hướng đi lên khẳng định xu thế hiện nay ở nhiều quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Ông cho biết: “Ngày nay, khác với một thập niên trước, các chủ thể không dựa vào thuật ngoại giao và các thể chế quốc tế nữa. Thay vào đó, mỗi một quốc gia đều đang đầu tư vào vũ khí, khí tài để tự bảo vệ mình”.

Cũng theo chuyên gia Bales, các sự kiện như Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, căng thẳng trên Biển Đông, các cuộc chiến ở Trung Đông… tất cả như đang “nuôi lớn” nỗi lo sợ rằng các cuộc xung đột có vũ trang sẽ tiếp tục lan rộng. Trong khi đó, không thể phủ nhận rằng, hiện nay không ít người đang hết sức thiếu hụt lòng tin đối với hoạt động của các tổ chức và thể chế quốc tế. Thực tế trên đã khiến các quốc gia buộc phải tìm cách tự bảo vệ mình, dẫn tới tầm quan trọng của quân đội quốc gia ngày càng được đề cao và tất yếu là khoản chi cho quốc phòng cũng được đẩy lên theo. 

Quy luật này cũng áp dụng với cả những nước hiện đã có phần ngân sách quốc phòng khổng lồ. Chẳng hạn, Mỹ đã tăng chi 1,7% trong năm 2016, nâng tổng chi tiêu hàng năm cho quốc phòng lên 611 tỷ USD, trong khi Nga tăng thêm 5,9% lên 69,2 tỷ USD và Trung Quốc tăng 5,4% lên 215 tỷ USD.

Xe tăng Leopard 2 A6 của Đức. Ảnh: dpa

Vũ trang đổi lấy ổn định?

Cho đến nay, Trung Đông vẫn là một trong những khu vực khủng hoảng chính của thế giới đương đại. Cuộc chiến dai dẳng suốt 6 năm qua tại Syria chỉ khiến tình hình thêm phần xấu đi, và là động lực thôi thúc các quốc gia dính líu đến cuộc xung đột này dốc thêm hầu bao. Đơn cử, như nhà kinh tế Nan Tian, một trong những tác giả soạn thảo bản báo cáo của SIPRI cho biết: “Thông tin mà chúng tôi có được cho thấy năm 2016, Nga đã bỏ ra khoảng 464 triệu USD cho cam kết của nước này tại Syria”.

Nhắc lại trường hợp hiếm hoi đã đề cập ở trên, Saudi Arabia có vẻ “nằm ngoài cuộc chơi” khi vận động theo chiều ngược lại và giảm các khoản tiền chi cho hoạt động quân sự của mình hồi năm ngoái. Theo giới phân tích, quả thực sau khi tăng chi tiêu quân sự từ 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên hơn 13% vào năm 2015, chi tiêu cho lĩnh vực này của Vương quốc Arập đã giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 10% trong năm 2016, nhưng rõ ràng đây cũng không phải con số xuất phát từ động cơ chính trị. Chính việc giá dầu liên tiếp sụt giảm mạnh đã khiến gia đình hoàng gia không thể duy trì thêm nữa ngưỡng đầu tư quân sự vốn đã thành lệ của họ.

rên thực tế, dù muốn hay không, Saudi Arabia cũng không có cách nào hơn là cắt giảm ngân sách cho các nội dung không quá cần thiết, bởi nguồn thu của quốc gia này có tới 80% là từ hoạt động khai thác, kinh doanh dầu lửa.

Vậy nhưng, khó khăn cũng không mảy may giúp xuống thang xung đột giữa Saudi Arabia và kẻ thù khu vực là Cộng hòa Hồi giáo Iran. Chẳng bên nào nhìn thấy tương lai hứa hẹn thông qua đàm phán, mà thay vào đó lại chọn cách đặt trọn niềm tin cho các giải pháp quân sự. Hơn thế, căng thẳng liên miên trong khu vực cũng thôi thúc các quốc gia khác thi nhau “rót” ngân sách vào quốc phòng. Có lẽ chỉ trừ Oman, còn lại mọi quốc gia tại Trung Đông đều dính dáng đến hình thức xung đột bạo lực nào đó. Và như vậy, giá dầu giảm quả thực đã dẫn tới sự sụt giảm trong con số tổng chi cho quân sự tính bằng đồng USD, nhưng mâu thuẫn trong khu vực vẫn không ngừng châm ngòi cho khắp nơi xây dựng quân đội hùng mạnh. 

Tương quan so sánh 15 nước chi tiêu quốc phòng nhiều nhất năm 2016. Ảnh: SIPRI

Trong khi đó, tại châu Âu tình hình cũng không khác là bao. Các nhà nghiên cứu SIPRI đã chỉ ra rằng các nước châu Âu đã tăng chi tiêu quốc phòng thêm 2,6% trong năm 2016, trong đó “góp cổ phần” lớn phải kể đến các quốc gia Trung Âu.

Siemon Wezeman - một tác giả của nghiên cứu phân tích: “Các nước Trung Âu xem Nga là mối đe dọa ngày càng tăng. Dù thực tế là Nga chỉ chi 27% con số mà các quốc gia thành viên NATO bỏ ra trong năm 2016 thì gần như cũng không làm thay đổi thái độ này”.

Xét cho cùng, gần như chẳng có chút bằng chứng nào cho thấy tăng chi tiêu quốc phòng sẽ thực sự dẫn tới sự ổn định lâu dài hơn. Trái lại, khi ngoại giao mất dần “đất diễn”, và giả dụ Nga cũng cảm thấy bị đe dọa trước những con số liên tục tăng của châu Âu trong lĩnh vực chi tiêu quốc phòng, thì “chẳng chóng thì chầy”, một lúc nào đó lục địa già sẽ giật mình nhận thấy rằng họ đã bị vướng vào một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy khốc liệt giữa 2 miền Đông - Tây!

Phú Bình (Theo DW)

TIN LIÊN QUAN