(Baonghean.vn) - Triều Tiên tiếp tục thành "chảo lửa"; Hội nghị thượng đỉnh BRICS thành công tốt đẹp;  Nga tăng cường chiến dịch tiêu diệt phiến quân IS; Động đất ở Mexico, ít nhất 61 người chết;... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

1. Triều Tiên tiếp tục thành "chảo lửa"

resize_images1998954_1.jpgMỹ có thể sẽ ưu tiên phương án quân sự trong vấn đề Triều Tiên thời gian tới. Ảnh: Sohu.

Chiều 3/9, Triều Tiên xác nhận đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Trên sóng truyền  hình Quốc gia, Bình Nhưỡng tuyên bố: "Hoạt động thử bom H lần này - loại bom được chế tạo để gắn vào tên lửa liên lục địa của chúng ta đã thành công rực rỡ. Đây là bước tiến đầy ý nghĩa trong quá trình hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia". Truyền hình Triều Tiên cũng phát ra những  hình ảnh nha lãnh đạo Kim Jong-un bên cạnh quả bom, được cho là bom H.

Các quốc gia Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc lập tức họp khẩn cấp sau động thái mới nhất của Triều Tiên: Ngày 3/9 hải quân Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật để thị uy Triều Tiên; Tổng thống Trump tuyên bố cho phép Nhật, Hàn Quốc mua thêm nhiiều thiết bị quân sự tinh vi của Mỹ; Nhật và Mỹ thảo luận về các nỗ lực nhằm gây áp lực tối đa lên Triều Tiên.

Washington soạn thảo nghị quyết trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc: Cám cung cấp dầu lửa cho Triều Tiên; Cấm mua các sản phẩm dệt may của Triều Tiên ở nước ngoài; Cấm tuyển dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài; Phong tỏa tài sản của ông Kim Jong-un và cấm đi lại ở nước ngoài.

Triều Tiên khẳng định việc thử bom nhiệt  hạch là một biện pháp tự vệ. Mỹ sẽ nhận thêm nhiều món quà từ đất nước chúng tôi chừng nào họ còn dựa vào những hành động khiêu khích khinh suất và những nỗ lực vô ích nhằm gây áp lực lên CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cảnh báo: "Đẩy mạnh kích động quân sự trong tình huống như vậy là vô ích. Việc đó có thể dẫn tới một thảm họa toàn cầu và thiệt hại lớn về sinh mạng... Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngoại trừ đối thoại hòa bình".

2. Hội nghị thượng đỉnh BRICS thành công tốt đẹp

Lãnh đạo các nước tại Hội nghị BRICS tổ chức ở Trung Quốc ngày 4/9. Ảnh: AP

Chiều 5/9, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã chính thức bế mạc tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.

Phát biểu trong ngày làm việc cuối cùng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến nỗ lực đoàn kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và tái cân bằng toàn cầu hóa để tăng tính bền vững.

Ông Tập Cận Bình khẳng định các lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có quản trị toàn cầu và hợp tác giữa các nước trong BRICS.

Ông nhấn mạnh, các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ để xây dựng 1 nền kinh tế thế giới mở và không bỏ qua những nguy cơ đang gia tăng, cũng như giảm áp lực đối với nền kinh tế thế giới.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết, nước này sẽ cung cấp 500 triệu USD hỗ trợ hợp tác Nam - Nam, và số tiền này sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với những thách thức như nạn đói, di cư, biến đổi khí hậu, y tế cộng đồng.

Cũng tại diễn đàn này, các nhà lãnh đạo BRICS đã lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên.

3. Nga tăng cường chiến dịch tiêu diệt phiến quân IS
 
 
Máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35 trên chiến trường Syria - ảnh minh họa Masdar News

Bộ Quốc phòng Nga hôm 5/9 cho biết tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Essen đã phóng nhiều tên lửa hành trình Kalibr vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gần thành phố Deir ez-Zor, miền trung Syria. Đợt tấn công đã phá hủy nhiều sở chỉ huy, trung tâm liên lạc, kho vũ khí, xưởng sửa chữa xe thiết giáp và hàng chục phiến quân.

Đợt tấn công bằng tên lửa này của quân đội Nga đã giúp quân đội chính phủ Syria xuyên thủng phòng tuyến của IS quanh Deir ez-Zor, phá vỡ vòng vây kéo dài 3 năm tại thành phố này.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định chiến dịch phá vây tại Deir ez-Zor của quân đội chính phủ Syria đã tiêu diệt phần lớn đơn vị tinh nhuệ nhất của phiến quân IS tại Syria.

Tàu chiến và chiến đấu cơ của Nga cũng đang hỗ trợ quân đội Syria trong chiến dịch tiến công quy mô lớn vào sào huyệt Raqqa của IS.

Ngày 6/9, tướng Sergei Surovikin, tư lệnh trưởng lực lượng không quân Nga ở Syria cho biết. các máy bay chiến đấu Nga tiêu diệt hơn 1.000 tay súng khủng bố IS trong chiến dịch giải phóng vòng vây Uqayribat trên vùng nông thôn tỉnh Hama.

Thượng tướng Sergei Surovikin trong cuộc họp báo cho biết: "Yểm trợ cho cuộc tấn công của quân đội Syria, không quân Nga tiến hành 329 cuộc không kích, phá hủy 27 xe thiết giáp, 48 xe bán tải trang bị vũ khí phòng không hạng nặng và hơn 1.000 quân phiến loạn ở khu vực Akerbat".

4. Thêm một bước lùi trong quan hệ Nga - Mỹ

Đại sứ quán Mỹ tại Nga. Ảnh: AFP

Ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa có thể cắt thêm 155 nhân viên trong các cơ quan đại diện của Mỹ tại Nga.

Cảnh báo này được xem như động thái trả đũa của Nga sau khi Mỹ yêu cầu đóng 3 cơ sở ngoại giao của Nga tại Mỹ, bao gồm tòa nhà lãnh sự quán tại San Francisco và 2 cơ sở ngoại giao khác tại New York và Washington. Như vậy, những căng thẳng mới diễn ra giữa Nga và Mỹ được coi là một bước lùi trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, Nga có quyền quyết định về số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ được ở lại Nga. Tuy vậy, Nga sẽ chưa làm điều đó vào ngay lúc này.

Trước đó, Nga từng yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga từ hơn 1.000 xuống còn 455 người trước ngày 1/9, ngang bằng với số nhân viên trong các cơ quan đại diện Nga được phép ở lại Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga có thể tiếp tục cắt giảm 155 nhân viên ngoại giao của Mỹ xuống còn 300 người bởi vì theo Tổng thống Putin, phía Mỹ đã sai lầm khi tính cả 155 nhà ngoại giao Nga làm việc tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York.

5. Động đất ở Mexico, ít nhất 65 người chết
 
Một phần thị trấn Juchitán, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất. Ảnh: EPA

Ngày 8/9, một trận động đất mạnh 8,2 độ richter xảy ra ngoài khơi khu vực phía Nam Mexico. Nhà lãnh đạo Mexico cho rằng,  đây là trận động đất mạnh nhất ghi nhận được ở nước này trong ít nhất 100 năm qua, thậm chí còn mạnh hơn trận động đất hủy diệt năm 1985, làm trên 10.000 người thiệt mạng ở Mexico City. 

Theo các con số mới nhất, trận động đất đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 65 người và làm trên 330 người bị thương. Động đất còn gây ảnh hưởng tới ít nhất 50 triệu người tại 12 bang ở Mexico, đặc biệt là tại 2 bang miền Nam Oaxaca và Chiapas. 

Cơ quan địa chấn quốc gia Mexico thông báo, tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận trên 260 dư chấn, trong đó cao nhất là 6,1 độ Richter và nhiều khả năng sẽ có dư chấn lên đến 7 độ Richter. 

Hiện, lực lượng cảnh sát, binh sỹ và cứu hộ đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm và giải cứu những người còn may mắn sống sót trong đống đổ nát.  Nhà chức trách Mexico vẫn đang tiếp tục thống kê các thiệt hại về vật chất sau khi xảy ra trận động đất ở Chiapas và Oaxaca, nơi có thị trấn Juchitan chứng kiến rất nhiều ngôi nhà sụp đổ, trong đó có cả tòa nhà thị chính. 

6. Bão Irma nhấn chìm nhiều khu vực ở Caribe

Bão Irma ảnh hưởng Puerto Rico. Ảnh: Fortune.

Sau khi gây thiệt hại nặng nề tại một số quốc gia vùng biển Caribe, bão Irma - cơn bão được cho là mạnh nhất trong gần 100 năm qua ở Đại Tây Dương – đang chuẩn bị tiếp tục tràn vào những khu vực khác như Cuba, Mỹ, Haiti. Dự báo, nhiều khu vực trũng thấp có thể bị nhấn chìm trước sự tàn phá của trận bão này.

Bão Irma hiện đã ảnh hưởng cuộc sống của 1,2 triệu người. Con số này sẽ còn tăng lên thành 26 triệu người sau khi cơn bão này tiếp tục càn quét các vùng đất khác. 

Bão Irma đang di chuyển hướng về quần đảo Turks và Caicos, Cuba và cả Mỹ trong những ngày tới. Bão đã tràn vào Haiti ngay trong sáng 8/9,, cơn bão sẽ tràn tới đảo Turks và Caicos, trước khi tràn vào Cuba và Mỹ. Haiti, quốc gia nghèo khó nhất khu vực Caribe được cho là sẽ bị tổn thương nặng nề sau khi bão đổ bộ trong bối cảnh nước này vẫn đang khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng hồi năm 2010.

7. Trứng bẩn nhiễm thuốc trừ sâu đã lan rộng ra 45 nước châu Âu
 
Trứng bẩn bị loại trước khi đến tay người tiêu dùng EU. Ảhh: AFP
 
Tính đến ngày 5/9, trứng nhiễm Fipronil bắt nguồn từ Hà Lan đã được phát hiện tại 45 quốc gia, bao gồm 26 trong số 28 nước thành viên của EU.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang có cuộc gặp tại thủ đô Tallinn của Estonia để bàn về vấn đề trứng nhiễm bẩn vốn gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Bộ trưởng các vấn đề nông thôn của Estonia, Tarmo Tamm nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU sau vụ bê bối trứng "bẩn" nhiễm chất Fipronil.

Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis cho biết,  tác động của việc sử dụng bất hợp pháp chất Fipronil đã lên tới quy mô toàn châu Âu, với hàng trăm trang trại bị đóng cửa.

Trong số 45 nước phát hiện trứng "bẩn", có 26 nước thuộc Liên minh châu Âu và 19 nước ngoài khối này. Con số này gia tăng so với 35 nước bị phát hiện trứng bẩn được ghi nhận hồi tuần trước.

 
 
 
 

 Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN