Nhiều loại vũ khí vác vai nhỏ gọn có thể giúp lính bộ binh tiêu diệt một chiếc xe tăng hiện đại trang bị nhiều hệ thống phòng vệ.

RPG-7 luôn được đánh giá là vũ khí nguy hiểm trên chiến trường.

Sự phát triển của công nghệ tăng thiết giáp khiến nhiều chuyên gia nhận định vũ khí chống tăng vác vai không còn hữu ích trên chiến trường hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại khí tài diệt tăng vác vai có uy lực mạnh, đủ sức đe dọa mọi lớp phòng vệ của lực lượng thiết giáp ngày nay, theo Sputnik.

RPG-7

Súng chống tăng RPG-7 được quân đội Liên Xô đưa vào biên chế năm 1961, là một trong những loại vũ khí nổi bật, dễ nhận diện nhất trên thế giới. Độ tin cậy của nó được xếp hàng đầu trong các loại vũ khí diệt tăng vác vai trong hàng chục năm qua.

"Trong 56 năm qua, có hơn 9 triệu khẩu RPG-7 đã được chế tạo và trong biên chế của khoảng 100 quốc gia. Thiết kế đơn giản, đáng tin cậy và giá rẻ là những ưu thế vượt trội, giúp RPG-7 trở nên phổ biến. Nó không có bộ phận thừa nào, RPG-7 đơn giản là ống phóng đạn với thước ngắm cơ khí hoặc kính quang học, cùng cơ cấu khai hỏa", chuyên gia quân sự Andrei Kotz nhận định.

Ống phóng RPG-7 làm bằng thép, có đường kính 40 mm, dài 953 mm và nặng 7 kg. Phần giữa ống được bọc gỗ để cách nhiệt, tránh gây bỏng cho xạ thủ. RPG-7 có tầm bắn tối đa 500 m, nhưng đạt hiệu quả cao nhất trong tầm 200 m. Khi xạ thủ siết cò, liều phóng khởi tốc đẩy đầu đạn rời nòng với tốc độ 115 m/s. Khi đạt khoảng cách 10 m, động cơ chính được khởi động để quả đạn tăng tốc lên 295 m/s.

Lính Nga tập bắn súng chống tăng RPG-7V

Bên cạnh sự đơn giản, RPG-7 còn được trang bị nhiều loại đạn với đường kính từ 40 đến 105 mm, phù hợp cho hàng loạt nhiệm vụ khác nhau. Loại súng chống tăng này có thể bắn đạn nổ lõm xuyên giáp (HEAT), nổ mảnh (HEF) và nhiệt áp để diệt bộ binh cùng khí tài có giáp mỏng. Đầu đạn PG-7VR còn được trang bị hai liều nổ HEAT, nhằm tấn công các xe tăng trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) hoặc giáp lồng.

Phiên bản mới nhất hiện nay là RPG-7V2, được lục quân Nga đưa vào biên chế năm 2001. Nó sở hữu bộ thiết bị ngắm UP-7V, cho phép sử dụng nhiều loại đạn mới có tầm bắn lớn hơn. Nga còn phát triển biến thể RPG-7D3 dành cho lực lượng đổ bộ đường không, với khả năng tháo rời thành hai phần để dễ mang vác khi hành quân.

"Hơn một nửa thiệt hại của Mỹ tại Iraq là do RPG-7 gây ra. Vỏ giáp mỏng của xe Humvee không thể chịu được sức xuyên phá của các loại đạn RPG-7 cũ kỹ, trong khi những phiên bản mới hơn có thể vô hiệu hóa thiết giáp M2 Bradley và xe tăng M1 Abrams", ông Kotz cho biết.

FGM-172 SRAW

FGM-172 SRAW của Mỹ được đánh giá là vũ khí diệt tăng vác vai có độ chính xác cao nhất thế giới. SRAW được thủy quân lục chiến Mỹ biên chế từ năm 2002 và sử dụng lần đầu trong cuộc chiến tại Iraq, với vai trò là phiên bản nhẹ và rẻ hơn mẫu FGM-148 Javelin. Ưu điểm chính của GFM-172 là khả năng "bắn và quên".

SRAW được cho là có độ chính xác cao nhất thế giới. Ảnh: Lockheed Martin.

Xạ thủ có thể bám bắt mục tiêu trong vòng ba giây và khai hỏa, sau đó hệ thống tự động trên quả đạn SRAW sẽ nắm quyền điều khiển. Máy tính tích hợp có thể tự tính toán những yếu tố môi trường như hướng gió và độ ẩm, trước khi dẫn quả đạn tấn công nóc xe tăng, vị trí yếu và dễ bị xuyên thủng nhất. Tính năng này cho phép xạ thủ rời đi ngay sau khi bắn, hạn chế nguy cơ bị phát hiện và đánh trả, trong khi vẫn bảo đảm độ chính xác và hiệu quả diệt mục tiêu.

Đầu đạn cho FGM-172 SRAW gồm hai phiên bản. Đạn chống tăng có khả năng xuyên qua lớp giáp dày tương đương 600 mm giáp thép cán đồng nhất (RHA) từ khoảng cách 16-500 m. Còn đạn nổ mảnh đa dụng (MPHEF) có thể phá hủy các công trình kiên cố như lô cốt, xe thiết giáp hạng nhẹ, khí tài không có vỏ giáp và bộ binh.

Carl Gustaf

Được đưa vào biên chế từ năm 1948, loại vũ khí chống tăng này của Thụy Điển vẫn được hơn 30 quốc gia sử dụng, bao gồm cả Mỹ. Đây là thiết kế súng chống tăng cổ điển với nòng xoắn cỡ 84 mm, hai tay cầm, một đệm vai và thiết bị ngắm. Mỗi kíp vận hành gồm hai người, xạ thủ và người nạp đạn.

Carl Gustaf được trang bị hàng loạt loại đạn khác nhau, từ HEAT, HEF cho đến đạn khói và pháo sáng. Một ưu điểm khác của nó là vận hành đơn giản, không đòi hỏi quá trình đào tạo phức tạp. Tuy nhiên, Carl Gustaf lại quá nặng, hai biến thể đầu tiên có khối lượng lần lượt là 14 và 16,5 kg. Phải đến phiên bản thứ 4 ra mắt năm 2014, khối lượng của một khẩu Carl Gustaf mới giảm xuống dưới 7 kg, nhờ sử dụng vật liệu titan và sợi carbon.

 Lính Mỹ tập bắn súng chống tăng Carl Gustaf.

Ngoài ra, đạn HEAT của Carl Gustaf chỉ có thể xuyên qua 500 mm RHA, khiến nó không tỏ ra hiệu quả trước những mẫu xe tăng hiện đại. Nhưng loại súng chống tăng này vẫn được sử dụng rộng rãi tại Afghanistan và Iraq, chứng tỏ được uy lực vượt trội trước những chiếc xe bán tải và công trình kiên cố của phiến quân.

RPG-30

Phiên bản RPG-29 "Vampir" có thể xuyên tới 750 mm RHA, nhưng nó lại không thể đánh bại hệ thống phòng thủ chủ động (APS) như Trophy của Israel và Drozd/Arena của Liên Xô. Do đó, Liên Xô quyết định phát triển dòng RPG-30 "Kryuk" vào cuối thập niên 1980, chuyên để diệt xe tăng trang bị hệ thống phòng thủ chủ động.

RPG-30 được quân đội Nga biên chế từ năm 2012, nổi bật với thiết kế hai nòng. Nòng lớn chứa đầu đạn HEAT liều kép PG-30 cỡ 105 mm, có khả năng xuyên 650 mm RHA hoặc tường bê tông cốt thép dày 1.500 mm. Nòng nhỏ chứa một "đầu đạn mồi", khi xạ thủ khai hỏa, nó sẽ được phóng trước quả PG-30 vài phần trăm giây.

RPG-30 với hai ống phóng song song. Ảnh: Wikipedia.

Trong quá trình tiếp cận mục tiêu, đầu đạn mồi sẽ khiến hệ thống phòng thủ chủ động trên xe tăng kích hoạt và tung đòn đánh chặn. Mỗi hệ thống APS sẽ có độ trễ nhỏ giữa hai lần đánh chặn, tạo cơ hội cho đầu đạn chính PG-30 đánh trúng giáp xe tăng. Mảnh vỡ từ đầu đạn mồi bị đánh chặn sẽ gây khó khăn cho radar, khiến APS không thể nhận diện chính xác mối đe dọa thực sự.

Sự xuất hiện của RPG-30 khiến Lầu Năm Góc xếp nó vào nhóm "các mối đe dọa phi đối xứng với quân đội Mỹ". Israel cũng phải gấp rút phát triển một hệ thống APS mới, nhằm đối phó với cơ cấu tấn công của loại vũ khí này.

MBT LAW

Vũ khí hạng nhẹ chống xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT LAW) của Anh sở hữu cỡ đạn lớn nhất trong các loại khí tài diệt tăng vác vai. Mỗi khẩu MBT LAW được trang bị một đầu đạn cỡ 150 mm, có khả năng xuyên lớp giáp tương đương 650 mm RHA. Tuy nhiên, ống phóng MBT LAW chỉ sử dụng được một lần và không thể nạp đạn lại.

MBT LAW có cỡ nòng lên tới 150 mm. Ảnh: Wikipedia.

Quá trình dẫn bắn áp dụng phương thức dự đoán trong tầm nhìn thẳng (PLOS). Với mục tiêu di động, xạ thủ sẽ bám bắt mục tiêu trong vòng ba giây, giúp hệ thống dẫn đường tính toán tốc độ di chuyển của đối phương. Sau khi phóng, quả đạn sẽ tự động bay tới mục tiêu nhờ dữ liệu từ quá trình bám bắt.

MBT LAW có tầm bắn hiệu quả từ 20-600 m, với tốc độ bay tối đa 200 m/s, sở hữu khả năng tấn công đột nóc hoặc trực diện. Loại vũ khí này được sử dụng giới hạn trong một số cuộc xung đột tại Trung Đông.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN