P.V: Sau khi Liên Xô tan rã, các thế lực chống cộng quốc tế cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã không còn giá trị, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là bế tắc và sẽ thất bại. Ý kiến của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ đã tạo nên thay đổi căn bản về địa chính trị trên phạm vi toàn cầu. Thế giới từ 2 cực chuyển sang 1 cực, dưới sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ.
Dư luận quốc tế, nhất là những thế lực chống cộng đã tung ra hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn bài viết, nói rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn sai lầm và quốc gia nào đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là chắc chắn đi vào bế tắc và thất bại. Và đến bây giờ, 30 năm rồi, các thế lực chống cộng quốc tế vẫn đưa ra những luận điệu như vậy.
Về vấn đề này, theo tôi, chúng ta không nên đồng nhất mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô với học thuyết khoa học Mác - Lênin. Linh hồn sống, sợi chỉ đỏ của học thuyết này là thông qua đấu tranh, đạt đến mục đích cuối cùng là làm cho mọi quyền lực trong xã hội này thuộc về người lao động, người dân có quyền quyết định trong xã hội hiện đại. Điều này hoàn toàn đúng, bản thân lý tưởng này trường tồn, soi đường cho nhân loại.
Cho dù Liên Xô tan rã nhưng nhân loại tiến bộ vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm mục đích cuối cùng là người dân có quyền quyết định vấn đề trọng đại trong cuộc sống của mình. Sự tan rã của Liên Xô là sự sụp đổ, đổ vỡ một mô hình được xây dựng phỏng theo lý luận Mác - Lênin.
Các thế lực chống cộng quốc tế có sự đánh tráo khái niệm, ngụy biện, gán ghép Liên Xô là chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng không phải vậy, mà đó là mô hình cụ thể được hiện thực hóa trong cuộc sống, ai còn rêu rao thì hoặc có động cơ xấu, hoặc không phân biệt được sự khác nhau giữa một mô hình cụ thể với lý luận soi đường cho nó.
P.V:Thiếu tướng có thể lý giải do đâu mà Đảng Cộng sản Liên Xô mất vai trò lãnh đạo, dẫn tới sự tan rã của Liên bang Xô viết?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Đây là vấn đề quan trọng nhất khi nghiên cứu sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, có ý nghĩa thời sự đối với các đảng cộng sản đang lãnh đạo hiện nay như Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Cuba…
Đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn bài viết, công trình nghiên cứu lý giải về sự sụp đổ của Liên Xô, lý giải nguyên nhân Đảng Cộng sản Liên Xô mất vai trò lãnh đạo. Nhưng theo tôi, trước khi đề cập tới nguyên nhân đổ vỡ, phải khẳng định rằng, trong quá trình xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô phỏng theo lý luận khoa học Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đạt được những thành tựu rực rỡ.
Có thể kể sơ qua những thành tựu chói lọi như sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu là Stalin, sức sống của xã hội xã hội chủ nghĩa mới đã đè bẹp chủ nghĩa phát xít Hitler. Hay việc Liên Xô năm 1957 lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh bay vào vũ trụ, vượt Mỹ để trở thành cường quốc đi đầu trong chinh phục vũ trụ, phản ánh sức sống mới của xã hội xã hội chủ nghĩa.
Những năm 1960 - 1970, sự phát triển rực rỡ của chủ nghĩa xã hội cũng tạo nên bức tường thành vững chắc ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc, hơn 320 triệu người Liên Xô được thụ hưởng một cuộc sống hòa bình, ổn định và hạnh phúc.
Bên cạnh thành tựu, Đảng Cộng sản Liên Xô cũng đã mắc sai lầm vào giai đoạn sau này, Liên Xô đi vào thời kỳ trì trệ vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Sai lầm thứ nhất là chính sách kinh tế, duy trì mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp quá dài. Trong chiến tranh mô hình ấy là cần thiết, nhưng hết chiến tranh cần chuyển sang mô hình khác. Mô hình tập trung quan liêu mà Liên Xô duy trì gần 70 năm đã triệt tiêu động lực phát triển do không quan tâm đến lợi ích của người lao động.
Trên hành tinh này, lợi ích là cái thôi thúc người ta hành động. Vì thế, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế Liên Xô trì trệ, chất lượng sản phẩm kém, hàng hóa Liên Xô không cạnh tranh được với phương Tây, ảnh hưởng tới đời sống và làm nảy sinh những vấn đề tư tưởng trong nhân dân Liên Xô.
Trên lĩnh vực chính trị, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm những sai lầm lớn. Thứ nhất là về công tác cán bộ, họ đã không thành công, nếu không muốn nói là thất bại trong việc đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận, không lựa chọn được những người trung thành với lý tưởng cộng sản, tận tâm với sự phục hưng, phát triển của Liên Xô. Đến những năm 80, quyền lãnh đạo của Đảng này rơi vào những kẻ cơ hội.
Thứ hai, năm 1987, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cho phép mở “chiếc hộp Pandora”, những kẻ cơ hội được phương Tây hậu thuẫn tận dụng tối đa không khí tự do, cởi mở tung bài viết phê phán Cách mạng Tháng Mười, phê phán Lênin, Stalin, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật.
Thứ ba, Liên Xô đã bỏ Điều 6 Hiến pháp, nói rằng Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, kèm theo đó là phi chính trị hóa quân đội và đưa lực lượng an ninh tình báo KGB ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng.
Cuối cùng, cũng cần nhắc tới việc Đảng Cộng sản Liên Xô đã không ngăn ngừa được tham nhũng, tha hóa. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tệ tha hóa, tham nhũng ở Liên Xô hết sức khủng khiếp, những cán bộ tranh giành quyền lực, chia nhau lợi ích, không quan tâm đến đời sống của người dân. Đây là những sai lầm mang tính quyết định, trực tiếp dẫn tới thất bại, tan rã và mất quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô.
P.V:Trong suốt 74 năm tồn tại (1917 - 1991) hệ thống xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Liên Xô đã có những đóng góp như thế nào vào sự phát triển của thế giới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nói về những đóng góp của chủ nghĩa xã hội trong 74 năm tồn tại ở Liên Xô là đóng góp vô giá, không ai phủ nhận được. Đó là sự đóng góp có tính quyết định của Hồng quân Liên Xô đánh tan phát xít, cứu nhân loại ra khỏi thảm họa.
Thứ hai, dưới sự tồn tại, phát triển trong 3 thập niên 1950, 1960 và 1970, được hệ thống xã hội chủ nghĩa với Liên Xô là thành trì hậu thuẫn giúp đỡ về vật chất, tinh thần, 130 dân tộc đã vùng dậy thoát khỏi chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới. Điều này chỉ xảy ra trong bối cảnh đối đầu Xô - Mỹ, khi Liên Xô là thành trì, một hệ thống xã hội chủ nghĩa sừng sững lớn mạnh như vậy khiến chính sách thuộc địa phải điều chỉnh, tạo điều kiện cho các dân tộc bị nô dịch, bị áp bức vùng dậy đấu tranh.
Nên có thể nói phong trào giải phóng dân tộc những năm 1950, 1960 và 1970 của thế kỷ trước là kết quả phấn đấu của những người cộng sản trên hành tinh này. Những người cộng sản cầm quyền đã tạc vào lịch sử văn minh nhân loại một giai đoạn lịch sử rực rỡ.
P.V:Nếu đánh giá bức tranh thế giới trong 30 năm qua kể từ khi Liên Xô tan rã, Thiếu tướng có nhận xét gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Nhìn lại 30 năm từ 1991 đến nay, về kinh tế, tôi thấy điểm nổi bật là xu thế hội nhập quốc tế, dẫn đến toàn cầu hóa kinh tế. Nhìn lại trước năm 1991, thế giới chia đôi, ví như một dòng sông mà bên này là thế giới xã hội chủ nghĩa, bên kia là thế giới tư bản.
Từ sau năm 1991 không còn dòng sông này nữa, cả thế giới là một thị trường, cùng với toàn cầu hóa kinh tế, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, mạng Internet, đã làm cho loài người xích lại gần nhau.
P.V:Thưa Thiếu tướng, dư luận cho rằng, 30 năm qua những vấn đề an ninh phi truyền thống có những diễn biến rất khó lường, đe dọa đến cuộc sống trên toàn thế giới. Thiếu tướng có bình luận thế nào về quan điểm này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Thật ra những vấn đề an ninh phi truyền thống không phải bây giờ mới có, đã tồn tại hàng ngàn năm nay, nhưng từ năm 1991 đến nay, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống đã phát triển, nổi cộm lên.
Tại sao? Trước đó, đối đầu giữa 2 hệ thống Xô - Mỹ khiến loài người đứng trước cuộc sinh tử hủy diệt hạt nhân, những vấn đề khác chìm xuống. Khi Liên Xô tan rã, chỉ còn đơn cực Hoa Kỳ, áp lực sinh tử hạt nhân không còn nhưng những cái khác lại nổi lên.
Thứ nhất là vấn đề dân tộc tôn giáo, tôi cho rằng chưa bao giờ xung đột tôn giáo - dân tộc phát triển khủng khiếp như 10 năm qua. Vùng Trung Đông nổi loạn từ năm 2011 đến nay là đặc trưng lớn nhất của an ninh phi truyền thống trong 30 năm vừa rồi.
Thứ hai là vấn đề an ninh tài chính tiền tệ, an ninh kinh tế thuộc phạm trù an ninh phi truyền thống. Cuộc đại khủng hoảng năm 2008-2010 bắt đầu từ Mỹ kéo toàn bộ nền kinh tế thế giới sụp đổ.
Thứ ba là vấn đề biến đổi khí hậu, trong những năm vừa rồi toàn bộ châu Âu nóng lên một cách kỳ lạ, nhiều nơi bão lũ khủng khiếp, rồi 2 năm trở lại đây loài người đương đầu với dịch Covid-19, nó tàn phá nhân loại, làm hàng triệu người chết, nền kinh tế thế giới sụp đổ, khó khăn. Vì thế tôi cho rằng hoàn toàn đúng khi đưa ra quan điểm trên.
P.V: Trong 3 thập kỷ qua, cục diện chính trị thế giới đã có những xoay chuyển như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới trở thành đơn cực, Mỹ thành siêu cường duy nhất, ở đỉnh cao trong 10 năm 1991 - 2001, áp đảo cả về kinh tế, khoa học, quốc phòng, thông tin...
Sau đó, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York đã làm cục diện thế giới thay đổi. Mỹ bắt đầu lao vào cuộc chiến chống khủng bố, mãi đến tháng 8/2021 mới kết thúc, phạm nhiều sai lầm trong chính sách chống khủng bố, chính sách kinh tế - xã hội trong lòng nước Mỹ.
Như vậy đặc trưng lớn nhất trong 30 năm qua là Hoa Kỳ lên đỉnh cao và tụt dốc, song song với quá trình đó là Nga khôi phục và Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong lịch sử 5.000 năm văn minh nhân loại chưa bao giờ có quốc gia nào có bước phát triển nhanh, mạnh, tạo bước đột phá thần kỳ như Trung Quốc cả. Năm 1991 trên sân khấu chính trị thế giới, trên diễn đàn kinh tế quốc tế người ta ít nhắc đến Trung Quốc, nhưng hiện nay nước này trở thành “nhân vật” số 2 của thế giới, mối quan hệ Mỹ - Trung trở thành quan hệ quan trọng nhất hành tinh này. Mỗi thăng giáng trong quan hệ ấy làm cho thế giới rung chuyển.
Nói cách khác, đặc trưng lớn thứ 2 trong 30 năm qua là cấu trúc địa chính trị thay đổi, chuyển địa bàn chính trị toàn cầu từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Điểm này liên quan trực tiếp tới Việt Nam.
P.V:Vậy Thiếu tướng có thể đưa ra nhận định khái quát như thế nào về Việt Nam trong 30 năm qua?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Việt Nam cũng vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất, dần nỗ lực thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước, bắt đầu tổ chức lại quan hệ quốc tế.
Thành công lớn nhất trong 30 năm qua, theo quan điểm của tôi, là bắt đầu từ những thành công của Đảng ta trong nhận thức thế giới.
Sau khi Liên Xô tan rã, chúng ta quyết tâm làm và thành công khôi phục các quan hệ lớn như quan hệ Việt-Trung, Việt-Mỹ, tham gia ASEAN, phá vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, của các thế lực phản động, hội nhập sâu với thế giới, 2 nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, 4 nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của ASEAN chúng ta đều làm thành công.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, chưa bao giờ đất nước chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Đó là thành tựu lớn nhất, mỗi người Việt Nam có quyền tự hào về sự phát triển của đất nước 30 năm qua. Trong điều kiện không còn sự giúp đỡ của Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người Việt Nam tự đứng dậy, xây dựng cuộc sống mới, đó là bước ngoặt lịch sử đối với dân tộc ta, Đảng ta trong 30 năm vừa rồi.
P.V:Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!