Lãnh đạo các nước kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc: Ngày 11/11 đã diễn ra lễ kỷ niệm ngày hiệp ước đình chiến kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất được ký kết cách đây 100 năm tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysee, trung tâm thủ đô Paris. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Reuters
Sự kiện nhằm tưởng nhớ hàng triệu người đã ngã xuống trong cuộc xung đột kéo dài từ ngày 4/8/1914 tới 11/11/1918. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin và hơn 60 lãnh đạo các nước châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Trung Đông tham dự buổi lễ tại thủ đô Paris. Ảnh: AFP
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore: Lễ khai mạc và phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 diễn ra từ ngày 11 - 15/11. Hội nghị có chủ đề "Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo", trong đó lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi về những biện pháp thúc đẩy hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với các biến động của kinh tế thế giới, thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giải quyết những thách thức toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ tư từ trái sang) và lãnh đạo các nước tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33. Ảnh: Reuters
Cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ: Đây là vụ hỏa hoạn có mức độ tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử bang California khi có tới 250.000 người bị buộc phải rời khỏi nhà, nhiều người bị kẹt trong biển lửa. Trong ảnh: Một chiếc máy bay rải chất dập lửa ở Malibu, California. Ảnh: Reuters
Bang California đang trong tình trạng báo động với 3 đám cháy lớn ở các cánh rừng cả miền Bắc và miền Nam. Gió lớn, độ ẩm thấp và những cánh rừng khô hạn những tháng qua khiến cháy rừng lan rộng nhanh chóng. Thông tin từ giới chức địa phương công bố tối ngày 16/11 (giờ địa phương) cho biết đã có hơn 70 người thiệt mạng và hơn 1.000 người mất tích do cháy rừng tại bang California, Mỹ. Hiện công tác cứu hỏa và cứu hộ vẫn đang tiếp tục được triển khai. Ảnh: Reuters
Khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất là thị trấn Paradise thuộc hạt Butte với khoảng 90% nhà cửa bị thiêu hủy sau khi đám cháy mang tên Camp bùng phát từ hôm 8/11. Chính quyền bang California ước tính cần mất khoảng 3 tuần để khống chế hoàn toàn các đám cháy. Hiện vẫn chưa thể tính toán thiệt hại do cháy rừng. Ảnh: Reuters
Nhiều diễn biến mới trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Sau hơn 1 tháng điều tra, giới chức hàng đầu của Saudi Arabia ngày 15/11 đã thông tin thêm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi - người bị giết bên trong lãnh sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10. Văn phòng công tố Arab Saudi khẳng định Khashoggi bị tiêm thuốc quá liều dẫn đến tử vong và 5 nghi phạm đối mặt án tử vì trực tiếp ra lệnh và xuống tay. Trong ảnh: Những người cầm hình ảnh của nhà báo Jamal Khashoggi tham dự cầu nguyện tang lễ tượng trưng cho Khashoggi tại nhà thờ Hồi giáo Fatih ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ngày 17/11, tờ Washington Post dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, CIA kết luận Thái tử Mohammed bin Salman đã ra lệnh giết nhà báo dựa trên đánh giá của cơ quan rằng Thái tử là người cai trị thực tế của Arab Saudi, giám sát ngay cả những vấn đề nhỏ nhặt trong vương quốc. Phát ngôn viên của CIA từ chối bình luận về những tiết lộ của Washington Post. Fatimah Baeshen, phát ngôn viên Đại sứ quán Arab Saudi tại Washington, cho biết Đại sứ và Khashoggi chưa bao giờ thảo luận bất cứ điều gì liên quan đến việc đi Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ảnh: Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters
Sóng gió trên chính trường Anh: Dù chính phủ Anh đã thông qua thỏa thuận sơ bộ về Brexit nhưng Thủ tướng Theresa May vẫn phải đối mặt nhiều thách thức lớn khi àng loạt quan chức cấp cao trong nội các của bà May đã từ chức. Chưa hết, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đã yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm và đưa bà May rời khỏi vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền. Cuộc bỏ phiếu này sẽ được tiến hành nếu ít nhất 48 nghị sĩ đảng Bảo thủ viết thư kêu gọi và bà May có nguy cơ phải từ chức nếu 158 trong số 315 nghị sĩ đảng này bất tín nhiệm bà. Trong ảnh: Thủ tướng Anh Theresa may rời số 10 đường Downing qua cổng sau. Ảnh: Reuters
Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ bị tuyên y án chung thân: Ngày 16/11, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã tuyên giữ nguyên mức án của Tòa sơ thẩm đưa ra vào tháng 8/2014, phạt tù chung thân đối với hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan. Toàn bộ tội ác lẽ ra cần được xét xử trong một phiên tòa toàn diện hơn nhưng giới chức đã tách làm 2 phiên xử liên tiếp vì lo ngại những thủ lĩnh đã lớn tuổi này có thể chết trước khi công lý được thực thi. Trong ảnh: Khieu Samphan ngồi bên trong nơi xét xử của ECCC. Ảnh: Reuters
Nuon Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi) - hai thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khmer Đỏ, bị phán quyết đã phạm tội ác chống lại loài người và diệt chủng đối với các cộng đồng người Chăm, người Hồi giáo và người Việt trong thời kỳ Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia từ giai đoạn 1975 - 1979. Trong ảnh: Nuon Chea, được mệnh danh là "anh Hai" với quyền lực chỉ đứng sau thủ lĩnh Pol Pot. Ảnh: Reuters
Mỹ tăng cường biện pháp ngăn đoàn người di cư: Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) mới đây tuyên bố sẽ phong tỏa các tuyến đường ở San Ysidro và Otay Mesa dẫn đến cửa khẩu Tijuana của Mexico để hỗ trợ các binh sĩ quân đội nước này rải dây thép gai và dựng hàng rào ngăn dòng người di cư đang tìm cách tràn vào nước này. Trong ảnh: Lính Mỹ lập chướng ngại vật với dây thép gai tại biên giới với Mexico, ngày 13/11. Ảnh: Reuters
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước yêu cầu Lầu Năm Góc điều quân đội đến biên giới phía nam giáp Mexico để hỗ trợ CBP đảm bảo an ninh trước dòng người di cư. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó triển khai hơn 7.000 binh sĩ tới khu vực này. Trump cho biết ông có thể điều khoảng 15.000 binh sĩ tới biên giới, nhiều hơn quân số lực lượng Mỹ đóng tại Afghanistan. Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen thị sát tại Trại Donna ở Donna, Texas, ngày 14/11. Ảnh: Reuters