(Baonghean) - Không chỉ là thầy thuốc, mà họ còn là người thân, người bạn, sẻ chia và đồng cảm cùng những buồn vui với bệnh nhi và gia đình các bé. Sự tận tâm ấy đã thắp lên những niềm hy vọng cho những bệnh nhi nhiễm “căn bệnh thế kỷ”.
Phòng khám, điều trị bệnh nhi nhiễm và phơi nhiễm HIV/AIDS tại khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đi vào hoạt động đã hơn 8 năm nay. Còn với nhiều điều dưỡng, y, bác sỹ công tác tại phòng khám, thời gian họ tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS có thể còn lâu hơn thế.
Như bác sỹ CKI Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Nhiệt đới, anh đã có thâm niên trên 10 năm gắn bó với bệnh nhi HIV/AIDS và nay trở thành người phụ trách chính trong việc khám, điều trị tại đây. Bác sỹ Sơn chia sẻ: “Khó khăn nhất là việc tư vấn, động viên người nhà bệnh nhân khi họ mới biết con, cháu mình bị nhiễm HIV. Họ bị sốc, nên có những người không hợp tác cùng bác sỹ trong việc điều trị bệnh.
Hiểu được tâm lý đó, chúng tôi rất quan tâm động viên và tư vấn cho người nhà biết việc điều trị ARV là để kéo dài sự sống. Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy, cán bộ y tế phải có lòng kiên trì, nhẫn nại thì mới thuyết phục được người nhà bệnh nhân”.
Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi bị nhiễm HIV/AIDS rất khó, nên những y, bác sỹ ở đây có sự cảm thông và thấu hiểu nỗi lòng của người bệnh. Ở phòng khám không có ánh mắt coi thường hay kỳ thị, thay vào đó là tình thương và trách nhiệm, sát cánh với bệnh nhân, giúp các cháu chiến đấu với bệnh tật, phòng tránh nhiễm trùng cơ hội, kéo dài sự sống trong thời gian lâu nhất có thể.
Sự chân thành của các y, bác sỹ là nguồn động viên lớn đối với bệnh nhân, giúp họ giữ vững niềm tin. Anh L.V.H - bố của cháu L.V.S (3 tuổi) ở TP. Vinh chia sẻ: “Khi mới biết con mình nhiễm HIV, vợ chồng tôi như bị sét đánh, muốn buông xuôi, tất cả đã chấm hết. Đến với phòng khám và điều trị HIV ở đây, được các y, bác sỹ tư vấn rất tận tình, thường xuyên nhắc nhở chúng tôi cho cháu uống thuốc đúng liều, đúng giờ, giải thích cho chúng tôi hiểu về lợi ích khi tuân thủ điều trị. Sau gần 2 năm điều trị, sức khỏe cháu có phần ổn định và theo học cùng các bạn, gia đình tôi rất mừng”.
Tương tự, bức tâm thư của chị N.T.H khi đưa con đến điều trị nhiễm HIV, viết gửi bác sỹ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cùng các cộng sự mang lại nhiều xúc động: “Lúc tột cùng đau khổ, mất hết hy vọng, mất đi niềm tin cuộc sống thì những bàn tay ấy đã chìa ra, nắm lấy và kéo hai mẹ con tôi trở về với cuộc sống. Để tôi nhận ra rằng mình không đơn độc trong cuộc chiến với thần chết HIV/AIDS, tôi rất cảm ơn các y, bác sỹ sinh ra cho tôi một người con khỏe mạnh, được đi học với bạn bè và sinh hoạt một cách bình thường với cộng đồng xã hội”.
Hiện nay, theo lũy kế phòng khám đang điều trị cho 496 bệnh nhi nhiễm và phơi nhiễm HIV/AIDS. Thực tế, tận mắt chứng kiến có trẻ 1 năm thì điều trị ở bệnh viện đến 10 tháng, với 7 loại bệnh như nhiễm khuẩn huyết do nhiễm nấm, áp xe phổi, tràn dịch màng tim, phổi, viêm não, lao phổi, tiêu hủy xương, đầu xương...
Hoàn cảnh cuộc sống của nhiều bệnh nhân đến điều trị đa số gia đình có bệnh nhân HIV/AIDS đều rất khó khăn, kinh tế nghèo, mồ côi bố mẹ, ở với ông bà, người thân, nếu còn bố hoặc mẹ thì đều bị HIV. Điều trị cho đối tượng trẻ em là rất khó, nhất là trong công tác tư vấn, điều trị cho bệnh nhi HIV/AIDS việc tuân thủ quy trình, thời gian điều trị.
Cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn cũng ảnh hưởng đến thời gian tái khám của bệnh nhân. Có những bệnh nhân ngoại tỉnh, mỗi lần đi nhận thuốc rất vất vả vì hoàn cảnh nghèo không có tiền đi lại. Một số trường hợp đủ tiền đi thì không đủ tiền trở về.
Đau lòng nhất là khi các em đã dần hiểu chuyện, biết thắc mắc vì sao phải uống thuốc thường xuyên, khi đó khó nhất là tư vấn tâm lý để các em có thể tiếp nhận được thông tin mình bị nhiễm HIV. Những lúc như vậy, cả gia đình và y, bác sỹ đã phối hợp với nhau, giúp đỡ các em vượt qua mặc cảm bệnh tật, tiếp tục điều trị và có niềm tin vào cuộc sống...
Thu Hiền