(Baonghean.vn) - Thầygiáo La Văn Thám vinh dự là người Đan Lai được gặp Bác Hồ vào năm 1961 khi Bác về quê và đến thăm Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An.
Đối với thầy, giây phút được gặp và nghe Bác dặn dò đã trở thành ký ức thiêng liêng mà suốt cuộc đời ông mãi chẳng thể nào quên.
Nhà giáo La Văn Thám năm nay đã ở vào tuổi 70. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ở bản Thái Sơn xã Môn Sơn Con Cuông. Ông say sưa kể cho chúng tôi về những cảm xúc và giây phút thiêng liêng được gặp Bác Hồ. Thầy cho biết, ngày trước ấy, việc người dân Đan Lai theo học cái chữ là rất hiếm hoi.
Năm 1960, La Văn Thám được cử đi học tại Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An. Tại đây trong lần Bác Hồ về thăm quê năm 1961, Người đã đến thăm thầy và trò của trường. La VănThám là một trong những học sinh vinh dự được gặp Bác.
Thầy giáo La Văn Thám nhớ lại, khi Bác đến thăm và bước vào hội trường, trong niềm xúc động phấn khởi, tiếng vỗ tay hân hoan vang lên khắp cả hồi dài. Nói chuyện với học sinh của trường, Bác đã gọi từng học sinh của các dân tộc lần lượt đứng dậy. Và khi đến dân tộc Đan Lai duy nhất chỉ có một mình La Văn Thám.
Thấy vậy, Bác Hồ ngạc nhiên và hỏi : Sao dân tộc Đan Lai chỉ có một mình cháu vậy? Sau này cháu phải cố gắng truyền đạt các kiến thức làm sao để có nhiều người Đan Lai được đi học, nhất là các cháu gái nữa.
Và cũng trong giây phút thiêng liêng đó, La Văn Thám cũng là một trong 3 học sinh dân tộc thiểu số của trường được Bác tặng quà đó là chiếc bi đông. “Rồi Bác kéo tôi đến và chụp kiểu ảnh để lưu niệm”- ông Thám kể.
Tấm hình La Văn Thám chụp chung với Bác Hồ ngày ấy và chiếc bi đông được Bác dành tặng vẫn được ông lưu giữ như kỷ vật để đời.
Được biết trước đây, cả bản Cò Phạt nơi gia đình thầy Thám sinh sống không có một ai học nổi cấp 2. Cuộc sống bà con nơi đây gặp không ít khó khăn, sống biệt lập trong núi rừng, đường xá xa xôi cách trở nên hầu hết người dân bản Cò Phạt chỉ mới lo cho con cái được no cái bụng là được.
Ngày thầy Thám theo học tại Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An, mỗi lần về quê, ông phải đi bộ gần cả tháng trời mới về đến nhà nhưng những điều đó không làm thầy nản chí.
Thấm nhuần những lời dặn dò của Bác, tốt nghiệp ra trường, chàng thanh niên trẻ La Văn Thám xung phong đến những vùng xa vùng khó khăn của huyện để mang con chữ truyền dạy cho học sinh.
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp thầy về nhận công tác tại trường tiểu học Châu Khê rồi 2 năm sau giữ chức vụ Hiệu trưởng. Với mong muốn đem tài sức, tình yêu và trí tuệ của mình cho thế hệ học sinh trên mảnh đất nơi mình đã sinh ra, năm 1967 thầy xin chuyển về công tác tại trường Tiểu học Môn Sơn 3. Tại đây, nơi thầy công tác có những thời điểm học sinh Đan Lai đã bỏ học gần hết.
Khắc ghi lời dặn dò của Bác, để trẻ em Đan Lai không còn cảnh thất học, thầy đã cùng các giáo viên của nhà trường đã trực tiếp đến tận từng nhà học sinh vận động các em quay trở lại trường. Một số em đã theo cha mẹ vào rừng để mưu sinh, thầy đã không quản ngại khó khăn để vào tận rừng sâu, khuyên nhủ, đưa các em trở lại trường.
Suốt nhiều năm làm nghề dạy học, nhờ sự dìu dắt của thầy Thám, nhiều thế hệ học sinh Đan Lai đến nay có rất nhiều người cũng đã được học hành thành đạt trong số đó có người là giáo viên, là bác sỹ.
Sau khi về hưu, thầy tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của địa phương. Thầy được bầu làm Bí thư chị bộ, Chi hội trưởng Người cao tuổi bản Thái Sơn rồi Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã.
Mấy năm trở lại đây Đảng và Nhà nước ta có chủ trương tái định cư cho bà con dân tộc người Đan Lai, đưa người Đan Lai ra nơi ở mới. Là người con Đan Lai, dù tuổi đã cao sức đã yếu nhưng thầy vẫn tình nguyện ngược dòng sông Giăng lên đầu nguồn Khe Khặng để thuyết phục và vận động bà con di dân về nơi ở mới.
Sự tận tuỵ, lòng nhiệt tình và hơn hết là uy tín của mình, những lời nói của thầy luôn được bà con Đan Lai tin tưởng và tự giác chấp hành.
Chu Hạnh - Bá Hậu