(Baonghean) - Từ đầu tháng 6 đến nay, một số ít ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn, tuy nhiên, với mức độ tăng nhẹ. Qua tìm hiểu được biết, việc điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn nằm trong chiến lựơc kinh doanh cho phép của từng ngân hàng, không phải là xu thế tăng chung.
Sau một thời gian khá dài lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn dễ thở hơn, tuy nhiên sức tiêu thụ hàng hóa của nền kinh tế còn yếu, nên nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn. Trước thực tế này, một số ngân hàng thương mại lại điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn, tuy chưa tăng lãi suất cho vay, nhưng tâm lý nhiều doanh nghiệp vẫn lo rằng sẽ kéo theo lãi suất tiền vay tăng trong thời gian tới. Mặc dù mức tăng có thể chỉ 1%/năm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vốn đầu tư của doanh nghiệp, bởi đa số các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng.
Hiện nhiều ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương Bến Thủy, Vietcombank Vinh, VIB Vinh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn... vẫn giữ nguyên các mức lãi suất cũ, không có biến động tăng lãi suất, các giao dịch diễn ra bình thường.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Nghệ An (BIDV), trong tháng 6 lãi suất tiền gửi được điều chỉnh tăng từ 0,1% - 0,5%/năm đối với các kỳ hạn cụ thể như sau: Lãi suất tiền gửi 1 tháng tăng 0,5% (từ 4% lên 4,5%/năm). Kỳ hạn từ 3- 5 tháng tăng 0,4% (từ 4,6% lên 5%/năm); kỳ hạn 6 - 11 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%/năm. Bà Lê Thị Mộng Lý, Phó Giám đốc BIDV Nghệ An cho biết: Dù lãi suất huy động vốn tăng nhẹ, nhưng chi nhánh vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay như trước đây, không điều chỉnh tăng lãi suất đầu ra, thậm chí còn giảm lãi suất cho vay một số kỳ hạn và một số gói lãi suất ưu đãi nhằm đẩy nguồn vốn lưu thông tốt hơn. Gói cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp lãi suất thấp nhất 6%/năm, cao nhất 8,2%/năm. Như vậy chênh lệch giữa lãi suất tiền vay và tiền gửi ngày càng thu hẹp, đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận sụt giảm lợi nhuận. Sau hơn 20 ngày điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 6/2015, BIDV Nghệ An đã thu hút tiền gửi dân cư tăng hơn 70 tỷ đồng, tổng huy động vốn đến thời điểm hiện nay gần 6.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối tháng 5/2015.
Tại Sacombank Chi nhánh Nghệ An, lãi suất huy động vốn chỉ điều chỉnh tăng 0,1%/năm đối với các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Ông Hoàng Chí Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh chia sẻ: Hiện nay nguồn vốn của chi nhánh đang dôi dư, không thiếu vốn, việc điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn nhằm giữ chân khách hàng bởi lo ngại khách hàng chuyển vốn sang ngân hàng khác. Còn lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên như trước đây, thậm chí có những gói ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà ở, mua xe ô tô, kinh doanh cá nhân... lãi suất từ 6% - 7%/năm (thời gian ưu đãi trong 1- 2 năm đầu).
Tại Vietcombank Vinh, lãi suất huy động và cho vay vẫn ổn định như các tháng trước. Lãi suất tiền gửi 1 tháng là 4%/năm, 3 tháng 4,5%/năm, 6 tháng 5,1%/năm...; Lãi suất cho vay phổ biến từ 7% - 8%/năm. Mặc dù lãi suất đầu vào - đầu ra đều thấp, ổn định nhưng chi nhánh vẫn thu hút được nguồn vốn huy động cũng như dư nợ tăng trưởng tốt. Đặc biệt, dư nợ tăng hơn 20% so với đầu năm; huy động vốn tăng trên 10% so với đầu năm.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, lãi suất vẫn giữ nguyên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Lãi suất huy động vốn các kỳ hạn cụ thể: 1 tháng 4%/năm, 3 tháng là 4,5%/năm, 6 tháng 5,3%/năm... Lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn 7%/năm (ngắn hạn dưới 12 tháng), trung, dài hạn 9%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các trường hợp đời sống, sản xuất, kinh doanh khác là 9%/năm. Đến 22/6/2015, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm. Dư nợ 13.200 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Nguồn vốn và dư nợ đều tăng trưởng khá, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước ảnh hưởng của việc tăng lãi suất huy động tới lãi suất cho vay, ông Cao Văn Hợi, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An nhận định: Thời gian gần đây một số ít ngân hàng trên địa bàn tăng lãi suất huy động vốn là do các ngân hàng cân đối vào khả năng cung - cầu của mình (có thể theo chiến lược kinh doanh hoặc thời điểm) và chỉ cá biệt ở một số ngân hàng chứ không phải là xu thế tăng chung. Hoạt động của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn vẫn ổn định, không có gì biến động. Mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm thêm từ 0,2- 0,5%/năm, điều này đã góp phần hỗ trợ tốt cho thị trường. Đến hết tháng 5/2015, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn gần 70.424 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm; tổng dư nợ trên 114.507 tỷ đồng, tăng 4,5%/năm so với đầu năm.
Bài, ảnh: Quỳnh Lan