(Baonghean) - Một trong những vấn đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội và trong đời sống nhân dân chính là vấn đề Dự án Luật Phí và lệ phí. Pháp lệnh hiện hành quy định các khoản lệ phí, phí gắn với dịch vụ công như thế nào? Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí ra sao? Việc xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là sẽ có khoản phí do doanh nghiệp (DN) cung cấp sẽ phải chuyển sang thực hiện theo giá dịch vụ... là những nội dung mà phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

P.V:Thưa đồng chí Phạm Đình Thi, sau hơn 16 năm đi vào thực tế cuộc sống, Pháp lệnh Phí và lệ phí đã được sửa đổi, bổ sung để ban hành Luật Phí và lệ phí. Đồng chí cho biết quan điểm của Bộ Tài chính khi xây dựng Luật Phí và lệ phí trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành? 
images1183914_ti_p_a6_thu_ph__du_ng_b__t_i_trung_t_m__ang_ki_m_xe_co_gi_i_ngh__an__nh__s__minh.jpgThu phí đường bộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh
 
Đồng chí Phạm Đình Thi:Là một trong những nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN), các khoản phí và lệ phí có ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng đến đời sống xã hội, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống thường nhật của mọi người dân. Chính vì vậy, là cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo dự luật, quan điểm của Bộ Tài chính trước hết là phải bảo đảm tính tuân thủ Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và quản lý NSNN; phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập. 
 
Bên cạnh đó, dự thảo luật này phải có tính tập trung, phản ánh đầy đủ, kịp thời nguồn thu từ phí, lệ phí vào NSNN, đảm bảo minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí. Phải bảo đảm tăng cường quản lý nhà nước và kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc thu, quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí; từng bước chuyển đổi những khoản phí có bản chất là giá dịch vụ sang cơ chế giá thị trường với lộ trình phù hợp, nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Ngoài ra, dự thảo này phải có tính kế thừa, bảo đảm luật hóa các quy định còn phù hợp, đồng thời khắc phục triệt để những mặt hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách phí, lệ phí hiện hành.
 
Từ quan điểm đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật phí và lệ phí nhằm đạt được mục tiêu quan trọng như: thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật có liên quan; từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) một số loại hình dịch vụ công, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và DN, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính. 
 
P.V:Pháp lệnh hiện hành quy định các khoản lệ phí, phí gắn với dịch vụ công do cả nhà nước và DN cung cấp, nhưng mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí lại do nhà nước quy định. Điều này chưa khuyến khích DN tham gia cung cấp dịch vụ công. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí? 
 
Đồng chí Phạm Đình Thi: Đó là một trong những vấn đề mà thực tế đã đặt ra, và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phải sửa đổi, nâng cấp tính pháp lý của pháp lệnh phí và lệ phí thành luật. Các khoản phí trong danh mục kèm dự thảo Luật đều do cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng XHH cao, có thể chuyển giao cho DN cung cấp. Do đó, đối với một số khoản phí, việc xác định mức thu phí cần tính đến mức “lợi nhuận phù hợp” để khuyến khích thu hút DN đầu tư cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, dự thảo Luật quy định nguyên tắc xác định mức thu phí phải bảo đảm bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách của nhà nước trong từng thời kỳ.
 
Để đẩy mạnh XHH, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh theo hướng ban hành danh mục các khoản phí và lệ phí gắn với dịch vụ công do nhà nước cung cấp, nhưng trường hợp dịch vụ đó do DN cung cấp thì sẽ thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá. Mức thu được xác định theo các nguyên tắc cơ bản. Cụ thể là đối với phí: do gắn với dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực mà mỗi dịch vụ có tính chất, đặc điểm, đối tượng sử dụng và khả năng XHH khác nhau nên mức thu phí được xác định khác nhau (có khoản phí mức thu chỉ nhằm bù đắp một phần chi phí, có khoản phí mức thu bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí). 
 
Với lệ phí, pháp luật hiện hành quy định: mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí (riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ). Theo đó, lệ phí gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, do cơ quan nhà nước thực hiện nên quy định mức thu lệ phí không nhằm mục đích bù đắp chi phí là phù hợp. Vì vậy, tại dự thảo Luật Kế thừa quy định nguyên tắc này. Trong thực tế, ngoài hai loại phí liên quan trực tiếp đến người dân là học phí và viện phí đã và đang chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá và đã có lộ trình thực hiện thì dự thảo luật lần này quy định 19 loại phí sẽ chuyển sang giá dịch vụ nhằm đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ công. 
 
Để phù hợp với điều kiện thực tế, 19 khoản này dự kiến được phân thành hai nhóm. Nhóm phí do nhà nước định giá gồm 12 khoản, như: phí chợ, phí sử dụng cảng, nhà ga; phí vệ sinh... các dịch vụ này có ít đơn vị cung cấp hoặc là dịch vụ dễ độc quyền, do đó cần có sự quản lý của Nhà nước. Nhóm phí do đơn vị cung cấp dịch vụ kê khai, niêm yết giá (giá thị trường) gồm 7 khoản là: phí giới thiệu việc làm, phí đo đạc, lập bản đồ địa chính, phí kiểm nghiệm trang thiết bị y tế.... Đáng chú ý là dự thảo Luật sẽ quy định phụ lục danh mục các dịch vụ do nhà nước định giá để bảo đảm thực hiện ngay khi Luật này có hiệu lực mà không cần thiết phải sửa Luật Giá. 
 
P.V: Đồng chí có thể nói rõ hơn về lộ trình chuyển viện phí sang thực hiện theo cơ chế giá, cũng như lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN?
 
Đồng chí Phạm Đình Thi: Theo dự thảo Luật, học phí và viện phí sẽ chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá,  để bảo đảm sự thống nhất với quy định của các luật hiện hành, cụ thể là Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá. Đối với viện phí, tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập quy định cụ thể lộ trình chuyển từ viện phí sang giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. 
 
Theo đó, bắt đầu từ năm 2013, giá dịch vụ được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp: tiền thuốc, hóa chất; tiền điện, nước; duy tu, bảo trì thiết bị,... Giai đoạn 2014-2017: Giá dịch vụ (ngoài các khoản chi như năm 2013 nêu trên) được tính đến chi phí tiền lương, tiền công thuê ngoài, khấu hao tài sản, chi phí gián tiếp phục vụ hoạt động của bệnh viện. Từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ được tính đủ chi phí thực hiện. Vì vậy, căn cứ quy định nêu trên thì viện phí đang từng bước chuyển sang cơ chế giá dịch vụ và thực hiện theo lộ trình đã có.
 
Về lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN, hiện nay, chưa có quy định lộ trình thực hiện theo cơ chế giá đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo của nhà nước nhưng đã có quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, đến năm 2016 sẽ phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2018, sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2020 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công, và các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối NSNN và khả năng chi trả của người hưởng thụ để quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Như vậy, việc chuyển viện phí, học phí ra khỏi danh mục phí, lệ phí hiện hành là để bảo đảm sự thống nhất với quy định tại các luật chuyên ngành. 
 
P.V:Xin cảm ơn đồng chí.
 
Sông Hồng(Thực hiện)