22h tối 13/11, bài viết của một cựu học sinh cũ của lớp 12A5 - Trường THPT Nghi Lộc 5 được chia sẻ lên trang của Đoàn thanh niên nhà trường và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có rất nhiều người vào đọc và bình luận. Cô học trò  - chủ nhân của bài viết hiện đang học tập và làm việc tại Nhật Bản đã dành phần lớn bài viết của mình để kể về cô giáo chủ nhiệm - người mà em vẫn gọi là người mẹ dịu hiền.

bna_image_4203864_15112019.jpg

Đó là người đã đồng hành với tập thể lớp trong suốt 3 năm THPT, người sẵn sàng thức với các em suốt đêm dài để cùng nhau “giải một bộ đề dày cộp”. Cô giáo cũng là người biết khơi dậy sự hứng thú trong học sinh. “Cô của tôi” cũng thật kiên cường và dũng cảm,giỏi chịu đựng và che giấu!”.

Gửi về cô giáo mình - cô giáo Lê Thị M.L (giáo viên dạy môn Ngữ văn), cựu học sinh này cũng viết rằng...Tôi vẫn đang ở Nhật Bản, mùa lễ năm nay tôi không thể về được. Tin nhắn soạn xong vẫn chưa kịp chúc. Chỉ mong người Mẹ, người Chị và có khi còn là cả người Bạn ấy của tôi luôn giữ vững được nụ cười trên môi, luôn yêu đời và hạnh phúc. Hy vọng cô kiên cường, xinh, trẻ để chống chọi với mọi giông bão phía trước và một mùa lễ Hiến chương vui vẻ, thành công trong sự nghiệp trồng người...

Mặc dù mới phát động nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục câu chuyện đã được học trò Trường THPT Nghi Lộc 5 gửi đến thầy cô của mình sau khi đoàn trường triển khai cuộc thi “Viết lời tri ân thầy cô”.

Đọc những bài viết của các em, không tránh được những câu chữ còn khá lủng củng, nhưng điều đáng trân trọng hơn cả là tấm lòng mà các em đã gửi gắm trong bài viết của mình.

Trong đó, có cả những bài viết của những học sinh xa trường đã lâu nhưng vẫn lưu luyến và luôn biết ơn thầy giáo, cô giáo cũ:Lớp chúng mình đã từng trải qua những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ, có cùng chung những niềm vui và cùng trải qua những nỗi buồn sâu thẳm. Dù vậy thì đó cũng là kỷ niệm mà chúng em sẽ mang theo trên khắp nẻo đường tương lai, để mỗi khi nghĩ đến những tháng ngày đó chúng em sẽ không thể quên được cái hình ảnh, kỷ niệm về "người mẹ và 37 đứa con". Người mẹ đó tuy không có công lao sinh thành nhưng là người luôn tận tụy, yêu thương, dạy dỗ những đứa con của mình nên người... (Nguyễn Thị Thủy - lớp 12A7).

Qua những chia sẻ của học sinh và hiệu ứng từ mạng xã hội, nhiều thầy giáo, cô giáo và những học sinh cũ thực sự hạnh phúc khi đọc lại những chia sẻ chân thành này. Cô giáo Nguyễn Hải - một giáo viên đã chuyển trường, đọc lại những dòng viết của học trò cũ cũng đã rất bất ngờ và hạnh phúc. Với chị, những tình cảm mà các học sinh đã dành cho mình là tình yêu, là niềm tin để chị nỗ lực hơn, cố gắng hơn để làm tốt công việc của một nhà giáo.

Hướng đến ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, trong những ngày giữa tháng 11, chương trình ngoại khóa “Giá trị yêu thương và lòng biết ơn” cũng đã được tổ chức đồng loạt ở nhiều trường tiểu học ở thành phố Vinh. Ở chương trình này, thông qua các câu chuyện kể đã phần nào đánh thức được những trái tim non trẻ của các em học sinh. Chương trình cũng đã gửi tới các em học sinh nhiều thông điệp trong cuộc sống, đó là: Quan tâm, Giúp đỡ, Lòng biết ơn, Tự giác và Sự hy sinh với hy vọng các em sẽ cố gắng học tập, cố gắng vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô và không từ bỏ những ước mơ, hoài bão của mình.

Cũng ở chương trình này, một nội dung nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của các em học sinh đó là viết lời tri ân gửi đến các thầy giáo, cô giáo. Điều bất ngờ, đó là các em dù chỉ mới ở độ tuổi tiểu học, còn khá nhỏ nhưng các em đã có những chia sẻ rất đáng yêu về thầy, cô giáo của mình.

Một học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 đã viết: Cô ơi, chúng em chỉ còn được học với cô vài tháng nữa là chúng em sẽ lên lớp 6 rồi. Em mong cô thật nhiều sức khỏe để có thể dạy dỗ và chăm lo cho chúng em. Chúng em biết ơn cô rất nhiều.

Cô bé Hà Trang, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nghi Ân thì hồn nhiên viết rằng: Con biết con viết chữ chưa đẹp, con còn nói chuyện trong giờ học. Con biết cô buồn và con sẽ cố gắng chăm chỉ hơn nữa.

Cháu rất thích chương trình này, vì nó mang lại giá trị yêu thương, lòng biết ơn tới những người sinh ra mình, thầy cô giáo của mình. Con muốn nói lời cảm ơn tới bố mẹ mình đã nuôi con khôn lớn như hôm nay, con muốn cảm ơn thầy cô đã cho con những bài học tốt, truyền cho con những kiến thức bổ ích.

Em Nguyễn Hoàng Tân, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1, thành phố Vinh 

Từ vài năm trở lại đây, việc giáo dục học sinh thông qua các chương trình kỹ năng sống, đang được các nhà trường hết sức quan tâm, trong đó giáo dục đạo đức lối sống là hoạt động có nội dung khó nhất. Tuy nhiên, với chương trình “Giá trị yêu thương và lòng biết ơn” đã chạm đến trái tim của học sinh và các em đã cảm nhận được rất nhiều điều quý giá để biết yêu thương cha mẹ và thầy cô, biết làm điều có ích để không phụ công sinh thành, dạy dỗ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1, thành phố Vinh nói rằng: Trong giáo dục nhân cách con người không chỉ nhà trường mà còn phụ huynh và cả xã hội. Vì thế, những chương trình này cần được tổ chức thường xuyên để giúp các em có thêm nhiều cơ hội được tiếp xúc với nhiều tình huống, nhiều câu chuyện và để các em được thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Chương trình với chủ đề “Giá trị yêu thương và lòng biết ơn” nhận được rất nhiều sự quan tâm của học sinh và các giáo viên. Chương trình được tổ chức đúng vào dịp 20/11 cũng là một dịp để học sinh tri ân các thầy giáo, cô giáo của mình. Và tôi tin rằng những thông điệp mà các em gửi gắm trong những tấm bưu thiếp là tình cảm chân thành nhất, sâu sắc nhất các em dành tặng cho thầy cô trong ngày Hiến chương các nhà giáo.

Tiến sỹ  Hoàng Trung Học - Trưởng khoa giáo dục học - Học viện quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo