Dây đai an toàn được phát minh từ đầu thế kỷ 19 với ý tưởng giúp giữ cho người ngồi ở hàng ghế đầu không lao vào kính, đập đầu vào vô lăng, bảng táp lô khi xe dừng đột ngột hoặc trong trường hợp xảy ra va chạm, tai nạn. Đến những năm 1960, bộ phận này đã trở thành trang bị tiêu chuẩn trên hầu hết các dòng xe hơi. Hiện nay, thắt dây an toàn là nguyên tắc bắt buộc đối với người ngồi trong xe tại rất nhiều quốc gia và được sử dụng triệt để tại mọi vị trí trên xe, cứ bước lên xe là hành khách đều thắt dây an toàn như phản xạ tự nhiên.
152722-1.jpgDây an toàn tuy cấu tạo và nguyên lý đơn giản nhưng có công dụng rất quan trọng.
Theo thống kê tại Thụy Sĩ, từ khi Luật bắt buộc thắt dây an toàn được áp dụng, số trường hợp thương vong nặng trong các vụ tai nạn đã giảm xuống chỉ còn 1/3. Tại Nhật Bản, dây an toàn đã cứu 75 trong số 100 người lái thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi xảy ra va chạm mạnh, còn khi xe lật đổ thì tỷ lệ lên tới 91/100. Thế nhưng tại Việt Nam, ý thức sử dụng dây an toàn để bảo vệ bản thân của người lái xe cũng như hành khách vẫn chưa cao, đa số đều cho rằng thắt dây chỉ làm vướng víu, bất tiện.
Trên thực tế, tốc độ lái xe ở Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn khá thấp khiến người sử dụng xe không ý thức được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn, dẫn tới quên mất phản xạ cài dây mỗi khi lên xe dù di chuyển trên đường trường hay cao tốc. Hậu quả là khi xe phanh gấp, gặp va chạm hay tai nạn, kể cả người phía trước lẫn người ngồi sau gặp phải cú va chạm mạnh trực diện sẽ khiến cả cơ thể lao về phía trước, va đập mạnh dẫn đến chấn thương nặng và có thể cướp đi sinh mạng.
Các chuyên gia đã tính toán rằng khi xe đang chạy với vận tốc 60 km/giờ, lúc phanh gấp theo lực quán tính thì người ngồi sẽ bị ném về phía trước với tốc độ tương đương. Còn nếu xe chạy 70 km/giờ thì lực va đập mà người có trọng lượng khoảng 70 kg phải chịu lên đến 3 tấn, còn ở tốc độ 80 km/giờ sẽ là 9 tấn. Xe chạy với vận tốc càng lớn thì lực càng được nhân lên nhiều lần.
Thử nghiệm va chạm khi người lái lẫn hành khách không thắt dây an toàn
Với lực va chạm mạnh như vậy, khả năng sống sót của nạn nhân rất thấp, đặc biệt đối với những người ngồi ở hàng ghế đầu tiên. Trái ngược với cấu tạo có phần đơn giản, dây đai an toàn chính là vật hộ mệnh cho cả người lái lẫn hành khách trong những trường hợp trên. Nguyên lý hoạt động tuy không có gì phức tạp, nhưng để phát huy hiệu quả tối đa thì dây an toàn cần phải cài đúng cách.
Để đeo dây đai an toàn đúng chuẩn, có thể thực hiện theo những bước dưới đây:
Bước 1: Ngồi đúng vị trí, giữ lưng trong tư thế thẳng và dựa chắc vào ghế. Dù ngồi ở bất cứ ghế nào cũng cần thắt dây an toàn theo 3 điểm cố định. Nắm chặt và kéo phần chốt, tra vào phần khóa cho đến khi nghe tiếng “tách”, lưu ý không để dây đai bị xoắn.
Các bước thắt dây an toàn trên xe hơi
Bước 2: Điều chỉnh đai trên. Chỉnh phần dây đai qua vai và thân người, nằm gọn trên xương đòn và giữa ngực, không để dây ép lên cổ và mặt, không để dây đai sau lưng hoặc dưới cánh tay. Chú ý độ dài của dây đai, dây bị lỏng sẽ khiến cơ thể di chuyển khi xảy ra va chạm
Bước 3: Điều chỉnh đai dưới. Kéo dây đai phía dưới xuống ngang hông, qua phần bụng dưới và xương chậu, không đưa dây lên cao ở vị trí dạ dày. Đối với phụ nữ mang thai, dây đai phải đeo xuống phía dưới thấp hơn, không thắt ngang hoặc để trên bụng.
Lưu ý khi thắt dây an toàn cho phụ nữ mang thai
Bước 4: Kiểm tra xem liệu đã điều chỉnh dây đai an toàn thắt chặt chưa, xem phần dây đai ngang vai, bụng có gây khó chịu không. Nếu dây đai quá ngắn, có thể mua thêm phụ kiện nối dài, ngoài ra còn có thể mua đệm bả vai để vai không bị đau khi thắt dây lâu. Cuối cùng, tốt nhất nên lái xe ở tư thế thẳng lưng, tránh để khoảng trống giữa vai và ghế.