Tham dự có đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy. Đồng chí Lang Văn Chiến - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong chủ trì thảo luận. Ảnh: Mỹ Nga


Tham dự còn có đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp; các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông và Vận tải, Thanh tra tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Ngân hàng Ngoại thương Vinh, Kho bạc Nhà nước tỉnh. 

Tại phiên thảo luận tổ 6, đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như chính sách nông nghiệp, lâm nghiệp, chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình trong nông nghiệp, tính bền vững của các địa phương sau khi về đích nông thôn mới…

Các đại biểu đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2018; các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; hoạt động của HĐND tỉnh và về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh...

Từ đó, ông Giáp đề nghị có cơ chế phù hợp, đặc biệt là những chính sách giao đất rừng cho người dân, để người dân tiếp tục gắn bó, bảo vệ rừng.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong phản ánh, hầu hết các doanh nghiệp được thu hút đầu tư tại các huyện miền núi cao chỉ đang tập trung vào việc xây dựng thủy điện, mà chưa thật sự quan tâm đến phát triển giá trị nông nghiệp.
“Nếu có, cũng chỉ đang cầm chừng, chưa duy trì với định hướng bền vững”, ông Giáp nói và đề nghị tỉnh có cơ chế đặc thù, tạo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm gắn kết người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình phát triển của các huyện miền núi.
Đại biểu Lê Văn Giáp.

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong còn đề cập đến hệ lụy lớn từ việc xây dựng các nhà máy thủy điện như người dân mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Mặc dù đã xây dựng các khu tái định cư, song lãnh đạo huyện này nhận định, trong tương lai gần, các vùng tái định cư này sẽ gặp nhiều khó khăn như hạ tầng cơ sở xuống cấp; tiền hỗ trợ sẽ không đủ duy trì khi số lượng nhân khẩu ngày càng tăng.

Cũng liên quan đến vấn đề giao đất rừng cho người dân, đại biểu Nguyễn Đình Minh - thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh phản ánh những kiến nghị của cử trị tại Quỳ Châu. Ông cho biết, đến nay, rất nhiều hộ dân chưa được hưởng những hỗ trợ theo Nghị định 163 của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho người dân hay Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo bền vững. Đại biểu đề nghị sớm đưa ra giải pháp, giúp người dân miền núi có thể sống được bằng nghề rừng.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Ngô Đức Thuận kiến nghị đầu tư điện cho những vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Mỹ Nga
Đề cập đến tình trạng khai thác khoáng sản tại địa phương, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND Quỳ Hợp cho biết, mặc dù khai thác khoáng sản mang lại nguồn thu cao nhưng tạo ra những hậu quả về môi trường, giao thông, an ninh trật tự.
Ông Tùng nêu rõ, theo quy định tại Điều 5, Luật Khoáng sản, nguồn thu từ khai thác, chế biến khoáng sản có trích lại cho địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản để khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng trong dự toán kinh phí của tỉnh thì chưa có. Ông đề nghị, trong dự toán chi ngân sách năm 2019, tỉnh cần bố trí kinh phí cho các địa phương theo đúng quy định.
Ngoài ra, các đại biểu tại phiên thảo luận còn đề cập những vấn đề như: cần lộ trình cụ thể khi cấp con, cây giống cho người dân, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng với từng địa phương; khám chữa bệnh thông tuyến tại Bệnh viện đa khoa Tây Bắc; giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại miền Tây Nghệ An…
Kết luận phiên thảo luận, ông Lang Văn Chiến - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, tổng hợp đầy đủ để phản ánh trong phiên làm việc tiếp theo của HĐND tỉnh.