Nội dung công điện nêu rõ:  Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 07 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 390km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh.
 Dự báo các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bìnhcó mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).
loi_nuoc8674832_1872018.jpgMưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường ở thành phố Vinh sáng 17/7/2018. Ảnh tư liệu
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND-Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Giám đốc các công ty thủy lợi, Giám đốc các công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/7/2018; số 12/CĐ-TW ngày 17/7/2018 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT; Công điện số 05 ngày 16/7/2018; 06 ngày 17/7/2018 của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

2.  Đài khí tượng Thủy Văn khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão, mưa lũ; Thông tin kịp thời cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các địa phương, đơn vị để chỉ đạo, triển khai đối phó với bão và mưa lũ.

3. Tiếp tục kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, hướng dẫn việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn tại nơi tránh trú, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão.

4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, quyết định việc sơ tán dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ ngập sâu; các khu nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất... theo các kịch bản được duyệt.

5. Huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, công sở, cây xanh, biển hiệu. Đặc biệt đảm bảo an toàn các công trình xây dựng có sử dụng cần cẩu tháp, các cột ăng ten....

6. Kiểm tra, sẵn sàng vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu, phối hợp chặt chẽ với các công ty Thủy lợi để vận hành tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị, khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp.

7. Chỉ đạo các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông, hạ du nhà máy thủy điện chủ động thu hoạch hoặc có biện pháp di chuyển để tránh thiệt hại.

Các hộ kinh doanh ở Cửa Hội, thị xã Cửa Lò chằng chéo ki ốt trước giờ bão số 3 đổ bộ. Ảnh tư liệu
8. Rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn, phân luồng giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo ao toàn.

9. Chuẩn bị công tác hậu cần như: Lương thực, thuốc men, y tế,… để sẵn sàng làm tốt công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả.

10. Các lực lượng vũ trang (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh) theo chức năng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện để ứng cứu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

11. Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, Báo Nghệ An, Đài thông tin duyên hải Bến Thủy và các phương tiện thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng; cập nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, chỉ đạo của các cơ quan ở trung ương và địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

12. Các sở ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại đối với người, phương tiện, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý; phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

13. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ từ tỉnh đến cơ sở để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.