(Baonghean) - Phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI đã có 16 đại biểu HĐND tỉnh tham gia phát biểu, với hơn 50 vấn đề. Trong đó, các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; thực hiện chế độ cho đối tượng chính sách được các đại biểu tập trung thảo luận với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm.
 
 
Khắc phục bất cập chính sách hỗ trợ nông nghiệp
 
Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình, làm rõ 10 vấn đề liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm tại phiên thảo luận tổ và đông đảo cử tri phản ánh thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Đại biểu Hồ Ngọc Sỹ thừa nhận: “Theo đại biểu HĐND tỉnh và cử tri phản ánh về cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp hiện nay đang bất cập, thủ tục còn rườm rà là rất đúng và chính xác”. Đại biểu Hồ Ngọc Sỹ lý giải: Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nhưng qua 2 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập cần khắc phục. Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND, ngày 16/7/2014 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 125 của HĐND tỉnh có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015; khi nghị quyết được triển khai, sẽ khắc phục được những bất cập đang đặt ra. 
 
 
Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Doãn Quý (Đô Lương), nêu: Giống lúa, giống ngô kém chất lượng, nếu khi đưa về phát hiện liền thì có thể trả lại, nhưng khi gieo trồng rồi thì vừa mất chi phí vật tư, mất công lao động, đặc biệt là chậm thời vụ do phải làm lại. Các cơ quan chức năng cần siết chặt, tăng cường quản lý việc cung ứng giống cho nông dân, bảo đảm chất lượng. Hiện nay, nông dân đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thị trường đầu ra cho các sản phẩm như bí xanh, cà chua... 
 
Đại biểu Lê Văn Trí (Anh Sơn), băn khoăn một số công trình duy tu, sửa chữa nhỏ (nạo vét kênh mương, lắp đặt các cống tiêu thoát nước) từ nguồn cấp bù thủy lợi phí phải qua các ngành, các cấp tỉnh thẩm định và duyệt là không cần thiết. Đề nghị tỉnh phân cấp cho huyện để dễ thực hiện. Đồng thời kiến nghị: Tiêu chí để xác định và được cấp chứng chỉ trang trại mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra là phải có thu nhập 1 tỷ đồng trở lên, gây bất cập đối với các trang trại khu vực miền núi. Khi không có chứng chỉ trang trại thì không được vay vốn, làm hạn chế phát triển kinh tế trang trại ở miền núi, mà đáng lẽ ra đây là khu vực cần được ưu tiên. Thiết nghĩ, tỉnh nên có chính sách phù hợp cho miền núi, tạo điều kiện cho các trang trại được vay vốn, mở rộng sản xuất.
 
images1100480_02_ba_an_phong.jpgĐại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) băn khoăn về chỉ tiêu xây dựng xã chuẩn nông thôn mới
 
Băn khoăn chỉ tiêu khó...
 
Băn khoăn về chỉ tiêu năm 2015, các đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc); Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Thanh Chương) cho rằng: Chỉ tiêu có 67 xã đạt nông thôn mới trong năm 2015 là rất khó. Theo các đại biểu, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai từ năm 2011, sau 3 năm phấn đấu quyết liệt, toàn tỉnh mới chỉ có 20 xã được công nhận; đây là các xã đều có điều kiện kinh tế, hạ tầng kỹ thuật tốt và cơ bản đã có nhiều tiêu chí đạt trước khi triển khai chương trình. 
 
Liên quan đến các chỉ tiêu đề ra năm 2015, đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà (Thành phố Vinh) cho rằng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra đến cuối nhiệm kỳ có 65% trường đạt chuẩn quốc gia, trong khi đó hiện nay mới chỉ đạt gần 55%. Như vậy, để đạt mốc 65% số trường đạt chuẩn trong năm 2015  (thêm 124 trường học) là một “bài toán khó”, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các trường học và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Điều hành phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng: Mặc dù thành tích của ngành Giáo dục – Đào tạo Nghệ An đứng tốp đầu của cả nước, nhưng việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một chỉ tiêu rất quan trọng phải tập trung để thực hiện trong năm tới.
 
Trách nhiệm trong thực hiện chính sách
 
Vấn đề được khá nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đó là việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ và chính sách nhà ở cho người có công; vấn đề giải quyết chế độ cho người có công, TNXP còn chậm. Liên quan đến các vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bằng Toàn (Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã giải trình, làm rõ từng vấn đề. Theo đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167 được ban hành năm 2008. Thời điểm đó, qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 28.000 hộ được thụ hưởng chính sách này và đến năm 2013, tỉnh ta đã hoàn thành chỉ tiêu này. Những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ phát sinh từ 2011 chưa được bổ sung và hiện tại tỉnh đang chờ chính sách từ Trung ương. Riêng chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công phụ thuộc phần lớn vào nguồn ngân sách từ Trung ương, nguồn từ tỉnh chỉ mang tính hỗ trợ, vì vậy mong muốn được cử tri chia sẻ...
 
Đại biểu Nguyễn Bằng Toàn cho biết: Hiện nay, qua rà soát đang có 3.300 hồ sơ chất độc da cam chưa được giải quyết chế độ. Lý do chậm là bởi việc xác định các loại bệnh; xác định hồ sơ thật và hồ sơ giả gặp nhiều khó khăn. Do đó, phải thật thận trọng để đảm bảo chính xác, công bằng và đúng đối tượng. Đại biểu Nguyễn Bằng Toàn thẳng thắn: “Là ngành phục vụ, trước đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, chúng tôi xin nhận trách nhiệm giải quyết các vấn đề đó và mong muốn cử tri chia sẻ”.
 
Nhiều vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận như việc hoàn trả tiền đầu tư hạ tầng lưới điện nông thôn ban đầu cho người dân; giải pháp hữu hiệu trong thu hút đầu tư; việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân cần có cơ chế ràng buộc, đảm bảo nông dân sẽ được hưởng thụ gián tiếp về chính sách này. Ngoài ra, các vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, miền; giáo viên dôi dư, thừa - thiếu cục bộ; công tác cải cách hành chính, trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ cơ sở..., được nhiều đại biểu đề cập.
 
Mai Hoa