Là công trình trọng điểm của tỉnh, Dự án Đường ven biển giai đoạn 2 nối Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) dài hơn 64 km, theo dự kiến  sẽ thông tuyến kỹ thuật sau 2 năm thi công. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, rất cần được các địa phương tháo gỡ, kịp bàn giao mặt bằng để thi công đúng tiến độ.

NHỮNG VƯỚNG MẮC

Xã Quỳnh Bảng là 1 trong 9 xã của huyện Quỳnh Lưu thuộc diện ảnh hưởng nhiều nhất của Dự án Đường ven biển. Toàn xã có 452 hộ dân gần 700 thửa đất đi qua gần 3,2 km của dự án. Mặc dù xã sớm vào cuộc nhưng đến nay việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vẫn gặp nhiều khó khăn.

bna_quynhbang4617185_2052022.jpgThi công Dự án Đường Ven biển đoạn qua xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Lê

Ông Hồ Đình Vịnh - Xóm trưởng xóm Tân Giang, xã Quỳnh Bảng cho biết: Xóm có 101 hộ ảnh hưởng Dự án Đường ven biển, có 2 hộ tái định cư. Khi có chủ trương triển khai dự án, người dân đồng thuận.

Tuy nhiên, việc đền bù, GPMB chậm tiến độ do một số hộ trước đây khi tách bìa đất nhưng chưa tách khẩu, một số hộ đi làm ăn xa chưa ký hồ sơ xác nhận được, một số ít đang còn tranh chấp giữa anh em với nhau. Bên cạnh đó, việc chi trả tiền bồi thường cho người dân còn chậm. Để đẩy nhanh công tác GPMB cần áp giá và trả cho dân kịp thời...

Sau thời gian vào cuộc quyết liệt, đến thời điểm hiện nay xã Quỳnh Bảng vẫn còn gần 100 thửa đất chưa được người dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến đường ven biển. Nguyên nhân chậm được địa phương lý giải là do vướng mắc từ việc xác định nguồn gốc đất, phát sinh nhân khẩu và mức giá chưa phù hợp với thực tế thị trường.

Cán bộ Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh trao đổi với ông Hồ Đình Vịnh - Xóm trưởng xóm Tân Giang, xã Quỳnh Bảng về công tác GPMB. Ảnh: Thanh Lê

Theo ông Vũ Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: Hiện xã có gần 70 hộ/452 hộ với gần 100 thửa/700 thửa đất đang còn vướng mắc. Trên thực tế, vướng mắc của các hộ ở địa phương rất khác nhau, đó là do tranh chấp, có hộ vướng mắc do đi làm ăn xa chưa ký được hồ sơ, có hộ trong quá trình áp giá liên quan đến nhân khẩu, có hộ liên quan đến công trình vật kiến trúc đang rà soát, kiểm đếm, số hộ diện tích đang còn sai đang đề nghị trích đo.

"Tất cả các vướng mắc đó chúng tôi phân loại và giải quyết cụ thể. Một mặt, địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để bà con nắm rõ, đồng thời xác nhận nguồn gốc đất, giải quyết các vấn đề vướng mắc, xác nhận nhân khẩu, hộ khẩu để đảm bảo quyền lợi cho bà con và sớm bàn giao mặt bằng cho dự án"- ông Dương khẳng định.

ĐẤY NHANH TIẾN ĐỘ GPMB

Dự án Đường ven biển đi qua 6 phường, xã của thị xã Hoàng Mai với chiều dài 9,42 km (trong đó, đất nông nghiệp 7,21 km; đất ở, đất vườn 1,17 km; đất lâm nghiệp 0,94 km và đất sản xuất, kinh doanh 0,1 km).

Để triển khai Dự án Đường ven biển, ngay từ đầu thị xã Hoàng Mai vào cuộc rất quyết liệt và triển khai đồng bộ, bài bản sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến thời điểm này, thị xã bàn giao gần 40% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án.

Vướng mắc về xâm canh của 2 xã Quỳnh Liên và Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Lê

Cánh đồng Me của xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai), nơi có hơn 70 thửa đất chưa được áp giá, gây khó khăn trong bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công tuyến đường ven biển.

Mặc dù nằm trong chỉ giới thuộc quyền quản lý hành chính của xã Quỳnh Liên, nhưng hàng chục năm nay việc canh tác ở đây phần lớn do người dân phường Quỳnh Xuân làm. Do không rõ ràng trong quản lý địa giới, nên đã nảy sinh một số bất cập liên quan đến kiểm kê, xác định nguồn gốc đất để áp giá đền bù cho người dân... 

Chị Nguyễn Thị Thi - người dân  phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) cho biết: Từ khi tôi đang nhỏ theo bố mẹ sang đây thì đã làm lúa, trồng ngô, trồng lạc ở đây. Mặc dù sau này chuyển đổi mấy lần, từ thửa đất trên kia chuyển xuống đây, hay từ bên kia sang bên này đều là người dân Quỳnh Xuân canh tác.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai - đồng chí Phạm Văn Hào cho biết: Trong quá trình thực hiện đối với địa bàn thị xã Hoàng Mai có một số vướng mắc liên quan đến việc sản xuất xâm canh của 2 xã Quỳnh Liên và Quỳnh Xuân.

Thi công cầu kênh Nhà Lê nối xã Quỳnh Lộc với phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Lê

Nội dung này thị xã đã chủ trì và làm việc với các bên liên quan. Quan điểm của thị xã trong vấn đề xâm canh đối với đất trên địa bàn địa giới hành chính của xã nào thì xã đó phải chủ trì và xã có công dân sản xuất xâm canh đó phải phối hợp để xác định các nội dung liên quan về nguồn gốc, quỹ đất được giao để tính tỷ lệ đất thu hồi.

Đến thời điểm này, vướng mắc về xâm canh của 2 xã Quỳnh Liên và Quỳnh Xuân đang được hoàn thiện hồ sơ áp giá chi trả tiền cho các hộ dân để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 - Km76 có tổng chiều dài tuyến là 64,47 km, trong đó, GPMB là 59,9 km (do có 4,56 km trùng đường D4 và QL46) đi qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Tổng số thửa đất ảnh hưởng: 4.963 thửa.

Theo dự kiến, tuyến đường này sẽ thông tuyến kỹ thuật sau 2 năm thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và công tác giải ngân vốn đầu tư, trong khi đó, các mũi thi công đã được tiến hành từ tháng 2/2022.

Theo số liệu của chủ đầu tư, đến thời điểm hiện nay, công tác GPMB Dự án Đường ven biển mới thực hiện được hơn 40% khối lượng. Đặc biệt, một số huyện, thị xã còn rất chậm trong trích đo, kiểm kê, áp giá, phê duyệt để chi trả tiền đền bù đối với diện tích đất nông nghiệp, trong đó, có đất chồng lấn, xâm canh để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ của Dự án Đường ven biển, bên cạnh các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ bàn giao nhanh mặt bằng sạch cho chủ đầu tư rất cần được các đơn vị thi công thực hiện đúng cam kết tiến độ thi công. Ảnh: Thanh Lê

Phó trưởng Ban Quản lý Dự án công trình giao thông tỉnh - ông Hoàng Quốc Khánh cho biết: Nếu công tác GPMB đất nông nghiệp, đất ở chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công và tiến độ giải ngân của dự án. 

Liên quan đến vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho tỉnh có phương án chỉ đạo các huyện, thị xã huy động hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ nhất để làm sao người dân hiểu và có sự đồng thuận cao cho mục đích ý nghĩa của việc xây dựng tuyến đường cũng như nguồn vốn của Trung ương và địa phương đã bố trí cho dự án này, làm sao có sự đồng thuận cao nhất sớm bàn giao mặt bằng để dự án hoàn thành đúng tiến độ được giao.