Nằm trong thung lũng trên một đỉnh núi cao 1.485 mét thuộc dãy Trường Sơn, gần biên giới với Lào, mùa nào trong năm, khí hậu ở Mường Lống cũng mát.
Loay hoay chuẩn bị sọt, sào hái mận, ông Hờ Chồng Pó ở bản Mường Lống 2 vừa thủng thẳng cho hay: “Mùa này, sáng nắng chang chang, nhưng chiều và tối mưa đến lúc mô không biết. Vì rứa nên cứ phải tranh thủ hái nhanh”.
Từ cuối tháng 4, mận chín, thời vụ chỉ kéo dài đến giữa tháng 6 là hết. Trong từng vườn mận, nếu mưa nhiều, mùa chỉ dài khoảng 20 ngày, nắng mới kéo được khoảng 1 tháng. Bởi vậy, thu hoạch phải nhanh, bán cũng phải nhanh.
Năm 1994, cây mận Tam Hoa được đưa về trồng thay thế, xóa cây thuốc phiện trên đất Mường Lống (Kỳ Sơn). Theo ông Lầu Bá Chò - Phó Chủ tịch UBND xã, thì đất Mường Lống rất hợp với mận và đào, những gốc mận cứ vậy sinh sôi, phát triển, đơm hoa cho quả hoàn toàn nhờ dưỡng chất tự nhiên từ trời đất. Chỉ vài năm lại nay, một số ít vườn trồng tập trung mới bắt đầu chăm sóc, bón phân, nhưng tuyệt nhiên không hề sử dụng thuốc trừ sâu.
Cũng từ cây đào, cây mận, tư duy làm kinh tế của bà con người Mông ở Mường Lống cũng dần hình thành, thay đổi. Mùa hoa mận nở vào dịp trước và trong Tết, kéo dài khoảng nửa tháng là bắt đầu tàn và đơm quả. Cây già có hoa trước, cây non có hoa sau, vài năm gần đây bắt đầu lác đác các đoàn khách du lịchđến chụp ảnh. “Nếu có khách, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp, phục vụ để có thể tăng thêm thu nhập”, chị Hừ Y Kia chia sẻ.
Mở hướng tiêu thụ ổn định
Là sản phẩm đặc sản vùng cao và đặc biệt là hoàn toàn sạch, theo đánh giá chung, mận Mường Lống có chất lượng không hề thua kém quả mận được trồng ở những vùng đất khác, thậm chí còn cảm nhận ngọt giòn hơn, sau thu hái có thể để tươi ở nhiệt độ thường được 6- 7 ngày, thế nhưng, vẫn chưa có đầu ra ổn định, tiêu thụ kém; đặc biệt từ 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu như không có người mua, mận rụng bỏ nhiều.
Theo ông Lầu Bá Chò, thì thương lái vào tận nơi đặt mua cả vườn, nhưng những vườn trồng rải rác thì rất khó bán, rất ít năm Mường Lống tiêu thụ được 60- 70% sản lượng, hầu hết chỉ bán được chưa đầy một nửa.
“Mùa mận chín rộ tập trung trong thời gian ngắn, khi quả đã chín đỏ chỉ để được trên cây 3- 4 ngày nên đòi hỏi phải thu hoạch, tiêu thụ nhanh và gọn. Xã đã tìm mọi cách để tìm thị trường như quảng bá trên mạng xã hội, thu hút khách du lịch, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ mận, nhưng cũng chỉ bán được 30- 40% sản lượng”, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.
Toàn xã Mường Lống hiện có 23 ha mận, trong đó, có 5 vườn trồng tập trung, còn lại rải rác trong vườn các hộ dân. Những năm được mùa, sản lượng lên tới gần 100 tấn. Thường đầu mùa, quả đẹp được bán với giá 15.000 đồng/kg, sau đó vào mùa rộ, giá giảm dần.
Cùng những lý do khách quan về thời vụ, giao thông đi lại, thậm chí ngay cả người dân nơi đây hầu hết vẫn chưa có tư duy làm kinh tế từ cây mận. Trừ một số hộ trồng tập trung, coi mận là hàng hóa, còn lại vẫn còn coi đó là “lộc trời”, chưa quan tâm chăm sóc, thu hoạch, hầu hết chỉ thu hái tự nhiên, hầu như chưa có đóng gói, tem nhãn mác. Theo đại diện lãnh đạo xã, nếu được hỗ trợ về thương hiệu, quảng bá sản phẩm, có thị trường, có đầu ra ổn định, Mường Lống có thể mở rộng trên 100 ha, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Xã cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn bà con bón phân, chăm sóc, nâng cao năng suất cũng như chất lượng mận Tam Hoa.
Mận là loại cây có thể giúp người dân vùng núi cao huyện Kỳ Sơn thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Thò Bá Rê chia sẻ: "Khó khăn nhất vẫn là đầu ra sản phẩm. Xác định đây là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, chúng tôi đã chỉ đạo phối hợp tìm hướng tiêu thụ ổn địnhcho người dân và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, khả quan.
Ông Tạ Quang Sáng - Phó Giám đốc Ban Quản lý diễn đàn thị trường nông nghiệp tỉnh cho hay: Với mục tiêu liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã hỗ trợ huyện Kỳ Sơn xây dựng thương hiệu, nhãn mác, có giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.