(Baonghean) - HĐND tỉnh đã giao cho UBND tỉnh ra Quyết định thành lập "Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã", theo thẩm quyền quy định. Tới đây, với việc thành lập quỹ này sẽ giải được bài toán khó khăn nguồn vốn từ bấy lâu nay trong hoạt động của các hợp tác xã (HTX).

image_6940705.jpgNhiều HTX dịch vụ nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh dịch vụ máy nông nghiệp có hiệu quả. Ảnh: Hữu Nghĩa

Hợp tác xã Nghi Liên (xã Nghi Liên, TP. Vinh), đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Đến thời điểm này, nguồn vốn lưu động của HTX mới đạt 250 - 300 triệu đồng, trong khi đơn vị cần từ 1 – 2 tỷ đồng vốn lưu động mới đáp ứng được nhu cầu để phát triển. Ông Nguyễn Đăng Tuấn - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Liên cho biết: “Về điện năng, hiện nay nhu cầu sử dụng điện của nhân dân liên tục tăng làm cho một số trạm biến áp quá tải, điện yếu nguồn ở một số xóm xa trạm vào các giờ cao điểm, do vậy rất cần nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, cải tạo.

Riêng về thủy lợi, tình trạng kênh mương do xây dựng đã quá lâu nên kém chất lượng, đặc biệt là kênh N2 và N4, các tuyến kênh rẽ về các xóm bị rò rỉ và xuống cấp nghiêm trọng, khi đổ nước về thường xuyên gây ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó thì nhu cầu phục vụ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, điện, quản lý chợ đòi hỏi ngày càng cao nhưng hợp tác xã cũng chưa có điều kiện mở kho lớn. Nhìn thấy rõ được các khó khăn trên nhưng do thiếu nguồn vốn nên HTX vẫn chưa thể giải quyết được”. 

HTX dịch vụ nông nghiệp và môi trường thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên) hoạt động trên các lĩnh vực: dịch vụ thủy nông, dịch vụ vật tư nông nghiệp và bảo vệ thực vật, dịch vụ thu gom và xử lý rác thải cùng một số dịch vụ khác như khuyến nông, cây xanh đô thị, dịch vụ mạ khay - mạ cấy,… Mặc dù đa dạng các loại hình hoạt động, nhưng tài sản và vốn của HTX không được đầu tư bổ sung nên hiệu quả còn hạn chế. HTX có đất làm trụ sở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do vậy, khó khăn cho HTX trong tổ chức quản lý, điều hành, thực hiện giao dịch, đồng thời làm cho hợp tác xã không có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Khi vay vốn, giám đốc hoặc cán bộ HTX phải dùng tài sản riêng của gia đình thế chấp tiền vay. Không những vậy, mọi nguồn thu của HTX dịch vụ nông nghiệp và môi trường thị trấn Hưng Nguyên đều thu vào quyết toán 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, thực tế hoạt động cần nguồn vốn chi trả thường xuyên. Đây là một mâu thuẫn lớn trong hoạt động phát triển kinh tế của HTX. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương chuyển giao dịch vụ điện cho điện lực quản lý, nên hợp tác xã mất đi một nguồn thu đáng kể.

Ông Nguyễn Quốc Huệ - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và môi trường thị trấn Hưng Nguyên cho hay: “Kế hoạch thời gian tới HTX sẽ xây dựng hệ thống ki-ốt bám mặt đường 558 vừa cho thuê, vừa kinh doanh và làm đại lý cấp 1 cho Công ty hóa chất Vinh. Muốn thế phải có 30% vốn đối ứng, tức khoảng 450 triệu đồng, và sẽ phải vay. Như vậy, vừa để đảm bảo hoạt động các dịch vụ khác vừa mở rộng kinh doanh, HTX rất cần nguồn vốn vay để hỗ trợ”. 

Đến 31/12/2015, Nghệ An có 644 HTX, trong đó có 460 HTX dịch vụ nông nghiệp, 127 HTX dịch vụ phi nông nghiệp, 57 quỹ tín dụng nhân dân với hơn 265.362 thành viên, lao động thường xuyên 52.162 người. Tổng số HTX đạt 2.906 đơn vị, thành viên làm việc trong tổ hợp tác là 34.236 thành viên. Mặc dù thành viên HTX, tổ hợp tác chiếm tỷ lệ cao so với dân cư trên địa bàn, nhất là vùng nông thôn và khu vực nông nghiệp nhưng, do thiếu vốn nên hầu hết các HTX vẫn chưa phát huy cao nhất vai trò và hiệu quả hoạt động.

Trăn trở về những khó khăn của HTX hiện nay, ông Lê Phúc Ân – Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An cho rằng, trong quá trình chuyển đổi mô hình theo Luật Hợp tác xã năm 2012, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của HTX trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu; vị trí, vai trò của HTX trong nền kinh tế có chiều hướng giảm. Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do các HTX thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Các HTX được vay vốn chủ yếu để trang trải nhu cầu vốn ngắn hạn, chưa tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại chỉ căn cứ vào lợi nhuận thu được để đánh giá hiệu quả tài chính khi xem xét cho vay; trong khi đó, bản chất và giá trị HTX mang lại là cả kinh tế, chính trị và xã hội. 

Nhờ kinh doanh đa ngành nghề, linh hoạt trong huy động nguồn vốn nền HTX dịch vụ sông Lam vươn ra thi công các công trình lớn. Ảnh: Hữu Nghĩa

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn và tạo điều kiện, cơ hội cho các thành viên HTX ở các lĩnh vực được mở rộng, phát triển kinh doanh, đổi mới trang thiết bị, HĐND tỉnh đã xây dựng dự thảo Nghị quyết phê duyệt Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và theo thẩm quyền, HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh ra quyết định thành lập quỹ theo đúng quy định. Khi có quyết định thành lập, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ thống nhất việc cân đối bố trí ngân sách tỉnh trong dự toán phù hợp với khả năng của ngân sách tỉnh hàng năm để bổ sung tài chính cho quỹ. 

Qua điều tra, thống kê trên địa bàn tỉnh cho thấy chỉ có 21 hợp tác xã (3,26%) được vay vốn ưu đãi, có 22 hợp tác xã (3,41%) vay vốn ngân hàng thương mại (không tính quỹ tín dụng nhân dân) và dư nợ tại các ngân hàng chỉ vào khoảng 0,3 - 0,5% tổng dư nợ hàng năm.

Đề án này đã từng được trình HĐND tỉnh khóa XVI tại kỳ họp thứ 11 nhưng chưa được thông qua, lý do vướng vào Nghị định 108/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế, trong khi thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thì cần tuyển thêm nhân sự, bộ máy. Đến nay, đề án đã khắc phục được vấn đề này, bộ máy do cán bộ liên minh hợp tác xã kiêm nhiệm. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với rất nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, bởi  tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho HTX sẽ đồng thời mở ra hướng đi trong mở rộng, phát triển kinh doanh và tạo việc làm ổn định, nâng cao mức thu nhập cho thành viên, người lao động. 

Qua tìm hiểu thực tế, không chỉ ở các HTX có quy mô nhỏ mà tại các HTX  kinh doanh đa loại hình dịch vụ và có nguồn thu lớn cũng mong muốn sự ra đời của quỹ. Nổi bật như Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Sông Lam là một trong những hợp tác xã phát triển mạnh trên địa bàn với doanh thu đạt 37,95 tỷ đồng/năm (số liệu năm 2015).

Đóng gói sản phẩm nước mắm Ngư Hải truyền thống tại HTX sông Lam. Ảnh Hữu Nghĩa

Tuy nhiên, việc có thêm nguồn vốn hỗ trợ thì vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất định để HTX mở rộng hoạt động kinh doanh, bởi chủ trương của đơn vị là bên cạnh những nghề truyền thống như sản xuất nước mắm, sửa chữa tàu thuyền, cấp đá lạnh, cung ứng xăng dầu, khai thác cá biển, liên kết xuất khẩu lao động,… hợp tác xã còn mở rộng một số nghề mới như cơ khí sửa chữa ga ra ô tô, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi... Ông Lê Thanh Ty – Tổng Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Sông Lam cho rằng: “Sự ra đời của qũy là rất cần thiết, giúp HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước, từ đó đổi mới trang thiết bị sản xuất hàng hóa, mở rộng kinh doanh, giúp HTX hòa nhập tốt hơn với cơ chế thị trường”. 

Nắm bắt nguyện vọng của các HTX, hầu hết đều mong muốn quỹ ra đời sẽ cho vay vốn tín chấp, có thời hạn cho vay hợp lý để HTX có điều kiện quay vòng vốn và trả nợ. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An, ông Lê Phúc Ân cho biết: “Quy mô nguồn vốn điều lệ của quỹ là 30 tỷ đồng, năm 2016 ngân sách cấp khoảng 3,5 tỷ đồng, năm 2017 là 15,5 tỷ đồng, số còn lại sẽ cấp đủ vào năm 2018. Thời hạn cho vay phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực hoạt động kinh doanh của các HTX và khả năng trả nợ. Quỹ ra đời sẽ hứa hẹn tạo nên đòn bẩy để phát triển kinh tế của các HTX, ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là trong thực tế toàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới với việc ra đời, hoạt động của các HTX”. 

Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Trong thẩm quyền của HĐND tỉnh, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh ra quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Nguồn quỹ này hàng năm căn cứ vào tổng nguồn dự toán ngân sách và nhu cầu thực tế, HĐND tỉnh sẽ thông qua quy mô của quỹ. 

Theo thống kê, ngoài Qũy Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Trung ương, tính đến 31/12/2015 đã có 43 tỉnh, thành phố thành lập Qũy Hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoặc đã được tỉnh bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN