(Baonghean.vn) – Đây là vấn đề mà đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy và một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các sở ngành, các trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục - đào tạo của Nghệ An được nâng lên toàn diện. Hiện nay, cấp học mầm non có 533 trường, cấp tiểu học có 543 trường, cấp trung học cơ sở có 409 trường, cấp trung học phổ thông có 89 trường, giáo dục thường xuyên có 21 trung tâm. Về giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp.
Đến năm học 2015 -2016, Nghệ An có 956 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 62,93%, trong đó có 131 trường mức độ 2; công tác phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề có tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ học sinh 12 đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm tỷ lệ 41,09%.
Từ năm học 2011 -2012 đến năm học 2015 -2016, Nghệ An có 498 học sinh giỏi quốc gia, có 9 học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế và châu Á.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, muốn giáo dục đào tạo phát triển được phải có điểm sáng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để luân chuyển giáo viên nhằm xây dựng bộ khung của trường cho chất lượng, lựa chọn người quản lý tốt. Do đó phải có mô hình cụ thể để dần thay đổi và có sức lan tỏa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, cần phải có cơ chế để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học như kiểm định chất lượng, nâng cao tính tự chủ gắn liền với trách nhiệm của các trường trong đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, kiên quyết nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, trước hết là bằng các giải pháp hành chính. Hiện nay, Nghệ An quyết tâm chỉ đạo để thực hiện vấn đề này, xác định vấn đề quan trọng nhất là chất lượng đầu ra của học sinh.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Nghệ An hứa tập trung mọi giải pháp nhưng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo, hướng dẫn về cách làm cụ thể để ngành giáo giáo dục có hiệu quả hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đường cho biết, Nghệ An tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục theo hướng rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường lớp sát thực với tình hình địa phương; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục mầm non; tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; đồng thời tăng cường dạy học ngoại ngữ; chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo kết hợp với các địa chỉ đào tạo; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho định hướng rõ về thực hiện mô hình trường học mới (VNEN); nhanh chóng triển khai các chương trình, đề án nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; đồng thời Bộ cũng quan tâm để giúp xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm về giáo dục – đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả mà ngành giáo dục Nghệ An đạt được, mặc dù điều kiện còn khó khăn, đặc biệt lãnh đạo tỉnh đã hết sức quan tâm đến công tác này.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, định hướng chung là ổn định để nâng cao chất lượng các bậc học; chú trọng nề nếp, kỷ cương trong giáo dục, đặc biệt tăng cường về giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, thầy cô giáo phải gương mẫu.
Trong đó, bậc học mầm non và phổ thông đi theo hướng nề nếp, kỷ cương, mạnh dạn đổi mới theo thí điểm mô hình chứ không đổi mới đại trà. Đề cập đến vấn đề triển khai VNEN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đây là mô hình tốt nhưng khi áp dụng vào từng địa phương phải linh hoạt.
“Sắp tới, Bộ có hướng dẫn sẽ không yêu cầu áp dụng đại trà mô hình VNEN vào các trường. Sau 3 năm triển khai thí điểm có nhiều điểm sáng và nhiều cái hay thì khái quát lại, tổng kết lại và giới thiệu các địa phương tham khảo. Căn cứ vào điều kiện từng địa phương để áp dụng theo mức độ khác nhau”.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với nhóm đào tạo về nghề nghiệp cần chú trọng chất lượng, đào tạo phải gắn với thị trường lao động. Mặt khác, Bộ cũng sẽ nâng cao chất lượng của trung tâm giáo dục cộng đồng làm sao thuận lợi nhất cho mọi người đều có điều kiện tiếp cận với giáo dục.
Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết một số định hướng sắp tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về định hướng quản lý, phân cấp về quy chế và những nội dung trọng tâm thực hiện của ngành sắp tới như: Quy hoạch, đào tạo giáo viên, kiên cố hóa cơ sở vật chất, phân luồng giáo dục, đào tạo tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tự chủ đại học; hội nhập quốc tế. Qua đó, đề nghị tỉnh bám sát và thực hiện trong năm học tới.
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao quà lưu niệm.
Thành Duy - Chu Thanh