Phát triển Vinh thành đô thị biển

Với lợi thế về vị trí địa lý, có lịch sử phát triển lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, Vinh luôn được xác định là một đô thị trung tâm không những đối với tỉnh Nghệ An, mà cả khu vực Bắc Trung Bộ và có tầm quốc gia trên một số lĩnh vực.
Là đô thị trẻ có quy mô dân số trên 500.000 người, thành phố Vinh thể hiện tính năng động, hấp dẫn, có nhiều tiềm năng đang được khai mở để thực hiện vai trò đầu tàu.

Tầm nhìn và tương lai phát triển của thành phố Vinh đã được Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị xác định. Đó là “cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”, trở thành một trong những đô thị biển của Việt Nam; là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An; là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.

Vị trí như thế, tương lai như thế nên Vinh là đã và đang là mảnh đất tìm đến của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư bất động sản. Vinh hiện đã thu hút được nhiều dự án, của nhiều nhà đầu tư như Tập đoàn VNPT, BRG, TH, Ecopark, Euro Window, Công ty Vietravel, TECCO, Handico, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc…

phoi_canh_1555692_1542020.jpgPhối cảnh một đoạn đại lộ Vinh - Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu

Tuy nhiên, với quỹ đất mở mang rộng rãi, tiến về phía Đông và đầu tư hệ thống giao thông kết nối mới bằng các trục như đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường Vinh 72m Vinh - Hưng Tây, đặc biệt với sự kiện công bố quy hoạch phát triển hai bên đại lộ Vinh - Cửa Lò diễn ra năm 2019, TP Vinh đang cần dòng vốn đầu tư tạo lực đẩy mới nhằm phát triển xứng tầm hơn, hiện đại hơn sầm uất hơn, xứng với vị thế của TP Vinh đã được quy hoạch.

Mong “hút” những dự án “khủng”

Diễn ra vào ngày 8/9/2019, Hội nghị triển khai các nội dung Thông báo số 55 ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về phát triển TP Vinh là hội nghị huy động nguồn lực để phát triển thành phố Vinh, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng cho thành phố. Tại đây, thành phố Vinh mời gọi 27 dự án có quy mô, thu hút sự tham dự của nhiều “anh tài”.

Ông Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND thành phố Vinh, cho biết: Thành phố Vinh đề xuất 6 lĩnh vực cần xúc tiến kêu gọi vốn đầu tư lớn, 6 lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư từ vốn ngân sách, vốn kêu gọi đối tác hợp tác xã hội hóa, vốn đối tác công tư (PPP), vốn vay ODA… nhằm xây dựng một thành phố Vinh sầm uất và phát triển nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Có thể kể ra nhiều dự án đang thu hút như sau:

- Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố Vinh. Quy mô khoảng 30 tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng, nguồn vốn đối tác công tư (PPP).

- Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt trục thông nút giao giữa QL1A (Mai Hắc Đế - Nguyễn Trãi) và đường 72m. Quy mô: Cầu vượt bê tông cốt thép ứng lực trước; 4 làn xe cơ giới. Tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA.

- Dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông công cộng kết  nối Vinh - Quán Hành - Cửa Lò. 

Quy mô: Tuyến xe buýt nhanh BRT. Trục Hưng Nguyên - Vinh - Cửa Lò (đường Hưng Tây - Vinh - Cửa Lò) là tuyến kết nối ga đường sắt tốc độ cao (Hưng Nguyên) với Vinh và Cửa Lò dài 17,7 km; Nối các trọng điểm của đô thị trung tâm Vinh (sân bay, ga Vinh, chợ Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh, đường Lê Nin) dài 15,5 km. Tổng mức đầu tư dự kiến 3.200 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ODA. Dự kiến đầu tư giiai đoạn 2021 - 2030. 

Cải tạo sông Vinh - một dự án quan trọng của thành phố Vinh trong tương lai gần. Ảnh: Trân Châu

- Dự án Phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh. Các hạng mục đầu tư gồm cải tạo và xây dựng mới một số tuyến cống thuộc lưu vực thoát nước của mương Hồng Bàng (khoảng 6 km); Cải tạo và xây dựng mới một số tuyến cống thuộc lưu vực thoát nước của mương số 2, tổng chiều dài khoảng 8 km; Xây dựng mới một số tuyến cống thuộc lưu vực thoát nước của mương số 1 (khoảng 4 km); Cải tạo và xây dựng mới một số tuyến cống thuộc lưu vực thoát nước của Hào xung quanh thành cổ và hồ Cửa Nam (khoảng 4 km).

Dự án này cũng nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải Hưng Hòa; Xây dựng đường Lê Mao kéo dài đoạn sông Vinh - đường tránh Vinh; Cải tạo sông Vinh; xây dựng hồ điều hòa và trạm bơm tiêu cuối sông Rào Đừng. Tổng mức đầu tư dự kiến 160 triệu USD; nguồn vốn ODA.

- Dự án xây dựng hệ thống chiếu sáng cảnh quan, chiếu sáng nghệ thuật thành phố Vinh. Quy mô khoảng 15 tuyến với tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng (100% kêu gọi xã hội hóa (tài trợ kinh phí theo tuyến).

Về lĩnh vực du lịch, văn hóa cũng có nhiều dự án lớn:

- Dự án khu du lịch lâm viên núi Quyết. Diện tích:147,70 ha, trong đó: Diện tích khai thác sử dụng hiệu quả: 17 ha; Diện tích núi Quyết, lâm viên còn lại: 30,7 ha.

Núi Quyết sông Lam thành phố Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Theo quy hoạch chi tiết: Khu du lịch lâm viên núi Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô được phê duyệt là khu du lịch với hệ thống công trình văn hóa, lịch sử, vui chơi giải trí và dịch vụ thương mại của thành phố Vinh, gồm: Khu đón tiếp, tiểu công viên di tích chiến tranh; Khu dịch vụ giải trí;  Khu sinh thái cảnh quan thiên nhiên; Khu công viên văn hóa lịch sử; Khu quy hoạch công trình Phật giáo; Khôi phục di tích Hoàng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Tổng mức đầu tư dự kiến: 600 tỷ đồng với 100% vốn Nhà đầu tư.

- Dự án du lịch ven sông Lam: Diện tích khoảng 100 ha; bao gồm khu vực hai bên đường tránh Vinh từ đền thờ Ông Hoàng Mười đến hết rừng bần xã Hưng Hòa. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng với 100% vốn nhà đầu tư.

- Dự án Công viên thành cổ Vinh: Tổng mức đầu tư dự kiến: 1.000 tỷ đồng với 100% vốn nhà đầu tư.

- Dự án Công viên vui chơi giải trí hồ Điều hòa tại xã Hưng Lộc - Hưng Hòa: Các hạng mục thực hiện gồm: Khu vui chơi, thể dục thể thao, hoạt động giải trí gắn với mặt nước (chèo thuyền, bơi lội...); Công viên nước, các trò chơi cảm giác mạnh; Công trình thương mại dịch vụ hỗ trợ (nhà hàng, khách sạn...); Hồ điều hòa. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng với 100% vốn nhà đầu tư.

- Dự án Công viên  vui chơi  giải trí - Thể dục thể thao tại xã Hưng Hòa: Các hạng mục thực hiện gồm: Khu vui chơi, thể dục thể thao, hoạt động giải trí gắn với mặt nước (chèo thuyền, bơi lội...); Công viên vui chơi giải trí; Khu thương mại dịch vụ phụ trợ; Tổng mức đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng với 100% vốn Nhà đầu tư.

Ngoài ra còn nhiều dự án khu đô thị mới ở các xã ngoại thành ở Hưng Hòa, Nghi Đức, Nghi Ân, Dự án Xây dựng, kinh doanh và quản lý chợ Vinh, phường Hồng Sơn…

Thành phố Vinh hiện là đô thị trẻ có nguồn nhân lực chất lượng với nhiều trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn. Ảnh: Lâm Tùng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay nhiều dự án bất động sản và thương mại đang bị chững lại, thành phố vẫn đang tích cực đôn đốc thúc đẩy các dự án khác, đặc biệt là các dự án hạ tầng, cải tạo đô thị, nhằm tạo ra diện mạo mới, xứng tầm là trung tâm vùng trên 10 lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị./.