Hai người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời Thuận Yến cùng ôn lại kỷ niệm xưa qua những ca khúc gắn liền với tên tuổi cố nhạc sĩ.
Không mang màu sắc quá bi lụy hay sầu thảm, đêm nhạc Những bản tình ca cha viết tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội tối 8/11 giúp khán giả được nhìn lại những tinh tuý mà Thuận Yến để lại trong gia tài âm nhạc. Xen lẫn những nhạc phẩm đi cùng năm tháng, các mảnh ký ức về tình yêu, cuộc đời cố nhạc sĩ thông qua lời kể của các thành viên gia đình, đã phần nào khắc hoạ rõ nét hơn bức chân dung về người nghệ sĩ tài hoa.
Người có thể khắc hoạ chân dung Thuận Yến rõ nhất không ai khác ngoài vợ ông, NSƯT Thanh Hương. Nói về chồng, bà Thanh Hương luôn nhắc đến ông với giọng đầy tự hào. Bà gọi chuyện tình của vợ chồng mình là mối duyên trời định. Từ những ngày đầu mới bước vào Nhạc viện Hà Nội, cô gái 14-15 tuổi đã lôi cuốn sự chú ý của Thuận Yến. Ông cứ quấn lấy bà rồi tình yêu nảy nở lúc nào không hay. Có lần, Thanh Hương hỏi ông rằng sao đã già rồi vẫn cứ theo đuổi bà mãi. Nhạc sĩ đáp với giọng buồn bã: "Anh cũng yêu nhiều người rồi nhưng vẻ ngoài xấu quá không ai chịu". Đến lúc ấy, bà mới nhận ra rằng để tìm được người có tài năng lại chân thật như ông không phải điều dễ dàng.
Tình yêu vừa chớm nở cũng là lúc Thuận Yến phải ra trận. Không muốn xa người yêu dấu, bà Thanh Hương cũng bỏ dở công việc giảng dạy để theo ông. "Lý do tôi ra chiến trận những ngày đầu là vì tình yêu đôi lứa, còn tình yêu quê hương đất nước sau này mới dần hình thành", bà kể. Suốt những năm tháng là đồng đội, đồng chí, họ kề vai, sát cánh là điểm tựa tinh thần cho nhau. Năm 1968, đôi tình nhân chính thức trở thành vợ chồng giữa chiến trường mưa bom lửa đạn.
Ngày hoà bình trở về, vợ chồng nghệ sĩ Thuận Yến - Thanh Hương cùng nhau xây đắp tổ ấm. Vốn yêu thích thơ, bà Thanh Hương thường sưu tầm các sáng tác. Những bài thơ bà mang về nhà luôn trở thành nguồn cảm hứng cho các ca khúc của cố nhạc sĩ. Ngoài khơi gợi khả năng sáng tạo cho chồng, NSƯT Thanh Hương cũng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện các sáng tác của ông.
Những câu chuyện buồn, vui của cuộc sống đem lại sự gắn kết lớn cho hai tâm hồn nghệ sĩ. Có lẽ vì vậy, khi những vần thơ cùng tiếng đàn của NSƯT Thanh Hương cất lên, cảm xúc khán giả nhận được không phải nỗi sầu thương thảm thiết. Thay vào đó là sự gần gũi, thân quen, giống như một cuộc trò chuyện nào đó trước đây giữa hai vợ chồng bà, khi Thanh Hương ngâm nga những vần điệu tâm đắc cho Thuận Yến nghe.
Xuyên suốt chương trình, Thanh Lam cũng gần như không tỏ ra quá buồn. Tính cách mạnh mẽ cùng chất "lửa" trong phong cách nghệ thuật và niềm tin vào triết lý sinh-tử của nhà Phật là nền tảng để chị vững vàng khi hát lại những bản tình ca người cha quá cố để lại. Mọi cung bậc cảm xúc từ hào hùng trong các ca khúc thời chiến đến da diết, cháy bỏng ở thể loại nhạc nhẹ đều được thể hiện trọn vẹn. Những màn ngân nga ngẫu hứng, hát lặp đi lặp lại đậm chất Thanh Lam cũng tạo nên sức lôi kéo cho người hâm mộ.
Đến khi thể hiện ca khúc Cha ơi ở lại do Lưu Hà An mới sáng tác, Thanh Lam mới lột bỏ vẻ ngoài gai góc, mạnh mẽ của người phụ nữ trưởng thành để trở về làm cô con gái nhỏ của Thuận Yến năm nào. Trước đây, mỗi lần nhắc đến cha, Thanh Lam vốn chỉ kể những chuyện vui. Chị tâm niệm rằng, nếu cứ nhớ về ông với những suy nghĩ buồn thương, cha sẽ không thể siêu thoát. Rồi lúc những câu hát như "Ôi cha ơi giấc mơ tan rồi... Chỉ còn gặp cha trong giấc mơi thôi" được cất lên, khán giả mới được chứng kiến những giọt nước mắt hiếm hoi lăn trên má "người đàn bà hát".
Ngoài Thanh Lam và NSƯT Thanh Hương, sự xuất hiện của các nghệ sĩ trong gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến như DJ Trí Minh, Thiện Thanh và Đăng Quang (hai con của Thanh Lam) cũng đem lại những rung cảm riêng biệt. Đặc biệt, ca khúc Em tôi kết thúc chương trình với sự thể hiện của Thanh Lam trên tiếng đệm đàn của con trai Đăng Quang và em trai Trí Minh càng khiến khán giả xúc động trước sự gắn kết của gia đình nghệ sĩ.
Với sự giúp sức của các giọng ca hàng đầu như Trọng Tấn, Tùng Dương và Anh Thơ, các ca khúc của nhạc sĩ Thuận Yến đều được ba thế hệ nghệ sĩ cố gắng thể hiện tròn trịa.
Đêm nhạc sẽ trở nên hoàn hảo nếu kỹ thuật âm thanh được đầu tư kỹ càng hơn. Sự căn chỉnh không hợp lý khiến hơn một nửa đầu chương trình bị nhạt nhoà bởi tiếng hát của ca sĩ nhỏ hơn nhạc nền. Ngay cả với những người dày dạn kinh nghiệm sân khấu như Tùng Dương, Thanh Lam, Trọng Tấn hay Anh Thơ, đã nỗ lực cân bằng âm lượng nhưng những nốt trầm vẫn bị mờ, thậm chí đôi chỗ nghe giống hụt hơi. Vì vậy, cảm xúc của mỗi ca khúc được thể hiện cũng không được truyền đạt trọn vẹn.
Dù vậy, Những bản tình ca cha viết vẫn là đêm nhạc mang tính nghệ thuật cao và gây nhiều cảm xúc. Một lần nữa, khán giả được thưởng thức lại những gia tài vô giá mà cố nhạc sĩ Thuận Yến để lại cho làng nhạc Việt.
Nguồn VNE