Biểu tượng văn hóa của một số đồng bào dân tộc Tây Nguyên hiện lên với vẻ mỉa mai, chua chát. Song theo tác giả, đó không phải là hình ảnh biếm họa mà là những hình ảnh ẩn dụ của thực tế trần trụi về sự phai nhạt bản sắc văn hóa của một số dân tộc Tây Nguyên trước tác động của những hồ thủy điện.
 
1. Đó là tác phẩm Bè rông của Trần Tuấn, một trong các tác phẩm tiêu biểu của triển lãm Hành trình xanh khai mạc hôm 10/11 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
 
“Những triển lãm nghệ thuật mang tiếng nói phản biện các vấn đề xã hội dễ nặng tính tuyên truyền và hời hợt chiều sâu nghệ thuật. Đó là thách thức lớn nhất của chúng tôi trong quá trình sáng tác và tổ chức triển lãm. Song lúc này, khi triển lãm đã hoàn thiện, tôi thấy hài lòng với cách truyền tải thông điệp mạnh mẽ bằng những hình tượng ẩn dụ, hoán dụ giàu tính nghệ thuật của các nghệ sĩ” - họa sĩ Trần Lương, Giám tuyển triển lãm Hành trình xanh chia sẻ.
 
images1083658_be_rong.jpgTác phẩm Bè rông của Trần Tuấn
 
Tiêu biểu là tác phẩm Bè rông của Trần Tuấn, tác phẩm sắp đặt được trưng bày ở trung tâm phòng triển lãm. Trong tác phẩm, tác giả tái hiện lại hình ảnh ngôi nhà rông lớn với mái được lợp bằng những vỏ lon bia, phía dưới tác phẩm được đỡ bằng những mảnh phao và những mái chèo mong manh.
 
Theo lời mô tả của triển lãm về tác phẩm: Các dự án thủy điện đã di dời hàng loạt làng bản của người Cơ Tu, người Bru - Vân Kiều đến các khu tái định cư mới và với những căn hộ chung cư cấp 4 xây sẵn hàng loạt theo một lối kiến trúc giống nhau như “đồng phục”, hoàn toàn xa lạ với các kiểu nhà truyền thống đặc trưng cao nguyên.
 
Thuyền độc mộc trước đây dùng để qua sông qua suối giờ không còn hữu ích do diện tích mặt nước quá lớn, không thể dùng sức người để chèo…
 
2. Song đó chỉ là những thông tin hết sức sơ sài so với thực tế tác giả đã thấy, đã cảm và truyền tải vào tác phẩm. Trần Tuấn cho hay: Sinh cảnh tại nơi ở mới không phù hợp với tập quán sinh sống ngàn đời nay đã khiến cư dân ở các làng bản này ly hương trên chính quê hương mình. Thứ được mang theo trọn vẹn trong quá trình tái định cư là câu chuyện kể, truyền thuyết hay sử thi, thực tế đau xót đó cần được cơ quan quản lý nhìn thấy.
 
Cũng theo Trần Tuấn, chính những câu chuyện sử thi anh nghe được từ những... quán bia trong trong khu tái định cư đã tạo cảm hứng để anh sáng tạo mái nhà rông đặc biệt. Những mái nhà rông bằng lá thiếc giống như những vết gợn cứa vào lòng người xem trong giọng kể trầm trầm của tác giả về những gì anh thấy và cảm nhận ở Tây Nguyên.
 
Tuấn kể tiếp: “Theo lịch trình của dự án, chúng tôi tìm kiếm đề tài, tích lũy ở Tây Nguyên 20 ngày. Song chứng kiến cảnh đồng bào trong những khu nhà tái định cư lợp mái bằng tôn, văn hóa tiêu dùng thay cho văn hóa cồng chiêng, mái nhà rông cũng bị xóa sổ trong những vùng đất mới, tôi quyết định dành trọn 3 năm ở cao nguyên”.
 
“Đề tài này sẽ còn theo tôi trong chặng đường sáng tác tới. Chừng nào những nếp văn hóa truyền thống của đồng bào chưa được coi trọng đúng mức, chừng đó, tôi sẽ còn sáng tác những tác phẩm dạng như mái nhà rông bằng vỏ lon bia...” - Trần Tuấn khẳng định.
 
Theo Thể thao Văn hóa