(Baonghean) - Chiều hè, đất trời miền Tây xứ Nghệ vẫn nắng như đổ lửa. Cái nắng đã đưa bà con nông dân xã Tường Sơn (Anh Sơn) ra bờ sông Lam để đón nhận từng làn gió mát. Những con trâu béo múp cũng đang thỏa thuê dầm mình giữa dòng nước. Tiếng gió thổi vào lũy tre và bãi ngô nghe rì rào. Từ chiếc cầu treo vừa được bắc qua sông ngắm nhìn cảnh đò Rồng - bến Ngự, bao xúc cảm được gợi lên từ vẻ đẹp hùng vỹ và thơ mộng của thế núi, hình sông...

Đò Rồng - bến Ngự gắn liền với bãi Làng Trang. Đây là bãi đất rộng, dài được dòng sông Lam quanh năm bồi đắp phù sa nên đất đai luôn màu mỡ. Cây ngô, cây lạc và đậu xanh được gieo xuống bãi Làng Trang đều mọc lên xanh tốt và bội thu. Tương truyền, khoảng hơn 600 năm trước, dòng họ Trần từ miền xuôi lên đây khai phá bãi bồi, xây dựng trang ấp nên bãi bồi này có tên gọi Làng Trang. “Đất lành chim đậu”, các dòng họ khác lần lượt tìm về đây để khai phá đất đai, mở mang đồng bãi, dần dần trở nên đông vui và trù phú: “Dưới đò, trên chợ rập rình/ Phố Tây, phố Khách xây thành hai bên”.

Người dân nơi đây rất đỗi tự hào trước vẻ đẹp của phong cảnh quê hương và đã mượn câu ca “Nhất kinh kỳ, nhì Dừa Lạng” để khẳng định vẻ đẹp ấy. Về sau, thực hiện chủ trương di dân vào cư trú ở vùng rừng núi để lấy đất phát triển sản xuất nông nghiệp, bãi Làng Trang trở thành vùng canh tác của bà con nông dân Tường Sơn.

Trở lại với địa danh đò Rồng-bến Ngự, chắc hẳn nhiều người băn khoăn với tên gọi này. Bởi lẽ, nói đến đò Rồng và bến Ngự phải nói đến đất kinh kỳ, chốn hoàng thành - nơi các bậc vua chúa ngày xưa thường đến thưởng lãm và vui thú với phong cảnh. Vậy vì sao ở đây lại có tên gọi ấy? Trước khi trả lời câu hỏi này, người viết xin phép được điểm qua một vài nét về địa danh mang đậm dấu ấn đế vương.

Dòng sông Lam từ thượng nguồn xuôi về, đến khu vực đầu bãi Làng Trang bỗng có một hòn núi nhô ra chặn ngang dòng chảy. Bị chặn bất ngờ, dòng nước sông Lam phải đột ngột thay đổi dòng chảy, tập trung hướng về phía tả ngạn. Dòng nước dội mạnh vào bờ rồi dội ngược trở ra và hướng về phía hữu ngạn.

Cứ thế, dội qua dội lại nên đoạn sông này trở thành một vùng nước quẩn với vô số xoáy nước hết sức nguy hiểm đối với thuyền bè qua lại. Chỉ có những tay chèo giàu bản lĩnh và kinh nghiệm, thông thuộc từng luồng lạch và xoáy nước mới dám điều khiển thuyền bè qua đây. Thi Thoảng, người dân nơi đây lại thấy những cây gỗ lớn “mọc” lên từ các xoáy nước, sau đó lại chìm biến mất. Đó chính là dấu tích của những chuyến bè gỗ bị các xoáy nước hút xuống đáy sông sâu hun hút.

Tên gọi đò Rồng - bến Ngự có hai cách lý giải khác nhau về mặt thời gian nhưng đều có điểm chung là gắn với công lao và sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của các nhân vật lịch sử. Cách lý giải thứ nhất là tên gọi  đò Rồng - bến Ngự gắn liền với sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ. Tương truyền, thực hiện kế sách của Đinh Liệt, Bình Định vương Lê Lợi tiến quân từ  miền Tây Thanh Hóa vào miền Tây Nghệ An để phát triển lực lượng, mở rộng căn cứ và tạo thời cơ thuận lợi để đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Sau khi làm nên “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” ở đất Qùy Châu và “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” ở Con Cuông, Lê Lợi tìm cách tiến quân về xuôi đánh chiếm thành Nghệ An.

Nhưng ở phía trước mặt, quân thù đang án ngự, muốn tiến được về xuôi trước tiên phải tiêu diệt binh lực địch đang chặn ở Bồ Ải và Khả Lưu (ngày nay thuộc địa bàn xã Đức Sơn, Vĩnh Sơn- huyện Anh Sơn). Quân địch lại thường xuyên thám thính dọc bờ sông nên nghĩa quân Lam Sơn rất khó khăn trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của địch và địa hình, địa vật để xây dựng kế hoạch tiến công thích hợp.

Vì thế, Lê Lợi quyết định chọn địa điểm nước quẩn, có nhiều vòng xoáy để vượt sông sang phía hữu ngạn, lên đỉnh hòn núi nhô ra dòng sông để quan sát mọi động tĩnh và cách bố phòng của địch. Sở dĩ chọn đoạn này để vượt sông là do người đứng đầu nghĩa quân Lam Sơn cho rằng nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất. Vì ở đây thuyền của giặc không thể tiếp cận để ngăn chặn quân ta.

Được sự trợ giúp của người dân địa phương, Lê Lợi đã vượt sông thành công và tìm ra được phương án tối ưu để giành thắng lợi trong trận Bồ Ải và Khả Lưu. Sau này, địa điểm Lê Lợi chọn để vượt sông được gọi là đò Rồng, địa điểm ông ngồi quan sát địch được gọi là bến Ngự.

795699_small_97299.jpg

Phong cảnh đò Rồng, bến Ngự.

Cách lý giải thứ hai của tên gọi đò Rồng - bến Ngự gắn liền với sự nghiệp chống Pháp của vua Hàm Nghi. Khi vị vua yêu nước này hạ chiếu Cần Vương, nhiều sỹ phu của đất Nghệ An ra sức chiêu mộ binh sỹ để gia nhập nghĩa quân. Phong trào Cần Vương lan tỏa đến vùng đất Anh Sơn, người dân nhất loạt hưởng ứng. Uy thế ngày càng mạnh, nghĩa quân Cần Vương đã xây được đồn sơn phòng ở Mực Điền (nay thuộc xã Hùng Sơn) để tập trung luyện tập binh sỹ và tổ chức đánh trả trước sự tấn công của quân Pháp. Tương truyền, vua Hàm Nghi có kế hoạch ghé ra thăm Mực Điền nhưng dự định chưa thành, vị vua yêu nước ấy đã rơi vào tay giặc.

Trong khi đó, nghĩa quân ở Mực Điền đã lên kế hoạch, bố trí đưa vua Hàm Nghi vượt sông ở đoạn có nhiều xoáy nước để tạo sự bất ngờ, tránh sự để ý của giặc. Dù dự định ấy không thành, nhưng địa điểm ấy vẫn được nghĩa quân và nhân dân gọi là đò Rồng - bến Ngự. Vì vậy, người đời sau cảm tác và viết nên mấy câu thơ: “Kìa mộ người dâng trà Bến Ngự/ Mà thềm xưa đã phủ rêu đầy/ Hàm Nghi dựng lũy bàu Mây/ Đò Rồng vực thẳm dựng cây gươm thần”.

Chiếc cầu treo người hôm nay về thả bước vừa mới khánh thành chưa đầy 1 năm. Đối với người dân Hùng Sơn, nó được xem là một kỳ tích. Bởi lẽ, nó xóa tan sự cách trở đò giang, những chuyến đò chòng chành cùng nỗi lo âu mùa mưa lũ giờ đây chỉ còn là ký ức.

Với tôi, ngoài chức năng chính là “nối nhịp bờ vui”, cầu Đò Rồng còn giúp những thảnh thơi, mỗi lúc qua đây có dịp ngắm nhìn phong cảnh thanh bình và trù phú của một vùng quê. Đó là cánh đồng Dừa thẳng cánh cò bay, là bãi Làng Trang, bãi Mọ, bãi Hội ngút ngàn sắc xanh của ngô, lạch. Là những đồi chè, đồi keo bát ngát và chạy dài tưởng chừng như vô tận. Là làng mạc yên bình thấp thoáng dưới những rặng cây... Đứng đây được ngắm toàn cảnh bến Ngự - đò Rồng, địa danh có bề dày hàng trăm năm lịch sử. Dòng sông Lam lững lờ chảy, núi trùng trùng điệp điệp và mây trời in bóng xuống lòng sông. Cảnh vật vừa bao la, hùng vỹ, lại rất đỗi nên thơ này…


Tường Anh