(Baonghean) - Chị Hồ Thị Nga ở xóm 3, xã Thọ Thành (Yên Thành) là một trong những hội viên được hưởng lợi từ chủ trương xây dựng các mô hình điển hình phụ nữ phát triển kinh tế, nhằm thiết thực triển khai Chỉ thị 05-CT/TW mà Hội phụ nữ huyện Yên Thành đã và đang thực hiện.

Trang trại của gia đình chị Hồ Thị Nga nằm riêng biệt giữa cánh đồng của xóm 3, xã Thọ Thành. Muốn đến được trang trại của chị Nga, đi hết đoạn đường bê tông còn phải băng qua khúc đường đất chạy men theo những ruộng lúa, có chỗ khá lầy lội và khó đi. Thông thường tại những trang trại chăn nuôi tổng hợp, điều đầu tiên mà người đến cảm nhận được ngay là mùi của chất thải trâu, bò, lợn, gà…

Song đối với trang trại của gia đình chị Hồ Thị Nga lại đem lại cảm giác rất sạch sẽ. Chị Nga vui vẻ cho biết: “Ngay từ khi có ý tưởng xây dựng trang trại thì vợ chồng đã tính đến chuyện làm sao để đảm bảo vệ sinh môi trường, không để tình trạng xú uế ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây dịch bệnh cho vật nuôi”.

1514294517412.jpgVợ chồng chị Hồ Thị Nga chăm sóc đàn vịt nuôi. Ảnh: Hoài Thu

Vợ chồng chị Hồ Thị Nga vốn có thời gian đi xuất khẩu lao động ở Thái Lan vài năm trước, đến năm 2016 anh chị về quê và quyết định tìm hướng phát triển kinh tế, gắn bó với quê hương. Ngay từ khi về nước, chị Nga đã được sự quan tâm, động viên của chị em trong xóm, xã và vận động chị tham gia sinh hoạt hội.

Nắm bắt được nguyện vọng của gia đình chị Nga, Chi hội Phụ nữ xã Thọ Thành đã đề nghị cấp trên hỗ trợ chị Nga phát triển kinh tế, xây dựng mô hình điển hình của chi hội phụ nữ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. Theo đó, Chi hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho chị Nga tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp kết hợp việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, gia đình chị Nga còn được Hội Phụ nữ huyện Yên Thành giới thiệu và hỗ trợ vay vốn đầu tư mua con giống và xây dựng chuồng trại. Cùng với số vốn vợ chồng chị Nga tích cóp được, trong một thời gian ngắn trang trại gần 30ha dần hình thành, trong đó anh chị dành 1,5ha làm ao thả cá, chăn nuôi vịt đẻ và xây chuồng trại chăn nuôi lợn. Phần lớn diện tích còn lại anh chị đầu tư trồng lúa và hoa màu.

Chị Hồ Thị Nga cho biết: “Tuy bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian tham gia sinh hoạt đoàn thể đầy đủ, bởi tôi nhận thấy gắn bó với cộng đồng tập thể đem lại cho mỗi người rất nhiều lợi ích. Tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ, tôi không chỉ được các chị em quan tâm chia sẻ chuyện gia đình, con cái mà còn được hỗ trợ nhiều mặt về chăn nuôi, phát triển kinh tế. Những lúc khó khăn chị em, các đoàn thể đều có sự động viên, khích lệ kịp thời”.

Thời điểm chúng tôi ghé thăm, trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Hồ Thị Nga đã đi vào sản xuất ổn định với trung bình 100 con lợn nái và lợn thịt; đàn gà, vịt đẻ gần 300 con, 2000 con vịt con; 8 con bò và các ao cá cho thu hoạch 2 vụ/năm cùng với thu hoạch lúa, rau màu… đem lại cho gia đình chị thu nhập gần 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 5 - 8 lao động.

Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Thành Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Huyện hội lựa chọn xây dựng các mô hình điển hình về phát triển kinh tế với chủ trương chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Vì thế, mỗi trường hợp các chi hội cấp xã, xóm đề xuất hỗ trợ chúng tôi đều xét duyệt, thẩm định kỹ càng để đảm bảo việc hỗ trợ có hiệu quả và đảm bảo xây dựng thành công, góp phần giúp chị em vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời tạo sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tuyên truyền tốt trong nhân dân.  Ví như mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của vợ chồng chị Hồ Thị Nga ở xã Thọ Thành, đến nay đã ổn định sản xuất, cho thu nhập khá; và mô hình này cũng bắt đầu phát huy “tác dụng” tuyên truyền khi ngày càng có nhiều chị em đến tìm hiểu, học hỏi để làm theo”.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN