(Baonghean) - Hồi sinh viên mới ra trường, tôi và bạn bè mỗi lúc gặp nhau thì câu hỏi “thường trực” đầu tiên vẫn là “Bạn làm việc gì? Bạn làm ở đâu?”. Tức là khi mới ra trường, điều chúng tôi quan tâm hàng đầu vẫn là có được làm đúng công việc mà mình được đào tạo, được học như chương trình đại học mà mình đã học hay không. Bởi vì, thường thì lựa chọn trường đại học cũng phần nào là lựa chọn cho ước mơ, cho sở thích, sở trường, tính cách, và cũng gửi gắm trong đó cả cuộc đời tương lai của mỗi người.
Cùng với quan tâm làm việc gì, là làm ở đâu, tức là địa điểm, nơi chốn làm việc. Điều này cũng phản ánh một số thông tin mà lúc đó chúng tôi thường để ý, như: Cách nhà ở bố mẹ xa hay gần, ở khu vực thành thị đô hội phát triển hay là vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh, lạc hậu... Những thông tin này cũng hàm chứa trong đó ít nhiều mục đích tìm hiểu phần nào năng lực “xin việc”, “lo việc” của gia đình, khả năng lựa chọn và tìm kiếm công việc của bản thân. Dĩ nhiên là theo quan niệm của chúng tôi lúc bấy giờ.
Khoảng sau 5 năm ra trường đi làm, mỗi kỳ họp lớp, hội trường, hay mỗi lần về Tết, về dự các đám hiếu hỉ, khi gặp nhau chúng tôi lại thường hỏi: Công việc có gì thay đổi không? Lương và thu nhập hiện tại mấy triệu mỗi tháng? Tức là lúc này, điều chúng tôi quan tâm lại là khả năng thay đổi hiện tại của mỗi người, hoặc là sự biến động tại mỗi trường làm việc của từng người. Đồng thời, hỏi lương và thu nhập bao nhiêu còn là để xem mức sống, để biết “đẳng cấp” của đơn vị làm việc của mỗi người như thế nào. Dẫu biết, ở đâu đó, việc hỏi thăm về lương và thu nhập là điều hết sức tế nhị và kiêng kỵ, nhưng với chúng tôi, đã là bạn bè một thưở, thì trả lời hay không mặc kệ, việc của người tò mò là cứ phải hỏi.
Những tưởng, chỉ riêng nhóm bạn đồng niên, đồng khóa, đồng môn chúng tôi mới hay tò mò hỏi chuyện công việc. Hóa ra không phải vậy, mà đó dường như là mối quan tâm chung. Có người còn nửa thật nửa đùa khi khái quát: Khi đưa bạn trai bạn gái về nhà giới thiệu, nếu là phụ huynh người miền Nam thì câu hỏi thường sẽ là “cháu làm một tháng được mấy triệu?”.
Còn nếu là phụ huynh người miền Bắc thì sẽ là câu hỏi “cháu đã vào biên chế chưa?”. Ý là, người miền Nam thực tế và năng động hơn, chỉ coi trọng thu nhập, mức sống, còn làm ở đâu, làm như thế nào không quan trọng. Với người miền Bắc, trong biên chế hay ngoài biên chế là cả câu chuyện hệ trọng. Bởi người miền Bắc coi trọng sự ổn định hơn, coi trọng cái “danh” hơn cái “thực”, và nếu được là “người Nhà nước” thì coi như miễn bàn, mọi việc có Nhà nước lo, chỉ việc “sáng vác ô đi tối vác về”...
Nhân dịp người bạn được đa số bạn bè cho là thành đạt, sinh sống và làm việc tại một nước Bắc Âu, về thăm quê, chúng tôi đem chuyện này ra trao đổi khi ngồi cà phê với nhau. Bạn tôi rất quan tâm về điều này và lắng nghe rất chăm chú từ đầu đến cuối. Khi chúng tôi hỏi, nếu là bạn, thì bạn quan tâm đến điều gì về công việc của người khác, và nếu được hỏi người đối diện về công việc thì câu hỏi của bạn sẽ là gì. Bạn trả lời rằng nếu được, bạn sẽ hỏi thăm người đối diện rằng công việc hiện tại thực sự cần đến mấy tiếng một ngày?
Có gì khác lạ về câu hỏi của bạn tôi không nhỉ? Tại sao không hỏi thu nhập bao nhiêu triệu một tháng? Biên chế hay chưa? Làm việc ở đâu? Mà lại hỏi làm bao nhiêu giờ trong một ngày?
Điều đó, đơn thuần chỉ là quan tâm về thời gian mà người lao động cần thiết phải bỏ ra? Hay là, trước khi quan tâm đến việc được đãi ngộ, được hưởng thụ như thế nào, thì điều cần quan tâm là người lao động đã bỏ ra công sức, trí tuệ như thế nào đối với nơi mình đang làm việc?
Câu hỏi này, không dễ để trả lời trong một lúc, và thực sự là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Chí Linh Sơn