(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thanh Chương xác định phát triển mạnh mẽ các ngành, nghề dịch vụ, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp để trở thành trụ cột bền vững của nền kinh tế, Gắn tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Huyện Thanh Chương xác định nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 là tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sản xuất lương thực sẽ tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch ổn định 7.000 - 7.500 ha ruộng lúa chủ động nước; tăng đầu tư thâm canh, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, tăng cường đưa cơ giới vào sản xuất. Đến năm 2020, phấn đấu giá trị thu nhập bình quân/ha đạt 120-140 triệu đồng. Đẩy mạnh phát triển cả số lượng và chất lượng chăn nuôi đại gia súc; có giải pháp gắn sản xuất với nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm để các hộ đầu tư phát triển nhanh trang trại, gia trại chăn nuôi bò, lợn; phát triển trồng bưởi Diễn và trám đen vùng Cát Ngạn...

Hoàn thành xây dựng và tổ chức sản xuất để có khối lượng lớn sản phẩm, đảm bảo chất lượng của thương hiệu “Gà Thanh Chương” cung cấp cho thị trường, khắc phục tình trạng tự phát, hiệu quả thấp. Cây công nghiệp sẽ tiếp tục trồng mới để đến năm 2020 đạt 5.000 ha chè kinh doanh; ổn định 2.500 ha sắn nguyên liệu; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 2.000 - 2.500 ha cây dược liệu, 3.000 ha trồng hoa, cây cảnh, rau cao cấp từ diện tích đất màu hiệu quả kinh tế thấp và 2.000 - 2.500 ha cao su; mở rộng diện tích mía nguyên liệu. Chuyển số diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây nguyên liệu phục vụ Nhà máy sản xuất gỗ thanh và chất đốt sinh khí dạng viên nén; kết hợp khai thác với trồng lại hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế... Cùng với đó, Thanh Chương quyết tâm huy động cao nhất nguồn nội lực, tranh thủ ngoại lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, phấn đấu cuối nhiệm kỳ 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

images1202123_dsc_0278.jpgMột góc Thị trấn Thanh Chương. Ảnh: Hồng Sơn

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, huyện tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến gắn với nhóm sản phẩm lợi thế của huyện như chè, sắn, cây gỗ nguyên liệu. Nâng công suất nhà máy gạch tuynel hiện có, thu hút đầu tư xây dựng dây chuyền gạch không nung, phấn đấu đạt sản lượng 130 - 140 triệu viên/năm. Bên cạnh đó, Thanh Chương quyết tâm cùng chủ đầu tư hoàn thành các dự án như: Tổ hợp sản xuất chế biến tinh dầu dược liệu và thực phẩm chức năng công nghệ cao tại Thanh Thủy, Nhà máy chế biến gỗ thanh tại xã Thanh Xuân, Nhà máy chất đốt sinh khí dạng viên nén... tạo cơ hội chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án xây dựng các khu định cư cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn ở Thanh Lâm, Thanh Thủy. Tích cực tìm kiếm việc làm trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Nâng cao chất lượng làng nghề đã được công nhận, du nhập và phát triển nhanh các làng nghề, làng có nghề, tạo việc làm tại chỗ ở những xã có lợi thế về lao động, đất đai ít; phấn đấu xây dựng thêm 2- 3 làng nghề. Tập trung trọng tâm quy hoạch phát triển kinh tế, dịch vụ tổng hợp vùng kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 46... Tiếp tục chỉnh trang thị trấn huyện; cải tạo, nâng cấp công suất Nhà máy nước Thị trấn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng thị trấn Rộ, đô thị Chùa và các thị tứ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Có chính sách, giải pháp đồng bộ thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có chất lượng; trọng tâm là phát triển khu dịch vụ thương mại Cửa khẩu Thanh Thủy và du lịch sinh thái gắn với mua sắm, thưởng thức ẩm thực, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu ngân sách. Phấn đấu đưa Thanh Chương từng bước trở thành một khu vực giao dịch thương mại, buôn bán lớn của vùng Tây Nam Nghệ An, một điểm đến trong hành trình du lịch về với quê Bác.

Bên cạnh đó, Thanh Chương tiếp tục ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 46 từ cầu Rộ đi Đô Lương; Tỉnh lộ 533; giai đoạn II tuyến đường từ trung tâm huyện đi khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ; xây dựng tràn chống lũ Bích Hào... Từng bước nhựa hóa, bê tông hóa các trục đường liên xã, liên thôn, đường nguyên liệu; cấp phối các trục đường nội đồng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% đường liên xã, liên thôn được rải nhựa, bê tông, đường nội đồng được cấp phối. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát huy tốt truyền thống hiếu học của quê hương, xây dựng ngành Giáo dục phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu có 70- 75% trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, coi trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Để đạt được những mục tiêu trên, trước hết cần nâng cao nhận thức tư tưởng, đổi mới tư duy, phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận, tạo sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển. Thứ hai, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển, trong đó thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của Nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020 để lập quy hoạch chi tiết nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo quỹ đất sạch làm tiền đề cho việc kêu gọi các dự án đầu tư. Công khai các quy trình, thủ tục hành chính, xây dựng quy trình tác nghiệp đảm bảo nhanh chóng để tiết kiệm thời gian của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm giao dịch "một cửa" từ huyện đến cơ sở.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các hình thức kinh tế hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Thứ ba, quyết tâm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư. Huy động nguồn lực trong nhân dân cho đầu tư kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Thứ tư, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển. Thứ năm, là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là vào các lĩnh vực mà huyện có lợi thế.    

Với những nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2015 -2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Chương tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhân rộng những thành tựu đạt được, tích cực đổi mới, phấn đấu đưa kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.


Nguyễn Hữu Vinh
(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương)