(Baonghean.vn) - Chè là cây trồng chủ lực của huyện Thanh Chương, với diện tích 3.000 ha. Do nắng hạn gay gắt, trên 200 ha chè trên địa bàn đang cháy lá.

Những năm trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 1 xã Hạnh Lâm có trên 4 ha chè. Chị còn đầu tư xưởng chế biến mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng từ chè. 

 Đầu mùa nắng nóng, năm nay, gia đình chị  đã thực hiện nhiều biện pháp như tủ gốc, tưới, ngừng thu hái nhưng nhiều luống chè đã bị cháy lá...

Chị Hương lo lắng: “Chè là cây trồng chủ lực, nguồn thu nhập chính của của gia đình tôi và nhiều hộ dân ở đây. Bỏ công cứu chè chúng tôi không tiếc nhưng  khó là  không có điện, không có nguồn nước. Cả vùng được mấy cái máy dầu công suất nhỏ lại thường ọc ạch nên đành  phải phó mặc cho trời.

images1594807_1.jpgNhiều diện tích chè ở xã Hạnh Lâm, Thanh Chương chết cháy do nắng nóng

Tuy nhiên, đợt nắng nóng kéo dài gần 2 tháng nay đã  khiến cho trên 200 ha chè trên địa bàn huyện Thanh Chương đang chết héo; tập trung ở các xã: Thanh An, Hạnh Lâm, Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, Thanh Mai và rải rác tại 10 xã có chè.

Ông Phan Đình Tùy ở Xí nghiệp chè Hạnh Lâm thường kết hợp tưới nước cho chè bằng hệ thống tưới bằng tay và tự động. Tuy nhiên nhiều diện tích chè của gia đình ông vẫn chết vì trời quá nắng nóng.

Theo ông Nguyễn Danh Duyên - Bí thư Đảng ủy xã Thanh An, chè là loài cây chủ yếu được trồng trên đồi núi. Muốn chống hạn cho chè ngoài các biện pháp về kỹ thuật, thâm canh thu hái, điều quan trọng nhất là phải có nguồn nước tưới. Nhưng trừ một số ít diện tích chè ở gần khe suối hồ, đập, còn đa số là thiếu nguồn nước tưới. Do vậy, năm 2015 xã Thanh An đã có đến 150/ 500 ha chết do hạn. Năm nay đã có khoảng 10 ha chè bị héo úa. Nếu trong năm bảy ngày tới không có mưa, diện tích chè này có nguy cơ sẽ chết.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn, ngành nông nghiệp huyện tuyên truyền bà con nông dân thực hiện một số biện pháp giữ ẩm cho đất; tránh thiệt hại lớn do nắng nóng gây ra đối với cây chè.

Ông Trần Phi Hùng – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: Đối với chè mới trồng, người dân cần phải trồng xen các cây họ đậu như cốt khỉ, muồng đen. Thời điểm hiện tại để cứu chè phải dừng ngay việc thu hái, nhất là thu hái bằng máy, nơi nào có nước thì tiếp tục tưới nhưng phải tưới đậm, tủ gốc chè... Giải pháp lâu dài, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con thực hiện lại ngay việc trồng cây bóng râm (như cây tròi, dầu) và giữ thảm thực vật trên đỉnh đồi, để chống hạn cho cây chè.

Năm 2015, toàn huyện Thanh Chương có trên 1000 ha chè bị chết do hạn hán. 

 Đình Hà

Đài Thanh Chương 

TIN LIÊN QUAN