(Baonghean) - Niên vụ ép 2015 - 2016, các nhà máy chế biến mía đường trong tỉnh đều thiếu hụt nguyên liệu, do diện tích mía giảm, năng suất mía cũng giảm hẳn do nắng hạn.
Mía giảm gần 5 nghìn ha
Huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp là những địa phương trọng điểm vùng nguyên liệu mía cho Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU), những năm qua diện tích mía ở đây có chiều hướng giảm, do người dân chuyển đổi cây trồng. Ông Hồ Hữu Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn) cho biết: Từ chỗ 600 ha mía của năm 2014, nay diện tích mía chỉ còn 400 ha, 200 ha ấy người dân chuyển đổi sang trồng cây có múi.
Ông Trương Minh Hoài - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Năm 2015 toàn huyện có 8.400 ha mía, thì đến nay giảm xuống còn 7.800 ha. Một số địa phương có diện tích mía được chuyển đổi nhanh như: Nghĩa Phú, Nghĩa Hiếu…
Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, năm 2015 có hơn 6 nghìn ha mía, thì hiện nay còn 5.150 ha. Nguyên nhân dễ hiểu là, người trồng mía thu lãi suất thấp, thậm chí không có lãi, vì giá thu mua mía của nhà máy thấp, tiền thuê nhân công thu hoạch cao, trong khi đó năng suất mía đạt thấp, nên nhiều gia đình đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác.
Công ty TNHH Mía đường Nghệ An, niên vụ ép 2014 – 2015 đạt trên 860 nghìn tấn, niên vụ ép 2015 – 2016 giảm xuống còn 623 nghìn tấn. Vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần mía đường Sông Con vụ ép qua cũng giảm 20% diện tích.
Số liệu của Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh cho thấy, niên vụ ép 2015 – 2016 diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh đạt 21.672 ha, giảm gần 5 nghìn ha so với niên vụ 2014 – 2015; năng suất mía bình quân đạt 51,34 tấn/ha, giảm 0,66 tấn/ha so với vụ ép 2014 – 2015; sản lượng mía đạt 1.112.600 tấn, giảm 208.353 tấn so với vụ ép 2014 – 2015.
Năng suất đạt thấp
Tín hiệu vui đối với ngành sản xuất mía đường hiện nay là giá đường bán lẻ trên thị trường đang có chiều hướng tăng trong thời gian qua. Hiện nay, giá đường bán lẻ trên thị trường từ 18 - 20 nghìn đồng/kg, tăng 2 - 3 nghìn đồng so với đầu năm 2016.
Ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con trao đổi: Niên vụ ép vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về diện tích mía nguyên liệu giảm, còn hơn 5 nghìn ha, sản lượng mía đạt 349 nghìn tấn, năng suất bình quân chưa đầy 45 tấn/ha. Tuy nhiên, thị trường đường có chiều hướng tăng từ đầu năm đến nay, thuận lợi cho nhà máy hoạt động.
Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) là đơn vị có vùng nguyên liệu mía lớn nhất trong số các nhà máy mía đường trong tỉnh, với 18.500 ha quy hoạch. Thế nhưng, diện tích vùng nguyên liệu thực có mà công ty ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm là 14.470 ha. Năng suất mía ở đây bình quân đạt 52 tấn/ha, khiến sản lượng mía nguyên liệu trong vụ ép vừa qua chỉ đạt 752.500 tấn, sản lượng đường 70.729 tấn.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến đường, với tổng công suất thiết kế 13.800 tấn mía/ngày. Theo đánh giá của chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh, vụ ép vừa qua, nhìn chung các nhà máy đều có một số chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu.
Kế hoạch của vụ ép 2016 – 2017, tổng diện tích mía nguyên liệu đạt 22.300 ha, năng suất mía đạt bình quan trên 53 tấn/ha, sản lượng mía đạt 1.190.500 tấn. Mục tiêu của tỉnh ta, đến năm 2020 vùng nguyên liệu mía đứng quy hoạch 28.400 ha, năng suất mía bình quân đạt 70,5 tấn/ha, sản lượng mía đạt 1.860.000 tấn, công suất ép của các nhà máy nâng lên 15.500 tấn/ngày.
Xuân Hoàng