Men theo những bậc thang dài, quanh co uốn lượn dưới những tán cây, chẳng riêng gì tôi mà những du khách thập phương có dịp tới đây trong những ngày tháng 5 ý nghĩa, đều cảm thấy lòng mình bình yên quá đỗi, cứ như được trở về trong vòng tay mẹ, tâm hồn được xoa dịu, ôm ấp vỗ về bởi những cơn gió mát lành, những tia nắng lấp lánh và cả tiếng ve râm ran báo hiệu mùa Hạ.
Từ chân núi đi lên khoảng 130 mét là mộ cụ Hà Thị Hy - bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh, thêm khoảng 300 mét nữa là mộ cậu Nguyễn Sinh Xin - em trai Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cách đó không xa là nơi an nghỉ của Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Người.
Trong hành trình tâm linh trang nghiêm, kính cẩn ấy, tôi vô tình gặp gỡ, rồi bắt chuyện, làm quen với không ít khách thập phương, mỗi người một miền quê, một hoàn cảnh, đủ mọi độ tuổi, nghề nghiệp,... Song tựu trung, chúng tôi đều đem lòng yêu mến mảnh đất xứ Nghệ, thành kính, biết ơn những người thân trong gia đình Bác Hồ, đặc biệt là người mẹ tảo tần của Người, hiện thân cho những phẩm chất, đức tính của người phụ nữ Việt Nam tự bao đời nay - cần cù, chịu khó, vun vén chu toàn cho gia đình, sống nghĩa tình với quê hương, làng xóm...
Chẳng quản ngại đường sá xa xôi hay thời gian nghỉ cuối tuần eo hẹp, anh Phạm Hưng cùng vợ, hiện đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng và đều công tác trong ngành giáo dục quyết định tổ chức chuyến về nguồn cho cả gia đình.
Cô con gái đầu lòng Phạm Tường Phúc Nguyên, năm nay học lớp 4, hoạt bát, lanh lợi, háo hức khi được về Khu di tích Kim Liên, đặc biệt là Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan. Chuyến đi là phần thưởng của bố mẹ dành cho Nguyên, cô bé vừa đạt thành tích tốt trong cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ.
Anh Hưng chia sẻ: “Tôi quê ở Quảng Nam, vợ tôi lại là người Hà Tĩnh, nhưng được về thăm Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, chúng tôi cảm thấy gần gũi, thân thương lắm. Các con tôi đã được ra Ba Đình thăm lăng Bác, nhưng đây là lần đầu được về quê Bác, viếng những người thân trong gia đình Bác Hồ. Đây sẽ là chuyến đi đáng nhớ, là phần thưởng động viên các cháu tiếp tục ra sức học tập, sau này trở thành người có ích”.
Nhìn theo bóng lưng nhỏ nhắn của bé con đang nhảy chân sáo trước mắt, các cụ cao niên gần đó cũng phải bật cười, gật gù khen ngợi khi hay chuyện về cô trò nhỏ mê đắm với lịch sử quê hương. Hỏi ra mới biết, đoàn các cụ gồm khoảng 30 người, thuộc Hội Người cao tuổi xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, ai nấy đều mừng vui, phấn khởi khi được tham gia chuyến đi ý nghĩa về với các địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử, văn hóa nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mấy cụ bà còn nở nụ cười móm mém, hiền từ, chia sẻ cảm xúc rưng rưng khi về thăm Người Mẹ Làng Sen, được nghe cô thuyết minh viên trong chiếc áo dài hồng đằm thắm, chậm rãi thuật lại cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan, với bao vất vả, hy sinh, từ thuở thiếu thời ở làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, đến lúc nên duyên với nho sinh nghèo nhưng ôm chí lớn Nguyễn Sinh Sắc, hay những năm tháng sinh sống ở Huế, dệt vải nuôi chồng ăn học, thi đỗ Phó bảng, dưỡng dục con cái trưởng thành, là những tấm gương ưu tú góp phần vào thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.
Còn với thầy giáo Bùi Văn Chương - Bí thư Đoàn trường THPT Nam Yên Thành (Bảo Thành, Yên Thành), khu mộ bà Hoàng Thị Loan là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình về nguồn mà đều đặn hàng năm ngôi trường với 24 lớp học, hơn 900 học sinh tổ chức cho các em đoàn viên thanh niên ưu tú.
“Năm nay, chúng tôi chọn ra 98 em là những cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên có thành tích học tập, rèn luyện và tích cực tham gia công tác đoàn, phong trào thanh thiếu niên nhất tham gia chuyến đi. Xuất phát từ Yên Thành, chúng tôi đã về với tọa độ lửa Truông Bồn, tới viếng mộ bà Hoàng Thị Loan, rồi về quê nội, quê ngoại Bác Hồ, thăm Đền thờ Chung Sơn, và điểm dừng chân cuối trước khi về là Đền thờ Hoàng đế Quang Trung”, thầy Chương cho biết.
Là một trong những học sinh vinh dự góp mặt trong hành trình tham quan các di tích lần này, em Nguyễn Thị Hồng - lớp 10C1, Trường THPT Nam Yên Thành phấn khởi chia sẻ, rằng được đặt chân tới nơi đây, tận mắt tìm hiểu qua những tấm bia dẫn tích, qua những lời thuyết minh của cán bộ khu di tích, em càng thêm yêu thích, mong muốn tìm hiểu sâu về lịch sử địa phương.
Không giấu được niềm vui và sự hào hứng, Hồng cho biết rằng khi trở về quê hương Yên Thành, em sẽ cùng các bạn viết bài thu hoạch thật tốt, để không lãng phí những trải nghiệm vừa có được, lan tỏa cảm xúc tích cực đến mọi người.
Bận rộn suốt cả buổi sáng khi tiếp đón các đoàn khách về tham quan, song chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - thuyết minh viên tại khu mộ Bà Hoàng Thị Loan vẫn bảo rằng, so với chút mệt mỏi ấy thì chị thấy hạnh phúc và ấm áp nhiều hơn.
Cùng với các cán bộ khác đang ngày ngày túc trực, săn sóc bên mộ phần của Bà Hoàng Thị Loan, chăm lo từng gốc cây ngọn cỏ, từng bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên di tích, niềm vui giản dị của họ là được nhìn thấy từng dòng người dài từ khắp mọi miền Tổ quốc, đổ về đây, như những đứa con về với Mẹ, tỏ lòng thành kính trước anh linh người mẹ của toàn dân tộc.
“Hôm nay, tôi được tham gia thuyết minh, giới thiệu cho đoàn cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Công an tỉnh Hưng Yên; hôm trước còn có các đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh, rồi cả từ Kiên Giang, Phú Quốc xa xôi nữa... Xúc động và ân tình lắm!” - chị khẽ nói.
Giữa trưa đứng bóng, khi các đoàn thăm viếng đã vãn dần, chị Huyền vẫn cố ngồi nán lại thêm, để nhỡ có những vị khách bởi đường sá xa xôi mà tới muộn cũng được lắng nghe, được hiểu trọn vẹn về địa điểm linh thiêng này. Sự cần mẫn, tấm lòng biết nghĩ vì người khác của chị khiến tôi bất giác mỉm cười dọc đường về. Những tia nắng tháng Năm xuyên qua kẽ lá, như len lỏi sưởi ấm trái tim đang chất chứa bao nỗi niềm...