Đã thế, các giếng nước cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân đều khô cạn. Nhưng điều bà con lo nhất là chẳng may lúc nào đó giữa đêm khuya cả người và nhà cửa bị nuốt chửng bởi các “hố tử thần” thì nguy.
Hiện tượng sụt lún nhà và nguồn nước ngầm ngày càng càng kiệt ở các bản làng nói trên không phải bây giờ mới xảy ra, mà thực tế nó xuất hiện vài năm nay rồi. Ban đầu không ai biết tại sao lại có tình trạng đó. Nhưng rồi nguyên nhân thực sự cũng được xác định: Là do các công ty, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Theo thông tin của xã Châu Hồng, hiện nay trên địa bàn xã này có 11 doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản gồm cả khai thác đá và quặng thiếc. Để rút được quặng, các doanh nghiệp khoáng sản dùng các loại xe, máy moi sâu vào lòng đất đưa đất, đá (có quặng thiếc) lên, dùng những chiếc máy lớn để nghiền chúng ra thành bột. Tiếp đó lại dùng các loại máy khoan, máy bơm công suất lớn hút nước ngầm từ lòng đất để phun tuyển quặng. Chính vì mật độ doanh nghiệp khai khoáng nhiều, khai thác quá mức nguồn nước ngầm nên mới khiến cho giếng nước, ao đầm của bà con trong khu vực khô cạn. Cùng đó làm thay đổi kết cấu địa chất, khiến nhà cửa của người dân bị tác động nặng nề. Hơn thế, nguồn nước ngầm đã bị khô cạn, nguồn nước mặt cũng không thể sử dụng vì bị ô nhiễm nặng nề. Cách đây vài năm báo chí cũng rộ lên một đợt phản ánh tình trạng ruộng đồng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân không thể canh tác vì bùn thải từ các công ty khai thác khoáng sản. Nguồn nước từ các khe suối cũng bị ô nhiễm nặng, tình trạng cá chết, lúa héo xảy ra thường xuyên. Dân kêu nhiều lần nhưng rồi chẳng thấy thay đổi gì.
Với hiện tượng sụt lún như những ngày gần đây, nhiều người dân rầu rĩ nói rằng: “Chắc khi nào có vài ba ngôi nhà bị lòng đất nuốt chửng may ra người ta mới ngăn được tình trạng khai thác khoáng sản vô tội vạ”(?!).