Một nhóm các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Shizuoka của Nhật Bản liên kết cùng một số tổ chức khác sẽ đưa vào thử nghiệm dự án thang máy dẫn lên trạm vũ trụ vào ngày 11/9 tới.
Cụ thể, 2 vệ tinh nhỏ hình lập phương có cạnh 10 cm được nối với nhau bằng một sợi cáp dài khoảng 10 m sẽ được vận chuyển từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở Kagoshima, Nhật Bản đến Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Trong khi bay ngoài vũ trụ, 2 vệ tinh này sẽ tách khỏi nhau để kiểm tra độ bền của dây cáp. Toàn bộ hành trình này sẽ được ghi lại trên mỗi chiếc camera gắn trên mỗi vệ tinh.
Thử nghiệm này đang được đặt rất nhiều kỳ vọng khi cung cấp những thông tin cần thiết để phát triển hệ thống thang máy vũ trụ cũng như điều chỉnh các thiết kế và thông số phù hợp cho phiên bản hoàn chỉnh của công nghệ này.
Các nhà khoa học tới từ Nhật Bản trước đây từng đề cập tới kế hoạch sử dụng công nghệ nano cacbon để đưa mọi người vào không gian vào năm 2050 thông qua những chiếc xe robot được trang bị động cơ tuyến tính. Những chiếc xe này hoạt động như thang máy theo dự kiến sẽ tiếp cận trạm vũ trụ ISS trong 8 ngày với vận tốc 200 km/h thông qua một hệ thống cáp treo dài 96.000 km. Dự án này được ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 90 tỷ USD.
Dự án này được kỳ vọng sẽ thay thể hình thức chuyên chở người và hàng hóa từ Trái đất lên không gian với một mức giá hợp lý hơn. Hiện tại, chi phí để chuyển một tàu chở thàng tới không gian có giá khoảng 22.000 USD/kg. Với thang máy vũ trụ, con số này sẽ giảm xuống còn 200 USD.