Như bao gương mặt người Nghệ, chỉ nhận ra quê hương họ qua giọng nói, họ đã đến đây, qua đây, và trụ lại với mảnh đất này. Họ làm bao nhiêu thứ nghề khác nhau, có những nghề là gia truyền, làm nên "thương hiệu". Báo Nghệ An điện tử xin được giới thiệu với bạn đọc về một góc đời sống và một phần công việc của những người tha hương trên đất Nghệ trong nhọc nhằn công cuộc mưu sinh ấy.


 

762092_small_42184.jpg

Trú ngụ dưới mái lán tạm cũ kĩ, rách nát phía sau chợ Cửa Bắc (Thành phố Vinh); những bộ đồ sờn đen; một bữa ăn 3000 đồng, mỗi đêm ngủ 3000 đồng... đã làm nên cuộc sống của những thợ cóc tha phương.


Nghề rong ruổi


40 tuổi, nối nghiệp làm thịt cóc của gia đình từ năm lên 13, đến nay, vợ chồng anh Hưởng - chị Nguyệt đã có mặt khắp 64 tỉnh thành của cả nước để bán cóc. Với chiếc xe đạp cũ kĩ, họ và những người trong nghề không thể nhớ nổi đã qua bao nhiêu con đường, đặt chân lên bao nhiêu mảnh đất của Việt Nam; chỉ biết rằng, có đi mới biết nước ta dài, có đến mới hiểu vẫn còn nhiều mảng đời mưu sinh như mình... Cùng với anh Hưởng - chị Nguyệt đến Nghệ An còn có 10 thợ bán cóc chuyên nghiệp khác. Hầu hết họ đều ở xã Thọ An - huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Tây, nơi mà họ tự hào khoe có nghề làm thịt cóc gia truyền. Đến được xứ Nghệ, nghĩa là những người này đã rong ruổi khắp các tỉnh từ Hà Nam,Ninh Bình, Thanh Hóa... Lần nào đến đất Nghệ cũng khác, lúc trời rét căm căm, lúc cứ như đổ lửa; có lần thuận mua vừa bán, cũng có lần bão giá hoành hành khiến cho đội ngũ thợ thịt cóc lắm phen vất vả.


Một ngày làm việc của thợ cóc bắt đầu từ lúc 4h sáng. Họ ra bến xe chợ để nhận cóc sống gửi từ Hà Tây; cũng có lúc phải lặn lội đến các huyện như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương... để thu mua khi có khách đặt hàng vội. Khi đã chắc có vài yến cóc trong giỏ phía sau chiếc xe đạp cũ kĩ, họ tỏa ra khắp các hang cùng ngõ hẻm để rao bán. Tiếng rao "Cóc đây, cóc làm ruốc bông đây!" vang lên ở mỗi con đường, từng khu phố của TP. Vinh. Thế nên, cũng dễ hiểu khi mà những người đến từ tỉnh giáp thủ đô này thuộc đường ở Vinh hơn cả người địa phương. Mỗi ngày, tính ra hàng trăm cây số đường đã trôi qua dưới đôi lốp xe mòn vẹt. Dăm bữa nửa tháng, khi nhu cầu của người dân ở đây đã bão hòa thì họ lại rong ruổi sang tỉnh khác. Thế nên, lắm người cứ gọi họ là những người làm nghề liên tỉnh...


Nghề nhọc nhằn


Thường nghề bán cóc "gặp thời" vào dịp trước Tết Nguyên Đán và giai đoạn chuyển mùa. Khách mua cóc chủ yếu ở thành phố với mục đích là bồi dưỡng cho trẻ bị còi xương. Theo đôi vợ chồng anh Quyết - chị Thoa thì thời điểm bán được cóc là lúc hết giờ làm việc hành chính, lúc khách hàng tranh thủ thời gian rỗi. Điều này có nghĩa là họ phải làm việc trong khoảng thời gian ngắn để gia chủ còn đi làm hoặc lo việc khác. Thế nên, giấc ngủ trưa, bát cơm đúng bữa, đối với họ, là điều hiếm hoi, xa xỉ. Trong vai khách hàng, chúng tôi được chứng kiến tài nghệ diệt cóc của anh Quyết, chị Thoa. Quan trọng nhất là phải có cách để rút chỉ độc của cóc, không để cho mủ cóc vương vào các thớ thịt. Đây gần như là mẹo cha truyền con nối của nghề này. Chỉ trong vòng 45 phút, hơn 2 yến với hơn trăm con cóc đang ì ọp đã được hóa kiếp. Khi luộc chín, chị Thoa tỉ mỉ kiểm tra lại, róc những chỗ xương và thịt không cần thiết, để lại mớ thịt cóc trắng ngậy, bốc khói. Toàn bộ số thịt cóc này được cho vào cối giã nhỏ. Đôi bàn tay rắn rỏi của người thợ vung lên đều đặn, nhịp nhàng. Sau vài chục phút, cóc được giã nhuyễn rồi tiếp tục cho lên một chiếc chảo lớn và đảo từ từ. Bí quyết của ngọn lửa và nghệ thuật đảo tay đã biến toàn bộ số cóc trở thành món ruốc bông.


Mỗi kg ruốc bông làm từ thịt cóc có giá từ 500 đến 600 ngàn tuỳ thời điểm và chất lượng của cóc sống. Cóc càng to lớn và nhiều tuổi thì giá thành càng cao. Trung bình mỗi kg ruốc bông sẽ "tiêu diệt" từ 1 đến 1,5 yến cóc sống. Mỗi kg cóc thịt có giá từ 35 đến 45 nghìn đồng, tính ra, người bán cóc cũng chỉ lấy công làm lãi. Trung bình mỗi người thợ làm cóc có thu nhập từ 20.000 - 40.000 đồng/ngày. Đấy là chưa kể đến những nhọc nhằn mà họ phải gánh chịu, đó là điều kiện thời tiết, là hàng ế ẩm, lúc lại bị khách hàng săm soi... Những điều đó, có là gì bởi trên vai họ đã nặng nề hai chữ mưu sinh...


Và gian nan


Hơn 10 người cả nam lẫn nữ trú ngụ trong một cái lán khoảng 10m2. Lối vào lán sâu hun hút, ẩm thấp như một hang cóc. Chiếc lán được bao bọc bằng một bức tường rêu mốc có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, phía trên được lợp lớp pờrôximăng đủ để che mưa nắng... 10 người sống, ăn ở, nghỉ ngơi trên chiếc phản chật hẹp được ghép bằng những tấm gỗ tạp do gia chủ tận dụng. Đồ dùng trong lán không có gì ngoài mấy chiếc màn cũ rách, vài chiếc gối sờn đen, những tấm chăn quanh năm không phơi giặt. Gặp hơi người, lũ muỗi chụm lại vo ve. Phía góc lán, mấy chiếc xe đạp không thể cũ hơn nằm chồng chéo lên nhau. Họ ngủ trong tiếng kèng kẹc của lũ cóc đang dẫm đạp nhau trong bì. Theo lời của những người bán cóc thì cách tính ăn ở của họ đã ở mức tận cùng. Nếu thuê phòng trọ thì cũng phải mất ít nhất 200.000 đồng/tháng hoặc 10.000đồng/đêm, nhưng thuê trọ ở chiếc lán này chỉ 3000đ/đêm - "rẻ mà lại vui". "Đời cóc lấy công làm lãi, nếu mà thuê phòng trọ với giá cao hơn để ở, cùng với những chi phí khác như điện nước... thì chỉ còn nước bỏ nghề..."


Tương đương với giấc ngủ 3000 đồng/đêm là bữa ăn 3000đồng của những người thợ làm cóc. Rong ruổi hàng trăm cây số, họ tụ tập về quán cơm bụi quen thuộc trong Chợ Cửa Bắc (TP. Vinh). Suất cơm 3000đồng, chẳng có gì ngoài bát nước canh nguội lạnh, ít miếng đậu phụ kho với thịt bèo nhèo cùng tô cơm như nấu bằng gạo chạy lụt. Thi thoảng, những ngày "trúng mánh", cánh đàn ông mới tự thưởng cho mình vài chén rượu cồn, dăm củ lạc để khề khà. Thời gian gần đây, giá cả leo thang, suất ăn tăng mức 3.500đồng và duy trì bằng cách thêm cơm, bớt thức ăn. Sang nhất là suất cơm dành cho chị thợ đang mang thai tháng thứ tư: 5000 đồng.


Đất Nghệ An vốn nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt, cách mà họ chống chọi với thiên nhiên cũng chẳng giống ai, tựa như những thân cóc cùng chung hang tối. Chú Nguyễn Văn Bắc - người có thâm niên bám trụ Nghệ An lâu nhất, rất thấm thía cái rét xứ Nghệ: "Mùa đông, chỉ có những người nằm hai bên là phải chịu rét thôi chứ còn chật thế này mọi người nằm quây vào nhau là ấm cả ấy mà. Còn mùa hè thì cũng chịu được vì lán trống hoác, gió vào mát lắm!". Với những thân phận này, khổ mãi rồi cũng quen. Nhưng điều mà họ trăn trở là gia đình và con cái ở quê. Thôn Thọ An của họ cách TP. Vinh chừng hơn 400 km, bằng với quãng đường của vài ngày rong ruổi bán hàng, nhưng mỗi năm họ chỉ về nhà vào dịp Tết. Ăn vội ăn vàng cái Tết không lắm ồn ào ở quê, khoảng mùng 4 Tết họ lại tiếp tục dắt díu nhau rong ruổi qua những tỉnh thành. Con trai, con gái của họ nhờ cả ông bà nội ngoại. Nhiều lúc, thèm hơi ấm con, họ chỉ biết xích lại gần nhau thêm tí nữa để tự an ủi mình; lắm khi nhớ quê da diết, tiếng rao của họ như lạc đi trong sự gắng gỏi, với một ước mong bán được thật nhiều cóc...


Trở lại lán tạm của thợ cóc những ngày ra Tết, chúng tôi không gặp lại anh Quyết, chị Thoa, chú Bắc nữa, thay vào đó là một vài gương mặt mới. Chị Trần Thị Hoa cho biết những người mà chúng tôi vừa nhắc tên có lẽ đã đáp chân ở Quảng Nam, Đà Nẵng, cũng có thể họ tiến vào miền Tây Nam bộ bởi nghe đâu rằng cóc ở trong ấy còn nhiều và dễ bán hơn?!


Bài, ảnh: Nguyên Khoa - Thùy Vinh