(Baonghean.vn) - Hải sâm - hay gọi là rum biển, mấy năm trở lại đây được giới ăn nhậu tôn làm thần dược đàn ông nên giá cả tăng vọt. Nhiều ngư dân Diễn Châu bỏ hẳn nghề cá và kiếm tiền bạc triệu mỗi ngày nhờ săn hải sâm, song đi cùng với đó là nỗi lo tận diệt một loài hải sản có giá trị kinh tế lớn.
Ồ ạt săn thần dược
Ông Phạm Văn Ngọc (65 tuổi) - một ngư dân có thâm niên trong nghề lặn rum ở xóm Xuân Châu, Diễn Kim cho biết: Trước đây rum biển người dân ít ăn, chỉ nhập cho các lái buôn với giá rẻ từ 20- 30 ngàn đồng/kg, nhưng khoảng 5 năm trở lại nay giá cả tăng vọt, khi cao điểm lên tới 300.000 đồng/kg nên nhiều người bất kể trời mưa, nắng giá rét ra biển lặn bắt rum.
Theo ông Ngọc thì ngư dân Diễn Kim hầu như xóm nào cũng có người đi bắt hải sâm. Đồ nghề rất đơn giản chỉ cần một cái dầm bằng sắt và túi đựng mà thôi. Cái khó là phán đoán được vùng có nhiều rum, và phải lặn sâu, ngâm mình trong nước rồi biển dùng tay, chân để định vị.
Khi phát hiện ra thì tay phải cầm đầu (hoa rum) tay trái dùng dầm sắt bẩy lên để bắt. Người bắt phải hết sức khéo léo và nhanh nhẹn. Người có kinh nghiệm mới bắt được chứ không có kinh nghiệm thì chỉ chạm được vào “rum” một cái là mất dấu ngay. Vả lại thân rum trơn như thân lươn nên không có kinh nghiệm cũng rất khó bắt.
“Mỗi ngày hai cha con tui cũng bắt được khoảng 4 - 5 kg là có hơn triệu bạc, hơn đi biển đánh cá nhiều. Xóm tui cũng có khoảng 30 người bỏ ra khơi đánh cá thường xuyên đi lặn rum.” ông Ngọc nói
Có mặt tại vùng biển Diễn Hải, chúng tôi gặp một nhóm thợ lặn rum đến từ Diễn Hùng đang ngụp lặn ngoài biển, cách bờ khoảng 4 km. Nhóm thợ lặn này trông rất chuyên nghiệp, trang bị áo phao gắn chì nặng và đồ lặn.
Anh Hùng, một thợ lặn cho biết: Bọn em đều là dân đi biển đánh cá nhưng thấy lặn rum "ngon ăn" hơn nên bỏ nghề đánh cá để đi lặn rum ở các vùng biển từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Mỗi ngày thu nhập cũng khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/ngày. Nhờ nghề này mà em cất được ngôi nhà mái Thái khang trang và nuôi được 4 đứa con ăn học.
Trước đây, cả vùng biển Diễn Châu cứ ra khoảng 1,5 m nước biển là có rum nhưng nay chỉ có Diễn Kim và Diễn Hải là nhiều nhất bởi ngày nào cũng có hàng trăm thợ săn đến từ các nơi ồ ạt săn bắt nên đã hiếm dần.
“Nhiều người bắt nên rum nay cũng đến hồi cạn kiệt, cả ngày hôm nay mỗi người chỉ lặn bắt được hơn 1kg thôi. Cứ đã bắt ồ ạt như hiện nay thì một thời gian ngắn nữa vùng biển này sẽ không còn rum” Anh Hùng nói.
Thần dược lên đĩa
Vì tin đồn thần dược, ăn vào cường dương, bổ âm nên, nhiều thực khách đều tìm đến vùng biển để thưởng thức món này. Có cầu ắt có cung, nhiều nhà hàng đặc sản đã thu mua loại thần dược này để bán, giá bán từ 200- 500 ngàn đồng/đĩa tùy thuộc vào cách chế biến và số lượng...
Rum có thể chế biến được rất nhiều món như: Hấp ngải cứu, thuốc bắc, nấu cháo, xào sả ớt. Nhưng món khoái khẩu nhất vẫn là rum om hoặc xào củ chuốt hột với lá lốt… Anh Nam chủ một nhà hàng đặc sản ở Diễn Hải cho biết: Khách đến thường gọi món này, không kể đắt rẻ. Nhưng mặt hàng này hiện nay cũng rất khan hiếm vì có các lái buôn mua với giá cao để đưa đi Trung Quốc. Do đó, muốn ăn rum không phải lúc nào cũng có.
Anh Nguyễn Hải, một thực khách chia sẻ: Tôi nghe nói ăn rum rất bổ dưỡng và tốt cho "chuyện ấy" nên xuống đây mua để ăn. Không biết nó tốt như thế nào nhưng ăn cảm giác ngon, nên hôm nay tôi đưa cả bà xã đến đây để thưởng thức…
Theo các tài liệu đông y, hải sâm vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh, tráng dương, sát khuẩn, bổ khí huyết… Ngoài ra, nó còn được dùng để cầm máu, tiêu đờm, chữa thần kinh suy nhược, viêm phế quản, ho, mụn nhọt… |
Săn hải sâm đang là cơn sốt tại vùng biển Diễn Châu. Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Ngọc - một ngư dân xã Diễn Kim thì với đà tận bắt, tận diệt và ô nhiễm môi trường biển như hiện nay, trong tương lai gần loài hải sâm quý sẽ bị cạn kiệt ở vùng biển này.
“Các nhà khoa học nên nghiên cứu giúp ngư dân nhân giống loài hải sâm này để nuôi thương phẩm như nuôi tôm, ngao, ghẹ, cá vược thì hay biết mấy. Nếu được vậy, nó không chỉ là "thần dược" cho đàn ông mà còn là "thần dược" xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho bà con ngư dân chúng tôi”, ông Ngọc mong muốn.
Tiến Dũng