Nhường nhau manh chiếu
Ông Nguyễn Kế Toản 90 tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng (nguyên phụ trách Phòng 10 và dân K10, Huyện ủy Tân Kỳ) và bà Nguyễn Thị Liệu 86 tuổi đời, 55 tuổi Đảng (nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ) là những nhân chứng lịch sử về thời điểm Đảng bộ, quân và dân Tân Kỳ đón đồng bào Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra sơ tán theo kế hoạch K10. Nhắc đến sự kiện này thì ký ức lại ùa về trong tâm trí của ông bà. Ngày ấy, bà con Vĩnh Linh ra sơ tán cùng người dân Tân Kỳ sống với nhau như anh em ruột thịt, nhường cơm sẻ áo, sâu đậm tình thương yêu, đùm bọc.
Với giọng nói trầm ấm, thuyết phục, câu chuyện của bà Liệu đưa chúng tôi ngược dòng thời gian những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong kháng chiến chống Mỹ vào những năm 1965 - 1968, Vĩnh Linh (Quảng Trị) với vị trí tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, trở thành mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ. Nhằm hạn chế thương vong và đảm bảo nguồn lực bảo vệ Tổ quốc và xây dựng tương lai cho quê hương đất nước, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Vĩnh Linh thực hiện kế hoạch K10 sơ tán người già, trẻ em ra các tỉnh phía Bắc, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Kỳ. Lúc đó 13/16 xã của Tân Kỳ có bà con K10 sinh sống.
“Người dân xã Nghĩa Đồng chúng tôi chờ đón bà con Vĩnh Linh ra sơ tán đúng vào ban đêm. Mọi người tập trung chờ ở Hội quán Hợp tác xã Thượng Thắng, khuya lắm xe mới về tới nơi, cán bộ địa phương phân chia ở các xóm đón bà con của xã Vĩnh Trung (Vĩnh Linh). Trên 850 người dân Vĩnh Trung sơ tán ở Tân Kỳ toàn là phụ nữ, người già, trẻ em dưới 5 tuổi. Thời gian đầu tức là trước Tết Kỷ Dậu 1969, cứ một gia đình ở Nghĩa Đồng đón một gia đình ở Vĩnh Trung về ở chung một nhà. Mà nhà cửa thời đó đâu có rộng rãi như bây giờ, toàn tranh tre vách đất, cũng không đủ chăn màn. Thế nhưng, người dân chúng tôi đón tiếp bà con như đón tiếp người thân của mình đi xa về. Cùng ăn cơm chung trên một cái mươn, cùng thờ chung cha mẹ trên một bàn thờ".
Quãng thời gian đó, nhiều câu chuyện, kỷ niệm không thể nào quên về tình cảm của bà con 2 huyện dành cho nhau. Người dân Nghĩa Đồng vẫn thường nhắc đến câu chuyện hai gia đình Nghĩa Đồng và Vĩnh Trung ở chung một nhà, chỉ có một chiếc chiếu cói để nằm ngủ nhưng không gia đình nào chịu nằm cứ nhường đi nhường lại cho nhau rồi cuối cùng đem kê đầu là câu chuyện có thật.
Hồi đó có ông chủ nhiệm cửa hàng tên là Trịnh Hữu Đức, ông phải ngủ đêm tại cửa hàng, đã nhường chiếc giường một của mình cho một bác người xã Vĩnh Trung sơ tán. Hết chiến tranh bác xin đưa chiếc giường về quê làm kỷ niệm. Lần thứ hai tôi vào Vĩnh Linh, cùng với các anh em trong đoàn đến chơi, chiếc giường đó vẫn được bác gác trên hạ nhà. Tôi hỏi sao bác không dùng, bác nói “tôi để làm kỷ niệm thôi, không nỡ đem dùng mô thím”. Bà Liệu xúc động nói: “Tôi nghĩ chỉ có những điều gì chạm sâu vào ký ức, điều gì khắc cốt ghi tâm thì lòng người mới xúc động đến vậy. Còn gia đình tôi đặt đứa con trai tên là Ngô Gia Vĩnh để nhớ một thời gắn bó máu thịt với Vĩnh Linh…”.
Thời gian bà con Vĩnh Linh ra là áp Tết, ăn Tết xong là lo giải quyết một loạt các vấn đề: Trước hết là lo tranh tre nứa lá, đất đai làm nhà cho bà con. Chỉ 2 tháng sau khi đến định cư ở đất Tân Kỳ, bà con đã ổn định cuộc sống và bắt tay vào sản xuất, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Người dân 2 xã học tập trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chở che, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ tận tình cho nhau. Qua những năm tháng chung sống, gắn bó đồng bào đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, cùng lao động sản xuất, khai hoang phục hóa…
Mảnh đất nuôi dưỡng nghĩa tình
Tân Kỳ trở thành quê hương thứ hai nuôi dưỡng gần 3 vạn con em người Vĩnh Linh trong cuộc di dân có một không hai trong lịch sử dân tộc. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù ở nơi đâu nghĩa tình ấy luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân 2 huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”. Để giữ gìn và vun đắp truyền thống quý báu đó, năm 2008, dưới sự chỉ đạo của 2 Đảng bộ huyện Vĩnh Linh - Tân Kỳ, tuổi trẻ 2 huyện đã ký kết nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực.
Theo đó, Đoàn Thanh niên 2 địa phương đã tích cực tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về ý nghĩa lịch sử của chiến dịch K10, những tình cảm quý báu của Đảng bộ, quân, dân và tuổi trẻ 2 huyện trong thời kỳ chống Mỹ cũng như thời kỳ xây dựng đất nước. Trong 10 năm qua, tuổi trẻ Vĩnh Linh - Tân Kỳ đã tổ chức gần 10 hoạt động cấp huyện.
Hai bên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm công tác Đoàn; tham quan thực tế những mô hình phát triển kinh tế của thanh niên, các hình thức sáng tạo trong xây dựng tổ chức Đoàn, tổ chức các hoạt động “về nguồn” thăm, tặng quà, giúp đỡ những gia đình khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, nhân các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của 2 huyện, tuổi trẻ 2 huyện đã tham dự cắm trại với nhiều chương trình sinh hoạt truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ.
Tiêu biểu vào tháng 10/2018, tuổi trẻ 2 huyện đã tổ chức khánh thành công trình thanh niên thắm tình quê chung “Nhà ăn dành cho học sinh bán trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Hợp” tại huyện Tân Kỳ với chi phí đầu tư xây dựng hơn 800 triệu đồng. Ngày 23/8/2019, Ban Thường vụ Huyện đoàn Tân Kỳ và Huyện đoàn Vĩnh Linh khánh thành công trình thanh niên “Biểu trưng logo huyện Vĩnh Linh” tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị với kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó tuổi trẻ huyện Tân Kỳ ủng hộ 100 triệu đồng.
Bên cạnh hoạt động cấp huyện, các cơ sở đoàn, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở cấp xã, thị trấn huyện Vĩnh Linh tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa với các cơ sở của huyện Tân Kỳ. Đến nay đã có 13 xã, thị trấn tổ chức các hoạt động kết nghĩa, với nhiều nội dung phong phú. “Những hoạt động có ý nghĩa thiết thực giữa 2 huyện sẽ là nền tảng, tiền đề để cùng nhau xây đắp mối quan hệ mật thiết của các thế hệ người Vĩnh Linh - Tân Kỳ hôm qua, hôm nay và mai sau. Qua các giai đoạn phát triển, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tân Kỳ và Vĩnh Linh vẫn vẹn nguyên tình cảm sắt son” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ Phan Văn Giáp nhấn mạnh.