Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố Chỉ số cảm nhậntham nhũng(CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu, tăng 2 điểm so với khảo sát năm 2016.
Tổ chức Hướng Tới Minh Bạch (TT) - Cơ quan đầu mối của TI tại Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Tuy nhiên,theo đánh giá của TT,vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.
Điểm số CPI cho Việt Nam được TI tính toán, sử dụng thông tin từ 8 nguồn dữ liệu khảo sát quốc tế độc lập, có uy tín và thể hiện quan điểm đánh giá của các chuyên gia và các nhà doanh nghiệp về vấn đề tham nhũng trong khu vực công.
Để hiểu về tình hình tham nhũng trong khu vực công, bên cạnh chỉ số CPI , thì TI và TT còn có các công cụ đánh giá khác về tham nhũng, trong đó có khảo sát “Phong vũ Biểu Tham nhũng toàn cầu (GCB 2017) - đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân Việt Nam.
Khảo sát này đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp người dân tại 18 tỉnh về nhận thức và trải nghiệm của họ đối với tham nhũng trong lĩnh vực công. Theo bà Viễn, điểm số CPI của Việt Nam năm nay cũng có mức độ tương đồng với kết quả khảo sát của GCB 2017.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về phòng chống tham nhũng như tiến hành sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
72% người được hỏi lo ngại về tham nhũng vặt
Tuy nhiên, bên cạnh việc xét xử các vụ án lớn, người dân vẫn rất lo ngại về tình trạng tham nhũng vặt đối với những dịch vụ công mà họ tiếp cận sát sườn như y tế, giáo dục…
Dẫn kết quả phỏng vấn người dân tại 18 tỉnh, thành về cảm nhận và trải nghiệm của họ đối với tham nhũng trong khu vực công (GCB 2017) bà Viễn cho biết: 72% người được hỏi tin rằng tham nhũng trong khu vực công là một vấn đề nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng (so với 61% trong báo cáo GCB của năm 2013). Tuy nhiên, rất ít người (chỉ có 3%) tố cáo tham nhũng vì họ tin rằng tố cáo tham nhũng cũng không thay đổi được gì.
Bên cạnh đó, 65% những người có liên hệ với bất kỳ một trong số sáu dịch vụ công (giáo dục công lập, y tế công cộng, làm chứng minh nhân dân, cơ sở cung cấp dịch vụ công ích, cảnh sát, thẩm phán hoặc các quan chức tòa án) được khảo sát nói rằng, họ phải trả tiền hối lộ. Đây là mức cao nhất trong số các nước ASEAN được khảo sát và cao thứ hai trong số các nước được khảo sát ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chỉ sau Ấn Độ.
37% người được hỏi trả lời rằng, họ từ chối không trả tiền hối lộ, đó là cách hiệu quả nhất mà một công dân bình thường có thể làm để chống tham nhũng. Tuy nhiên, 15% cảm thấy hoàn toàn bất lực trong việc chống tham nhũng vì họ nghĩ rằng "những người bình thường không thể làm bất cứ điều gì."
Bà Kiều Viễn cho biết, Hướng Tới Minh Bạch đã chia sẻ kết quả Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017 cũng như báo cáo GCB 2017 tới một số cơ quan chức năng ở Việt Nam, trong đó có Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương.
Bà Viễn cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xử lý một số đại án tham nhũng, Hướng Tới Minh Bạch ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tập trung xử lý, ngăn chặn hiệu quả “tham nhũng vặt”, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp- một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018.
Báo cáo GCB 2017 cũng chỉ ra 3 đối tượng người dân cho là dễ tham nhũng nhất ở Việt Nam là cảnh sát, cán bộ thuế và lãnh đạo doanh nghiệp./.