Chiều ngày 7/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể lần thứ 2 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016. Chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi…
Cơ chế xin – cho là điệu kiện “dung dưỡng”, nảy sinh tham nhũng
Báo cáo tại phiên họp, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong năm 2016, việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến.
Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện "dung dưỡng" và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...
Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn…Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.
Vì sao chỉ phát hiện tham nhũng chủ yếu ở cấp xã, phường?
Dự báo, trong năm 2017 và các năm tiếp theo tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Do đó, trong năm 2017, Chính phủ kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng
Thẩm tra báo cáo, nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng còn chưa tương xứng với quy mô của bộ máy chống tham nhũng và tình hình tham nhũng đang diễn ra. Tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật giảm nhưng không nhiều.
Đáng chú ý, việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2015 và giảm dần theo từng năm. Vẫn còn một số vụ án xử lý kéo dài, xem xét, xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa thật nghiêm khắc.
Thực tế cho thấy tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, phường, thị trấn hoặc những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, còn ở cấp tỉnh, cấp huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng được ít. Đề nghị Chính phủ, các ngành cần đánh giá rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng này.
Đánh giá tình hình tham nhũng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nêu rõ về căn cứ để đánh giá tình hình tham nhũng năm 2016, đánh giá rõ ràng tình hình tham nhũng hiện nay còn nghiêm trọng hay không, những lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào còn để tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến, nghiêm trọng?.
Giải trình nhận định cho rằng còn có biểu hiện chưa coi trọng việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, đây cũng là hạn chế mà Chính phủ đã nghiêm túc chỉ ra khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN.
Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân là do còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích.
Về việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết của Quốc hội. Ông trần tình, nguyên nhân là do việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp, khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cũng chỉ ra điểm nghẽn trong PCTN là cơ cấu và cơ chế. Ông nói "hiện nay tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Phát hiện không ra, yếu kém, hoặc bỏ lọt, đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Điều này không phải bàn. Nhưng tham nhũng trong quản lý kinh tế, ai là người chịu trách nhiệm, chưa có đầu mối. Đây là điểm nghẽn".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ cho Quốc hội thấy hạn chế trong phòng chống tham nhũng nằm ở người nào, địa chỉ nào, một số cơ quan chưa quyết liệt, một bộ phận không nhỏ nên đi thẳng vào để có địa chỉ, bởi muốn làm thực sự thì phải rõ địa chỉ.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2016, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. - Từ tháng 01/10/2015 đến tháng 31/7/2016, Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 236 vụ án, 609 bị can phạm tội về tham nhũng. - Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 236 vụ, 548 bị can về các tội danh tham nhũng. - Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 325 vụ với 873 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 402 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 46,7% (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015). - 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý (Bộ Tài Chính 4 người; TP Hồ Chí Minh 1 người; TP Hà Nội 8 người; Thừa Thiên Huế 1 người; Quảng Ngãi 2 người, Tây Ninh 2 người). |