Đi dọc Việt Nam, nếu nói nơi đâu phản ánh đời sống, thói quen sinh hoạt và văn hóa cộng đồng của con người một cách chân thật nhất có lẽ chính là cái chợ. 
 
Chợ tình
 
Miền núi phía Bắc có cái thứ "đặc sản" gọi tên là Chợ Tình. Từ Khau Vai, Du Già, cho đến Sapa, Châu Mộc... Vì ngăn sông cách đèo mà một tháng chỉ 2, 3 phiên mới rồng rắn kéo nhau ra chợ. Thành thử một bãi đất trống hiếm hoi nào đấy giữa điệp trùng núi đồi, người ta thấy một bữa tiệc màu sắc của váy áo, tiếng rung reng của vòng lắc. Cái chợ không lều lán, hoặc nếu có thì đơn sơ lắm, thế mà cũng đủ món. Nào rau củ cho đến thịt lợn thịt trâu, nào rượu nào mèn mén nào thắng cố nóng sốt ăn ngay được, nào khăn thêu nào trang sức bạc nào đàn môi. Lại vẫn đủ một khoảng không bao giờ thiếu để người ta ném còn, đánh đu, thổi khèn, tình tự.
 
images1119586_kham_pha_moc_chau_son_la_5c.jpg
 
Cái chợ tình nó vốn "tình" bởi người ta đến đây không xác định quá nặng nề vấn đề mua bán. Các nhà kinh tế có lẽ cũng sẽ đồng tình, hàng hóa tại đây từ tay người này sang tay người kia gần như chỉ là một hình thức đổi chác, người đến đây mang tới thứ tôi có và nhận về thứ tôi cần, đôi khi "lợi nhuận thặng dư" là con số không. Nhưng tất cả đều hạnh phúc bởi người ta nhận một cách vô thức thứ "lợi tức" không trình bày lý giải được trong chính những nụ cười trai gái thành đôi, trong hơi men say ngà ngà của đôi vợ chồng mang đôi chim mi đi chọi, hay tiếng khanh khách của thằng bé mũm mĩm được mẹ giao cho trông bán 2 con chó Bắc Hà.
 
 
Cái chợ tồn tại lâu năm, không cần sự can thiệp quá nhiều của cơ quan quản lý, không cần đầu tư quá lớn của công ty xây dựng, nhưng lại là nét văn hóa đặc sắc. Tiếc rằng, nó đang mai một nhanh và khó lòng khôi phục.
 
Chợ cóc
 
Chợ cóc có nhiều kiểu: chợ cóc miền quê, chợ tự phát ở thành phố... Nó sinh ra từ nhu cầu "chữa cháy", bởi lỡ bữa hay trót quên/thiếu món gì đã định mua hồi sáng.
 
 
Nhưng cứ khi nào nhắc đến chợ cóc, tôi lại liên tưởng hình hài những hàng quán bé ti hin và vội vã, ồn ào rất nhanh và quạnh quẽ cũng rất nhanh, và bao giờ cũng vậy, luôn luôn là cảm giác về những buổi chiều. Bà mẹ tan sở, chở con đi học về tạt qua mua mớ rau con cá cho cơm tối. Người vợ quê tất tả chạy ra sắm thêm khoanh giò cút rượu đãi chồng về sau 2 tháng đi xây. Vì nhanh vì vội nên chợ cóc không phải là nơi để tìm kiếm sự văn minh lịch sự một cách sách vở, nó đắt, nó ít, nó hơi nhớp nháp đường đi lối lại. Nhưng không thiếu được bởi từ lâu nó ăn vào thói quen và là một phần nhu cầu mất rồi.
 
Chợ "trung tâm"
 
Tôi gọi như vậy để nói chung về những khu chợ sầm uất tại những cố đô hoặc thành thị lớn, như Đồng Xuân, Đông Ba, Bến Thành - những khu chợ mang màu sắc thương mại có quy mô lớn từ rất sớm.
 
 
Đồng Xuân - trung tâm đất Kẻ Chợ một thời, nối những "huyết mạch" chảy vào 36 phố. Vào những năm Hà Nội chưa đổi mới, còn những dòng người theo thuyền thương lái đi dọc sông hồng mang hàng hóa từ khắp nơi đổ về đây, còn những chuyến xe điện leng keng, chật ních người háo hức từ 5 cửa ô kéo lại, cái chợ Đồng Xuân đã to lớn và tấp nập như thế. Sự phong phú các mặt hàng như điều tất yếu với một nơi mua bán tối quan trọng của đất kinh đô. Có lẽ nhiều người sẽ nhầm lẫn tầm quan trọng của nó trong kí ức những ai đến và ở đây, rằng nó là một cái chợ rất "Hà Nội" theo nghĩa thanh lịch mà mọi người vẫn hình dung. Không, nằm giữa Hà Thành, nhưng nó đáng nhớ bởi nó "không hề Hà Nội" nhất, mà bình dân và xô bồ nhất. Xuất phát điểm của Đồng Xuân chính xác là đất quy tụ người và hàng hóa muôn phương, những người bán tơ lụa nói thứ tiếng ngai ngái từ Hà Tây, những người buôn hoa quả với nụ cười thật thà đi sang từ Hải Hưng cũ... Đồng Xuân bây giờ tuy đã khác, có ki-os có hành lang có thang cuốn, không còn những người quê mang sản-vật-địa-phương đến đất đô thành nữa, thay vào đó người bán hàng đúng là có hộ khẩu Hà Nội thật, chặt chém nhiều hơn, thành ra nó "không còn Hà Nội mấy" nữa.
 
Chợ Bến Thành mang hương vị Sài Gòn rất rõ. Rộng lớn và đầy đủ, sòng phẳng và nhanh. Nó đúng như cái khí chất của vùng đất được "hình thái sinh hoạt kiểu tư bản" đặt chân tới sớm nhất cả nước.
 
Một sạp hàng ở chợ Đông Ba
 
Đông Ba thì hơi khác. Chắc tại người Huế nhẹ nhàng, mưa Huế buồn, mà nắng Huế cũng mảnh mai; nên Đông Ba là cái chợ tôi có cảm tình hơn cả trong những kiểu chợ "trung tâm" bởi phong thái từ tốn đã ngấm vào máu người cố đô. Nó cũng ồn, cũng đông và eo sèo như bao cái chợ, nhưng tôi đã mềm lòng bởi những tiếng mặc cả kèm lẫn nụ cười thèn thẹn "cái ni" "cái tê" của cô bán hàng. Người ta cũng không xua đuổi hay "đốt vía" nếu tôi có trót hỏi lòng vòng chán chê mà chẳng mua cho một chiếc nón lá. 
 
Chợ đêm đầu mối
 
Thông thường sẽ bán rau củ quả và hoa tươi. 
 
Hiếm hoi khi bước vào đây rồi mà chụp được những tấm ảnh. Thật đấy. Có rất nhiều lý do. Vì quá đông quá chật và gấp gáp, ở đây người ta buôn thúng bán thuyền, ý tôi tức là buôn sỉ chứ không bán lẻ. Người bán thông thường không có tâm lý muốn mặc cả, mà giá đã "fix", hãn hữu mới có trường hợp du di. Vì "đầu mối" miếng ăn của người bán, nên bạn cũng không được chào đón đâu nếu tới đây không vì mục đích mua bán mà vì tò mò, điều tra.
 
 
Đến chợ đầu mối, hình ảnh ấn tượng nhất để bạn nhìn ngắm, vẽ, chụp hình chính là những người phu khuân vác - những mảnh đời muôn vạn nẻo, những cảnh lao động trong ánh đèn vàng lắc lẻo về đêm. Nhưng nói thật, hãy cẩn thận và khéo léo, kẻo ống kính của bạn "đi đời" vì một quả cam bay ra từ tay người bán hàng nào đó.
 
Chợ cá ven biển
 
 
Thực chất cũng là một kiểu chợ đầu mối, nhưng riêng biệt hơn và thân tình hơn. Những thuyền ra khơi giữa đêm và vào bờ khi bình minh ló dạng, mang theo khoang đầy tôm cá tươi. Chúng được dỡ, phân loại và bán tại bờ. Vị mặn mòi, hơi biển lạnh sáng sớm và mùi tanh đặc trưng ấy tuy có ám vào quần áo nhưng lại thấy yêu mến thêm màu da sạm bóng của những người đàn ông lưng trần trở về. Khác với cái gọi là "hàng tôm hàng cá", những người dân miền biển lại như vị muối chát, giản dị và trân quý từ đồng tiền lẻ nhàu nhĩ trong túi áo, đến giá một cân mực rẻ như biếu tặng. Quà của biển khơi đẹp hơn lên nhờ những cái chợ và con người như thế. 
 
Chợ nổi
 
 
Tôi thích chụp ảnh về chợ nổi nhất. Sự đặc biệt của nó từ phương tiện chuyên chở, từ cách người ta "giới thiệu mặt hàng", cách người ta bán mua và cả tinh thần của người bán đẩy ghe mang đồ đến chợ, tất tật đều thân thương và đáng mến. Một vùng miền Tây nước lặng lên cao, những cây điên điển dạt phía đôi bờ, từng chiếc ghe lướt tới trong ánh bình minh bằng sào đẩy. Đôi vợ chồng bán hàng buộc một chùm roi (người địa phương kêu bằng mận) với trái bưởi lên "cây bẹo", ý bảo "nhà tui bán mận bán bưởi đó nha bà con", cập bến. Chợ nổi quy tụ cây trái hái từ vườn. Đôi ba thuyền bán hủ tiếu nóng. Món gì cũng rẻ cũng tươi. Người mua lên ghe lên thuyền, dập dềnh và lúc lắc, mua xong lại lên bờ hoặc dong ghe trở về. Chợ nổi là cái nơi tôi được sung sướng mãn nguyện ăn hết hẳn 1 trái sầu riêng mà rẻ bằng phân nửa giá mua tại Sài Gòn hay bất cứ đâu, được cười theo những câu chuyện hào sảng của người miền sông nước "tính kiếm nhiêu tiền thì trèo lên cây hái ngần đó thôi hà, không có hái dư uổng lắm, bán chạy thì về sớm nhậu, mà dư thì cũng mang về...nhậu, vừa đủ sài là được rồi".
 
 
Thế đấy, trong Nam ngoài Bắc, trên bến dưới thuyền, nơi đâu cũng có chợ như cơ thể nào cũng có một quả tim trao đổi chất. Ngày nay tuy đầy rẫy siêu thị, khu mua sắm, nhưng người ta cũng  lạicó thêm chợ đêm cho người đi bộ ngắm phố phường hoặc mua đồ lưu niệm, có chợ xanh cho sinh viên... Hình hài của chợ nhiều thêm tức là mức sống và nhu cầu của con người đa dạng thêm, và nghĩa là thói quen gắn vào cái chợ càng bền chặt. Chẳng thế mà du khách nào tới Việt Nam, cũng không thể bỏ quên những cái chợ phô bày thật thà nhất về con người, về vùng đất.
 
Theo Depplus.vn