Cuộc chuyển giao "quyền lực" trong làng nhạc giữa thế hệ nghệ sĩ "vàng" của Làn sóng xanh 10 năm trước và lớp ca sĩ trẻ ngày càng rõ ràng và sâu sắc.
Noo Phước Thịnh là một trong số ca sĩ trẻ công khai lịch diễn của mình trên trang cá nhân để các fan tiện theo dõi và đi cổ vũ. Lịch diễn một tháng gần đây của anh có khoảng hơn 30 show trong 24 ngày, tại khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước. Cùng Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Sơn Tùng... cũng là những cái tên được săn đón của các nhà tổ chức sự kiện, các bầu show ca nhạc hay các nhãn hàng, thương hiệu nhắm đến đối tượng khán giả phổ thông.
Nhờ sự phát triển của mạng xã hội và các trang nhạc online, những tên tuổi trẻ như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi dễ dàng tạo ra xu hướng mới, thay vì theo đuổi dòng nhạc mà đàn anh, đàn chị đã thành công. Trên các bảng xếp hạng nhạc online, cán cân luôn nghiêng về thế hệ sau. Sơn Tùng M-TP là một ví dụ. Thu hút hơn 23 triệu lượt nghe sau chưa đầy 5 ngày ra mắt, Chắc ai đó sẽ về của anh đã lập kỷ lục mới cho một ca khúc tiếng Việt. Trước đó, với Cơn mưa ngang qua, anh đã góp phần thuyết phục được khán giả trẻ chấp nhận dòng nhạc điện tử nhanh, bắt tai của giới Underground.
Khi thời của băng đĩa đã qua, MV chính là công cụ mới để đo độ hot của các sản phẩm âm nhạc. Những MV của Noo Phước Thịnh, Đông Nhi hay Bích Phương liên tục dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trên Internet và truyền hình. Không chỉ nhắm vào phần ca khúc bắt tai, sự đầu tư kỹ về hình ảnh, thậm chí phong cách thời trang, vũ đạo cho thấy khả năng nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của khán giả trẻ ngày nay. Ngoại trừ những cái tên cũ như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm vẫn đều đặn cho ra sản phẩm... music video giờ đây hầu như là sân chơi của các ca sĩ - nhạc sĩ trẻ.
Phương Thanh - đại diện của lớp đi trước - nhận xét: "Thế hệ bây giờ dù giọng hát đặc sắc chưa nhiều, họ có phần trình diễn rất sinh động và hiện đại, xem rất đã mắt. Có những bạn có giọng tốt như Trung Quân, nhảy giỏi như Đông Nhi hoặc hoàn hảo từ sắc diện, giọng hát đến phong cách như Noo Phước Thịnh". Chị Bảo Anh (Quận 3, TP HCM) chia sẻ khi đứng chờ con tại một lễ trao giải âm nhạc online: "Con tôi giờ chỉ nghe Bùi Bích Phương, Noo Phước Thịnh qua điện thoại, laptop. Cháu ngoại tôi mới hai tuổi mà suốt ngày đã bi bô 'Là em của ngày hôm qua'". Nhìn vào tấm banner giới thiệu ca sĩ trước Nhà hát Hòa Bình, chị bảo: "Những cái tên thần tượng của chúng tôi ngày càng thưa thớt dần".
Các lễ trao giải thưởng âm nhạc, cả mới cả cũ, cũng cho thấy sự đảo chiều rõ ràng. Sau nhiều năm liên tục tôn vinh những gương mặt cũ, Làn sóng xanh 2014 đã mạnh dạn xếp các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên và Cẩm Ly vào một "bảng vàng" dành cho những ca sĩ kỳ cựu. Qua đó hướng sự tập trung vào lớp trẻ ở bảng bình chọn phù hợp với xu hướng nghe của số đông hiện nay. Không chỉ Làn sóng xanh, những cái tên trẻ Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Minh Hằng, Vũ Cát Tường, Sơn Tùng... thay nhau "càn quét" khắp các lễ trao giải âm nhạc. Gần đây nhất, cô bé 11 tuổi Phương Mỹ Chi cũng vượt qua nhiều tên tuổi lớn để thắng giải "Bài hát yêu thích" của năm 2014 do khán giả bình chọn.
Bằng cách này hay cách khác, các nhà sản xuất âm nhạc cũng âm thầm lồng ghép thông điệp về sự chuyển giao thế hệ trong chương trình của mình. Trong đêm trao giải Yan Vpop 20 Awards 2013, các ca sĩ trẻ không chỉ trình diễn các bản hit của mình mà còn tái hiện các bản hit của lớp đàn anh. Noo Phước Thịnh thể hiện liên khúc Tình thôi xót xa - Bên em là biển rộng gắn liền tên tuổi của Lam Trường, Thanh Lam... Đông Nhi lần đầu tiên được trình diễn cùng Thu Minh và nhận được những lời động viên rất chân thành từ đàn chị.
Trong khi đó, những tên tuổi từng làm dậy sóng Vpop hơn 10 năm qua đang có xu hướng bước chậm lại để giữ vị trí, hình ảnh của mình. Mặt khác, họ cũng chủ động nhường sân chơi cho thế hệ trẻ.
Quang Dũng tập trung chinh phục đối tượng khán giả trung niên với những không gian sang trọng và ít xô bồ hơn như phòng trà. Đàm Vĩnh Hưng thực hiện hẳn những đêm nhạc riêng dành cho fan trung thành, với tiêu chí được phân chia rất rõ, từ khán giả bình dân (giá vé tối đa 500.000 đồng) đến người có thu nhập cao (giá vé tối đa 5 triệu). Đan Trường, Thanh Thảo cũng có show đều đặn, tuy nhiên lại "mất hút" ở TP HCM và Hà Nội, chỉ hát ở tỉnh hoặc lưu diễn nước ngoài. Riêng Mỹ Tâm, Phương Thanh, Cẩm Ly vẫn giữ được phong độ, nhưng cũng không quên làm mới bản thân ở những lĩnh vực khác nhau như giám khảo, diễn viên... Họ có điểm chung là ngày càng chọn lọc sân khấu để giữ gìn hình ảnh, vị trí riêng, phù hợp với đối tượng khán giả riêng của mình.
Phương Thanh tâm sự với VnExpress: "Thế hệ của chúng tôi đã đứng đủ lâu trên sân khấu, cũng đã trải nghiệm mọi ánh hào quang. Công việc hiện tại là gìn giữ danh tiếng, cần khuyến khích thế hệ sau phát triển chứ không phải tìm cách cạnh tranh với các em". Thời gian gần đây, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Hồ Ngọc Hà... cũng từ chối góp mặt ở các giải thưởng âm nhạc hoặc chủ động kêu gọi fan thôi bình chọn, nhường cơ hội cho đàn em. Họ hài lòng khi chuyển sang vai trò người trao giải thưởng, như một sự công nhận thành quả lao động của thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ thế hệ trước vẫn tỏ lo ngại vì ca sĩ trẻ hiện giờ chưa thật sự tạo được dòng nhạc, phong cách riêng. Nhiều người xuất hiện và trình diễn "na ná" Hàn Quốc. Nhạc sĩ Thanh Bùi nhận định về thẩm mỹ âm nhạc của ca sĩ trẻ trong những năm gần đây: "Phong cách thể hiện của các em có tiệm cận thế giới hơn, nhưng về chiều sâu không thay đổi nhiều. Thế hệ VPop hiện tại chịu ảnh hưởng từ KPop quá nhiều. Nhưng KPop lại học hỏi từ Âu Mỹ, và mình nên học từ nguyên bản, đừng lấy từ bản sao. Nhiều người không hiểu rằng, đa số nhạc Kpop đều do nghệ sĩ quốc tế viết chứ không phải người Hàn".
Bên cạnh đó, những ồn ào về sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ trẻ cũng khiến không ít người thất vọng khi so sánh với thành quả mà thế hệ trước để lại. Một số ca khúc, MV gây sốt đều không ít lần bị người yêu nhạc "tố" là đạo, nhái của quốc tế.
Để phục vụ cho đối tượng khán giả trẻ, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ Vpop cũng có xu hướng "dễ dãi hóa" bản thân với các ca khúc "mỳ ăn liền". Ca từ, nội dung của nhiều ca khúc bị cho là nhảm nhí, thiếu văn minh như bài rap Ba thằng bạn, Khu tao sống của rapper Karik. Một vài MV có hình ảnh gây sốc như màn cởi đồ của thiếu nữ trong MV Anh không đòi quà cũng đột ngột trở thành "hiện tượng" rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng khi bị phát hiện mượn ý tưởng từ Trung Quốc. Riêng với dòng nhạc Underground, nhiều ca khúc xuất hiện với lời lẽ thô tục. Năm qua, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã phải ra quyết định tháo bỏ hai ca khúc của Yanbi và Mr.T vì lời lẽ không hợp thuần phong mỹ tục, đồng thời xử phạt hành chính các trang nhạc đăng tải các bài hát này.
Ca sĩ Đông Nhi lý giải, thời của cô cùng các đồng nghiệp khác có nhiều điều kiện thuận lợi để nổi tiếng hơn. Nhưng theo cô: "Nắm thì dễ, giữ được vị trí vững vàng như các anh chị đi trước mới khó. Tôi luôn tự dặn lòng phải nghiêm túc với nghề, không tự cao về bản thân, biết mình đang ở đâu và luôn bồi dưỡng những gì mình còn thiếu sót".
Theo VNE