Ngoài ra, đây cũng sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej, hay Rama IX nhiều ảnh hưởng, qua đời ngày 13/10/2016 và chính phủ thành lập sau bầu cử sẽ được sự phê chuẩn của Nhà vua Maha Vajiralongkorn, người cũng sẽ chính thức đăng quang vào tháng 5 tới.
Tổng cộng có 81 chính đảng tham gia tranh cử và hàng nghìn ứng cử viên sẽ tranh cử để đại diện cho 350 khu vực bầu cử. Ngoài ra, 150 thành viên khác của Hạ viện sẽ được bầu từ danh sách các đảng tham gia theo hệ thống được gọi là đại diện theo tỷ lệ.
Theo luật bầu cử mới, cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ áp dụng “Hệ thống bầu cử hỗn hợp”.
Bên cạnh việc bầu hạ nghị sỹ theo khu vực tranh cử, tổng cộng tất cả các lá phiếu cử tri đi bầu hợp lệ sẽ được chia đều cho 500 ghế để ra một con số cử tri trung bình cho mỗi ghế. Dựa vào đây, các lá phiếu bầu cho mỗi đảng trên khắp cả nước sẽ được cộng dồn chia cho tỷ lệ trên để ra số ghế mà đảng này có thể có. Từ đó, sẽ chọn ra Hạ nghị sỹ theo danh sách đảng đã đăng ký từ trước.
Khác với cuộc bầu cử trước đó, khi lãnh đạo đảng hoặc liên minh đảng thắng cử sẽ nghiễm nhiên trở thành Thủ tướng thì nay Thủ tướng lại do 750 Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ bỏ phiếu bầu trong một cuộc họp chung khi quốc hội mới nhóm họp.
Đáng chú ý, quân đội sẽ vẫn có mức ảnh hưởng cao đối với bất kỳ chính phủ nào lên cầm quyền sau bầu cử. Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) có quyền lựa chọn và bổ nhiệm 250 thượng nghị sĩ mà lá phiếu của họ có thể quyết định ai là thủ tướng tương lai.
Các ứng cử viên hàng đầu gồm, ứng cử viên của Pheu Thai, bà Sudarat Keyuraphan từ đảng Pheu Thai, tỷ phú trẻ Thanathorn Juangroongruangkit từ đảng Tương lai mới và cựu Thủ tướng Abhisit Vejaj từ đảng Dân chủ. Đặc biệt, tham gia chạy đua vào ghế thủ tướng lần này có Thủ tướng đương nhiệm Đại tướng Prayut Chan-ocha người đã lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự hồi năm 2014. Ông Prayut Chan-ocha là ứng cử viên của đảng Palang Pacharat, một đảng mới ra đời nhưng lại có sự góp mặt của rất nhiều cựu tướng lĩnh và sỹ quan quân đội ủng hộ. Trong cuộc bầu cử lần trước vào năm 2011, bà Yingluck Shinawatra đã lãnh đạo đảng Pheu Thai giành được số phiếu đa số. Bà trở thành Thủ tướng của Thái Lan trước khi bị lật đổ.
Các phòng bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 17h và kết quả bầu cử sơ bộ dự kiến sẽ được công bố và 20h tối cùng ngày./.