SDF khẳng định quét sạch những phần tử cuối cùng của tổ chức này tại thành trì ở miền Đông Syria. Nhưng liệu điều đó có đủ cho cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm qua?
SDF trở thành đối trọng
Người phát ngôn SDF Mustefa Bali ngày 23/3 cho biết, SDF tuyên bố đánh bại hoàn toàn IS và kiểm soát toàn bộ làng Baghouz, nơi cố thủ cuối cùng của IS tại miền Đông Syria. Chiến thắng tại Baghouz là một cột mốc lớn trong cuộc chiến chống IS của các lực lượng trong khu vực và quốc tế trong suốt hơn 4 năm qua. Đây cũng được coi là một thời khắc quan trọng trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 9 tại Syria, đánh dấu một trong những tổ chức khủng bố khét tiếng từng chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ, giờ bị đánh bật khỏi quốc gia này.
Lời khẳng định của SDF đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố IS bị đánh bại hoàn toàn tại Syria, đồng thời cho các phóng viên xem bản đồ của khu vực được SDF giải phóng. Một trong số đó cho thấy các khu vực rộng lớn từng do IS kiểm soát và bản đồ thứ hai phản ánh tình hình - tính đến ngày 22/3, trong đó không còn sự hiện diện của IS tại Syria.
Từ năm 2014, IS đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq, biến những nơi này thành thành trì hoạt động chính trước khi dần tan rã do các cuộc tấn công từ các lực lượng quốc tế, cũng như từ quân đội chính phủ Iraq và Syria. Từ tháng 12/2018, SDF đã đẩy mạnh các chiến dịch chống IS tại Syria và đánh đuổi chúng khỏi một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Syria và giành lại quyền kiểm soát 1/3 diện tích lãnh thổ nước này. Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, với sự trợ giúp quan trọng của Nga, đã giải phóng và giành lại quyền kiểm soát hơn 2/3 lãnh thổ.
Việc IS mất lãnh thổ và cuối cùng bị đẩy tới ‘cửa tử’ là điều được dự báo từ lâu. Tổ chức khủng bố này là đối tượng bị săn lùng ráo riết tại Syria và Iraq sau quãng thời gian lũng đoạn Trung Đông, phải đối mặt với một lực lượng chống khủng bố hùng hậu từ nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo rằng nguy cơ từ IS đã hoàn toàn bị loại bỏ với tuyên bố mới nhất của SDF được Mỹ hậu thuẫn. IS từng gây dựng thành trì và chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq suốt một thời gian dài, đánh bại IS trên thực địa được cho là chưa thể giúp loại bỏ hết các nguy cơ. Một số nhóm tay súng IS vẫn đang cố thủ tại vùng sa mạc rộng lớn ở miền Trung Syria và xuất hiện rải rác tại các thành phố của Iraq để thực hiện các vụ xả súng bất ngờ, bắt cóc dân thường và chờ đợi cơ hội để trỗi dậy.
Chặng đường tới hòa bình bao xa?
Chiến thắng của lực lượng vũ trang người Kurd tại Đông Bắc Syria tạo ra một cục diện mới trên chiến trường Syria, và có thể còn tác động tới tương lai chính trị và hòa bình tại đây. Mặc dù các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad hiện kiểm soát 2/3 lãnh thổ Syria, các tuyến đường thương mại huyết mạch, song họ vẫn chưa giành lại một số khu vực chủ chốt như miền Đông Bắc Syria nhiều dầu mỏ, hiện vẫn do các tay súng người Kurd kiểm soát. Đây có thể là mấu chốt cho tình huống trong tương lai.
Ngay trước khi SDF tiến những bước cuối cùng nhằm xóa sạch dấu vết của IS tại miền Đông Bắc, Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Abdullah Ayyoub hôm 18/3 tuyên bố SDF do Mỹ hậu thuẫn sẽ phải đối mặt với 2 lựa chọn: hoặc hòa giải với chính phủ, hoặc quân đội Syria sẽ giành lại bằng vũ lực các khu vực do SDF kiểm soát. Ông Ayyoub tuyên bố Nhà nước Syria sớm hay muộn sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ, đồng thời nhấn mạnh Syria sẽ không để một ‘tấc đất’ nào nằm ngoài tầm kiểm soát.
Như vậy, chính quyền trung ương Syria đã phát đi tín hiệu rằng SDF sẽ phải lựa chọn là một phần trong tương lai thống nhất của Syria hoặc trở thành đối tượng bị săn đuổi như IS. Giải pháp lúc này là cả chính phủ ở Damascus cùng SDF hay các lực lượng đối lập khác ngồi vào bàn thương lượng để thay cho cuộc chiến tương tàn vốn bắt đầu từ năm 2011.
Các cuộc đàm phán hòa bình về Syria liệu có khả thi? Thực tế, nhiều giải pháp nhằm tìm ra lộ trình chính trị, chấm dứt xung đột tại Syria đã được xúc tiến những năm qua. Đáng chú ý nhất là các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc (UN) bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ, bắt đầu từ năm 2012, với vai trò trung gian đàm phán của phái viên UN phụ trách vấn đề Syria, cũng như các vòng đàm phán trong khuôn khổ "định dạng Astana", do bộ 3 bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng kể từ tháng 12/2016.
Tuy nhiên, cho đến nay các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của UN vẫn chưa đạt được nhiều đột phá, nếu không muốn nói là thất bại khi giao tranh vẫn tiếp diễn, trong khi các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề then chốt là số phận của Tổng thống Assad.
Trong khi đó, 11 hội nghị được tổ chức theo "định dạng Astana" đã đạt kết quả khả quan với một số bước tiến tạo xung lực cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Syria, đặc biệt là việc nhất trí thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria. Sự ra đời của ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do UN bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.
Nhưng việc đưa Ủy ban Hiến pháp Syria đi vào hoạt động là một thử thách lớn bởi dù 1 năm trôi qua song các bên vẫn chưa thống nhất được thành phần dự kiến gồm 150 thành viên, do chính phủ, phe đối lập và đặc phái viên UN lựa chọn. Đó là chưa kể, việc Nga- Iran- Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khẳng định được vai trò hợp tác quan trọng trong khu vực, dường như lại khiến Mỹ và các đồng minh khu vực không hài lòng. Cách tiếp cận, lợi ích và mục tiêu khác biệt đã đẩy của các bên liên quan tới vấn đề Syria vào hai chiến tuyến đối nghịch.
Hơn 8 năm sau ngày bùng nổ, cuộc xung đột Syria vẫn là một bài toán khó. Chiến trường Syria có thể coi là một vũng lầy hỗn độn của những yếu tố đan xen, chồng chéo khiến mọi thứ luôn rối loạn. Mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, bất đồng phe phái, sự tranh giành ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài, lợi ích của các bên liên quan đối nghịch nhau.
Ở Syria, ngoài lực lượng chính phủ và phe đối lập, sự tham gia của các cường quốc thế giới và khu vực, từ Mỹ, Nga tới Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, với mỗi thế lực hậu thuẫn một bên, có mục tiêu, lợi ích khác nhau, khiến xung đột ở quốc gia Trung Đông luôn không thể đi tới thỏa hiệp cuối cùng. Câu chuyện lúc này đã không còn là mâu thuẫn riêng của chính quyền Tổng thống Assad với các lực lượng đối lập nữa, thậm chí cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông còn bị đẩy lên một nấc thang mới khi được mô tả có quy mô khu vực và quốc tế. Bởi thế, IS bị đẩy lui (trên danh nghĩa) khỏi chiến trường Syria chưa hẳn đã là tin vui cho hòa bình tại đây./.