(Baonghean) - Mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã Thạch Giám (Tương Dương) vẫn còn chiếm 57%. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM, địa phương xác định xóa nghèo là một trong những tiêu chí khó khăn nhất. Bởi kinh tế của bà con chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc vào thiên nhiên, lực lượng lao động trẻ thiếu việc làm, thiếu kiến thức KHKT, trình độ dân trí thấp...

 
Anh Mạc Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi được huyện chọn làm đơn vị điểm xây dựng NTM, Thạch Giám coi đây là niềm vinh dự, nhưng cùng với đó là không ít trăn trở. Nhiều giải pháp được đưa ra để thực hiện bằng được mục tiêu xóa nghèo. Nhưng xóa thế nào để mang tính bền vững là điều quan trọng nhất. Tất cả mọi nỗ lực đều được huy động: kêu gọi sự giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng; giao cho mỗi cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo; sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc huyện và huy động sự giúp đỡ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã; kết hợp với lồng ghép các chương trình của Nhà nước, như Chương trình 135/CP, 134/CP, 167/CP, Nghị quyết 30a của Chính phủ.
 
Trước khi giúp đỡ xã tiến hành khảo sát từng hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân nghèo để hỗ trợ một cách thiết thực, đúng nguyện vọng của người dân. Hộ nào cần vật nuôi thì hỗ trợ con giống, hộ nào cần cây trồng thì hỗ trợ cây giống, hộ nào có điều kiện về lao động, đất đai, nhưng thiếu vốn thì các tổ chức chính trị phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện cho vay vốn lãi suất thấp, đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Đối với đội ngũ cán bộ xã, Đảng ủy giao trách nhiệm đóng góp tiền lương hàng tháng, phối hợp với 9/9 bản khảo sát từng hộ nghèo, nếu hộ nào có ý chí vươn lên thoát nghèo, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho cách làm vườn, cách làm chuồng trại… đồng thời hỗ trợ cây, con giống.
 
images1384807_dsc_0645.jpgVườn chuối tiêu hồng của gia đình ông Vi Hải Lâm ở bản Chắn.
 
Gia đình ông Vi Văn Bình ở bản Chắn thuộc diện hộ nghèo từ năm 2012 về trước. Đầu năm 2013, được cán bộ xã hỗ trợ tiền mua 2 con lợn giống, hướng dẫn gia đình rào chắn đất vườn nhà cẩn thận, trồng rau xanh… Nhờ đó mọi thành viên trong gia đình có việc làm, thu nhập tuy không lớn nhưng đủ để chi tiêu hàng ngày từ tiền bán rau xanh, chuối, lợn… Cuối năm 2013, gia đình xóa được hộ nghèo. Bí thư Chi bộ bản Chắn Vi Văn Líp cho biết: Nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp phương thức làm ăn của cán bộ xã, nhiều gia đình đã thoát được nghèo. Hiện nay, bản Chắn chỉ còn 9/tổng số 110 hộ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của nhà nước. Phong trào nhà nhà làm vườn đang phát triển mạnh mẽ tại các gia đình ở bản.
 
Được chọn làm điểm xây dựng NTM, do vậy những năm qua, huyện thực hiện nhiều mô hình điểm về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân tham quan học hỏi, nhân ra diện rộng. Như mô hình trồng chuối tiêu hồng, lúc đầu mô hình điểm chỉ thực hiện gần 1 ha, nay bà con đã nhân lên được hơn 4 ha ở bản Chắn, dần tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn trên địa bàn. Mô hình trồng rau xanh, củ, quả sạch ở bản Phòng do Ủy ban Kiểm tra tỉnh phối hợp với Trường Đại học Vinh thực hiện, đã tạo được hướng đi đúng đắn, khai thác được nhiều diện tích đất màu tại địa phương. Do vậy, những năm qua, nông dân Thạch Giám có rau xanh và dưa chuột trồng trên nương rẫy bày bán hàng ngày trên Quốc lộ 7, tạo nên thị trường quen thuộc đối với khách hàng, đặc biệt là khách từ miền xuôi. Hay mặt hàng xoài đặc sản của Tương Dương được trồng hầu hết ở các bản của Thạch Giám, giống xoài địa phương quả nhỏ, nhưng có vị thơm, ngọt đặc trưng, nức lòng thực khách. Chị Vị Thị Liên ở bản Lau bộc bạch: Nhà có gần 1 ha nương rẫy, hàng năm gia đình trồng xen dưa chuột, thu nhập được nhiều. Vụ này gia đình hái được khoảng 1 tấn quả, gùi ra Quốc lộ 7, bán cho khách đi đường, giá bán 15.000 đồng/kg, thu về khoảng 15 triệu đồng. Mặt hàng rau, củ, quả được trồng trong vườn nhà, nương rẫy không sử dụng thuốc BVTV, được gọi là rau sạch, nên khách hàng ưa chuộng, có bao nhiêu cũng bán hết.
 
Trên địa bàn xã Thạch Giám còn có 6 đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng, khai thác cát… Cùng với phong trào xóa đói, giảm nghèo của địa phương, mỗi doanh nghiệp mỗi năm nhận hỗ trợ từ 1 - 2 hộ thoát nghèo bằng cách: đơn vị khai thác cát thì hỗ trợ vật liệu xây dựng, làm nhà mới; đơn vị xây dựng, hoặc lĩnh vực khác hỗ trợ con giống, cây giống, đào ao thả cá… Trên địa bàn xã còn có 10 tổ xây dựng, tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động trẻ tại địa phương.
 
Anh Mạc Văn Nguyên cũng cho hay: Với những nỗ lực ấy, tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Thạch Giám đã giảm xuống còn 113/1.145 hộ (chiếm 9,87%), đạt mức chuẩn NTM. Và để giúp các hộ tiếp tục xóa được nghèo, hộ đã xóa nghèo vươn lên hộ khá, tới đây, xã xác định phát triển kinh tế vườn là trọng tâm, vì thế sẽ giao nhiệm vụ cho từng cán bộ xã, phụ trách bản, tiếp tục trực tiếp xuống vận động, hướng dẫn bà con rào vườn, tận dụng đất màu để trồng rau, cải thiện cuộc sống. Hiện nay nhiều gia đình vẫn còn để đất hoang, hoặc trồng cây không phù hợp, cần phải cải tạo lại, không chỉ để phục vụ bữa ăn hàng ngày mà còn để bán ra thị trường. 
 
Xuân Hoàng