Khoảnh khắc Giao thừa đã cận kề, ai cũng mong đến thời khắc linh thiêng này để mọi người cùng quây quần, tiễn năm cũ đi, đón năm mới về. Khi xung quanh người người đang nô nức đi sắm Tết, đi chơi xuân thì vẫn còn đó những phận người đang vất vả mưu sinh. Họ không mong gì hơn ngoài việc sớm bán được hàng, nhanh làm xong công việc để còn về với gia đình mình.
Đã nhiều năm nay, chị Thu (quê Khoái Châu, Hưng Yên), đã quen mặt với bụi đường TP.Vinh về đêm. Với chiếc xe đạp có chân chống dài, cùng những thứ đồ chơi đủ màu, chị hy vọng các bậc phụ huynh khi đưa con mình đi chơi Quảng trường sẽ ghé mua một vài món. Nhưng năm nay, do ngại dịch bệnh, trẻ con đi chơi Quảng trường ít đi, nhiều lúc ngồi cả đêm chẳng bán được món đồ chơi nào, chị đành lủi thủi đạp xe về.
Hỏi khi nào thì về để cùng đón Tết với gia đình, chị Thu nén tiếng thở dài bảo, trước Tết đã tranh thủ về quê mấy ngày rồi lại vào Vinh. Những ngày cận Tết, không đêm nào chị nghỉ bán, thậm chí đêm mồng 1 chị cũng sẽ đạp xe ra đường với hy vọng ngày Tết người đi chơi nhiều sẽ bán được đắt hàng hơn.
Dù bán đủ loại hàng, nhưng chị Hằng, người Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ngồi bán ở góc cầu Kênh Bắc vẫn không khá khẩm hơn. Đã 22h đêm, nồi ngô luộc của chị vẫn còn đầy. Ngô được chị Hằng đặt mua từ bà con nông dân ở quê, mỗi bông bán giá 8.000 đồng, sau khi trừ công cán cũng chỉ lời được 2.000 đồng. Lời lãi không nhiều, nhưng đã thành quen, mấy năm nay đêm nào chị cũng xếp hàng ra ngồi bán đến tận khuya mới về. Chị Hằng chia sẻ, ngày tranh thủ chuẩn bị Tết cho gia đình, đêm thì đẩy hàng ra ngồi bán. Đêm Tết mong sao mọi người muốn thay đổi khẩu vị nên tìm đến hàng quán ăn vặt nhiều hơn.
Chọn địa điểm bán hàng ở gần Trường Đại học Vinh, chị Trịnh Thanh Hiền (Trung Đô, TP.Vinh), nhắm đến đối tượng là các bạn trẻ thích trà đá, ngô luộc mỗi đêm. 4 năm nay, ngày thì chị bán ở nhà, đêm kéo xe đẩy chở nước chè, khoai luộc, ngô nướng ra bên đường bán.
Chị Hiền cho biết, thường thì 23h đêm, khi không còn khách mới thu dọn hàng. Năm nào cũng bán đến đêm 30 mới nghỉ.
Giữa tấp nập của phố thị, có một điều đặc biệt là khi mọi người bắt đầu nghỉ ngơi thì những người công nhân môi trường lại bước ra đường làm việc. Chị Nguyễn Thị Hiền, quê Thanh Chương, đã làm công việc này được hơn 3 năm, đêm nào chị cũng làm việc đến tận 1-2h sáng, có khi muộn hơn. Còn đón Giao thừa? Đó là điều xa xỉ.
Chị Hiền kể, năm nào cũng vậy cứ đến thời khắc Giao thừa là mấy chị em trong tổ lại dừng xe, hướng mắt lên trời ngắm pháo hoa, xong lại làm việc. Về đến nhà đã tảng sáng, tắm giặt xong nghỉ ngơi cho lại sức để tối còn làm việc. Thế là hết Tết. "Năm nay nghe nói không bắn pháo hoa nên chắc tranh thủ làm cho nhanh mà về với gia đình thôi" - chị Hiền chia sẻ.
Ngày làm việc ở nhà, đêm được con chở lên phố, mẹ bán nước, con trông giữ xe, thế mà bà Lam (Nghi Hải, Nghi Lộc), cũng đã bám trụ với góc đường được gần 20 năm. Bàn ghế, cốc chén thì bà gửi trong một cơ quan gần điểm bán. Hàng hóa hết chừng nào thì lấy về chừng ấy. Nói là hàng hóa cho sang chứ thực chất cũng chỉ là ấm nước chè, mấy gói hạt dưa và đôi ba chai nước giải khát đóng sẵn.
Bà Lam bảo mùa hè người ta đi chơi nhiều chứ đêm Tết, nhiều người chỉ đi chơi, đi dạo phố chứ rất ít người đi ngồi nhâm nhi trà đá. Cuối cùng cũng chỉ có mấy khách quen đi bộ buổi đêm ghé quán ngồi buôn chuyện với bà cho đỡ buồn.
Đêm về khuya, người thưa vắng dần. Dưới ánh đèn màu trang trí hắt xuống đường sáng rực là bóng những người công nhân đô thị, những người bán ngô nướng với bếp than hồng le lói trong đêm. Vất vả là thế nhưng trong ánh mắt họ vẫn chất chứa niềm tin, họ vẫn miệt mài chắt góp từng đồng về chăm lo cho gia đình nhỏ của mình./.