Các tàu khu trục lớp Zumwalt của Mỹ sẽ được nâng cấp, tập trung vào vai trò chống tàu chiến đối phương thay vì tấn công mặt đất.

images2082479_zumwalt_9564_1512978528.jpgTàu khu trục tàng hình USS Zumwalt. Ảnh: US Navy

Hải quân Mỹ đang tiến hành đợt thay đổi lớn trong nhiệm vụ của siêu khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt. Thay vì oanh tạc các mục tiêu nằm sâu trong đất liền, những chiến hạm hiện đại nhất của Mỹ sẽ chuyển sang nhiệm vụ diệt tàu mặt nước đối phương. Giới chuyên gia nhận định thay đổi này phản ánh sự chuyển biến chiến lược trong bối cảnh hải quân Nga và Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, theo Popular Mechanics.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hải quân Nga không còn sức đe dọa Mỹ như dưới thời Liên Xô. Với việc không còn đối thủ cạnh tranh trên biển, Mỹ bắt đầu chuyển hướng vào cuộc chiến trên bộ. Tới thập niên 2000, hải quân Mỹ muốn chế tạo lớp tàu khu trục mới nhằm yểm trợ hoạt động tác chiến trên bộ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Kết quả là khu trục hạm tàng hình Zumwalt ra đời với nhiệm vụ bí mật áp sát bờ biển đối phương để oanh tạc mục tiêu bằng hai pháo hạm AGS cỡ nòng 155 mm. Hải quân Mỹ muốn sở hữu 32 khu trục hạm loại này, nhưng chi phí quá cao khiến lực lượng này chỉ đặt đóng ba chiếc và không trang bị đạn tầm xa đặc biệt cho pháo AGS.

Trong khi Mỹ tham gia vào các cuộc chiến trên bộ tại Afghanistan, Iraq và Syria, Nga và Trung Quốc lại mạnh tay đầu tư để tăng cường sức mạnh trên biển, nhằm thách thức sự thống trị đại dương của hải quân Mỹ. Chuyên gia quân sự David Axe đánh giá việc chuyển nhiệm vụ từ tấn công mặt đất sang diệt hạm cho thấy hải quân Mỹ chính thức thừa nhận thất bại trong mục đích thiết kế ban đầu của khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt.

Đơn giá một tàu lớp Zumwalt là hơn 4 tỷ USD, khiến hải quân Mỹ phải cắt giảm số lượng xuống còn ba chiếc để tập trung đóng khu trục hạm lớp Arleigh Burke. Ngoài ra, đạn pháo Tấn công Mặt đất Tầm xa (LRLAP) cho pháo AGS cũng có giá tới gần một triệu USD/quả, khiến hải quân Mỹ quyết định dừng sản xuất khi mới chỉ có 90 quả được xuất xưởng hồi năm ngoái. Hiện USS Zumwalt, tàu đầu tiên thuộc lớp Zumwalt, vẫn chưa có đạn cho pháo AGS.

Tổ hợp pháo AGS trong quá trình đóng tàu USS Zumwalt. Ảnh: US Navy

Thiết kế tàng hình tiên tiến giúp tàu khu trục Zumwalt áp sát mục tiêu hơn chiến hạm thông thường, nhưng nó phải tác chiến đơn độc để tránh bị lộ bởi những tàu xung quanh. Tuy nhiên, việc thiếu vũ khí tầm xa dễ khiến lớp Zumwalt gặp nguy hiểm khi hoạt động độc lập.

Đến cuối năm 2017, tàu USS Zumwalt vẫn lạc lõng trong hải quân Mỹ khi không được biên chế vào đơn vị cụ thể nào, thiếu vũ khí và không có nhiệm vụ rõ ràng. Việc thay đổi nhiệm vụ sang diệt hạm có thể thay đổi thực trạng này, nhưng vẫn chưa rõ những cải tiến nào sẽ được áp dụng.

Một giải pháp hiệu quả là bỏ pháo hạm AGS và thay thế bằng 100 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk. 41. Mỗi ống phóng có thể chứa một tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) hoặc tên lửa tấn công đa nhiệm (JSM), giúp lớp Zumwalt trở thành sát thủ diệt hạm uy lực.

Hệ thống liên lạc tối tân và năng lực kết nối mạng của lớp Zumwalt giúp nó nhận dữ liệu mục tiêu từ các khí tài như vệ tinh, máy bay trinh sát không người lái MQ-4, phi cơ tuần thám P-8A, tiêm kích F/A-18E/F, tàu mặt nước và tàu ngầm.

Hải quân Mỹ đã phớt lờ nhiệm vụ tác chiến đối hạm trong gần 20 năm qua, khiến nhiều tàu khu trục không được trang bị tên lửa diệt hạm. Việc biến siêu khu trục hạm lớp Zumwamt thành sát thủ diệt hạm cho thấy lực lượng này đang dành sự chú ý vào những nhiệm vụ từ thời Chiến tranh Lạnh, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.

 Theo VNE 

TIN LIÊN QUAN