Trung đoàn Công binh - Ngụy trang độc lập số 45 chuyên chế tạo các mô hình vũ khí kích thước thật để đánh lừa đối phương.
Trong Thế chiến II, quân Đồng minh từng sử dụng nhiều loại mô hình bơm hơi để đánh lừa lực lượng trinh sát phát xít Đức. Việc triển khai khí tài giả để nghi binh, gây khó khăn cho đối phương vẫn được nhiều quốc gia ứng dụng tới ngày nay, trong đó có Nga, theo War Is Boring.
Một trong những lực lượng chuyên vận hành mô hình bơm hơi của quân đội Nga hiện nay là Trung đoàn Công binh - Ngụy trang độc lập số 45, đóng tại phía tây tỉnh Moscow. Đơn vị này được trang bị hàng loạt mô hình, từ xe tăng chiến đấu chủ lực tới các bệ phóng tên lửa và máy bay tiêm kích. Đặc thù tác chiến khiến Trung đoàn 45 được mệnh danh là "Đội quân bơm hơi" của Nga.
"Các binh sĩ chỉ cần vài phút để triển khai mô hình bơm hơi, thậm chí họ có thể tạo ra một sân bay giả ngay trên chiến trường", một quan chức quốc phòng Nga cho biết. Văn phòng Nghiên cứu quân đội nước ngoài thuộc lục quân Mỹ nhận định mô hình bơm hơi của Nga không chỉ có khả năng mô phỏng hình dáng của khí tài thực, chúng còn được lắp nhiều thiết bị để tạo ra dấu hiệu nhiệt và điện tử không khác gì một đơn vị thông thường.
Nhiệm vụ chính của đội quân bơm hơi là nghi binh, đánh lừa hàng loạt hệ thống trinh sát. Đối phương sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực để theo dõi toàn bộ các khí tài xuất hiện trên chiến trường, thay vì tập trung vào những đơn vị thật. Ngoài ra, sự xuất hiện của đội quân bơm hơi có thể buộc quân địch thay đổi chiến thuật của từng trận đánh, gây ảnh hưởng tới kết quả của cả chiến dịch.
Ngoài ra, đội quân bơm hơi cũng có vai trò thế mạng cho các khí tài thực tế trong trường hợp bị tấn công. Một chiếc xe tăng hay máy bay bơm hơi làm từ cao su có giá khoảng 16.000 USD, nhưng có thể vừa khiến đối phương tiêu tốn bom và tên lửa thông minh trị giá hàng chục nghìn USD, vừa bảo vệ được những khí tài thực hàng triệu USD.
Theo VNE