Ngư dân Vũ Xuân Trọng, thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long đang sử dụng tàu cá lưới vây có công suất 450CV chia sẻ: Đánh bắt bằng nghề lưới vây hiệu quả rất cao, 9 tháng đầu năm 2017 mỗi chuyến biển không quá 10 ngày tàu của ông cũng thu về được hàng chục tấn cá các loại, trừ chi phí mỗi lao động thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/người/chuyến. Nhưng 3 tháng cuối năm do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh tràn về liên tục nên sản lượng khai thác giảm, giá cả không tăng, các chuyến biển đi về chỉ đủ chi phí xăng dầu.
Lưới vây là nghề đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và cũng chịu rủi ro cao bởi một số yếu tố ngư trường khai thác rộng, xa bờ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, năng suất khai thác không ổn định đã làm tăng chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm khai thác giảm nên nhiều tàu không đạt hiệu quả.
Các đội tàu đang sử dụng kỹ thuật vây mạn, ít có khả năng cơ giới hóa trong sản xuất nên phải sử dụng nhiều lao động, thời gian đánh bắt lâu, việc đảm bảo an toàn trong sản xuất không cao…
Hiện nay trung bình mỗi tàu đi nghề lưới vây phải cần 15 - 19 lao động. Thời gian gần đây do hiệu quả đánh bắt thấp nên nhiều lao động đã chuyển sang ngành nghề khác. Như ở xã Quỳnh Long hiện có khoảng 1/3 tổng số phương tiện thiếu lao động.
Ngư dân Nguyễn Văn Minh, chủ tàu cá có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề đi biển ở thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long chia sẻ: Khi được mùa thì dễ vận động lao động ổn định sản xuất, nhưng mất mùa như hiện nay thì không có lao động, nhiều tàu đang nằm bờ có nguy cơ phải chuyển nghề.
Để giải quyết khó khăn về việc thiếu lao động, ngư dân Nguyễn Văn Minh và nhiều ngư dân khác ở xã Quỳnh Long đã tập trung cơ giới hóa sản xuất, lắp thêm một số thiết bị như hệ thống tời dây bo rút vào khoang, lắp thêm tời lườn để tời phao, chuyển lưới tùng về que cuối để giảm sức lao động, bớt người tời lưới.
“Với việc lắp thêm những thiết bị và chuyển lưới tùng về que cuối giúp chúng tôi giảm được 3 lao động. Ví dụ trước đây phải 14 – 15 lao động mới đủ người đi nhưng giờ cơ cấu lại và lắp thêm thiết bị thì chỉ 11 – 12 người là có thể đi sản xuất được”. Ngư dân Nguyễn Văn Minh nói thêm.
Ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để nghề này phát triển bền vững đem lại thu nhập cho các địa phương, cùng với việc đào tạo nâng cao chất lượng lao động đi biển thì huyện cũng đang chỉ đạo các xã cơ cấu lại ngành nghề cho phù hợp và khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, đăng ký mở rộng ngư trường khai thác ra khu vực Trường Sa để bắt được nhiều cá có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời cũng giảm áp lực khai thác trong vùng Vịnh Bắc Bộ.